Y tế - Giáo dục

Chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết

Nguyễn Lâm 17:14 21/09/2024

Chiều 20-9, Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại gần 200 trung tâm hiện đại trên toàn quốc.13092024thuy49.jpg

VNVC chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vắc xin sốt xuất huyết của Takeda đã được nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm, được phê duyệt sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam vào tháng 5/2024, dành cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.

Vaccine có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vaccine có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng có diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ nên việc phòng bệnh rất khó khăn vì đường lây phức tạp qua muỗi truyền bệnh. Điều trị bệnh sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết hằng năm số mắc và tử vong do sốt xuất huyết vẫn cao và ngày càng lan rộng. Mỗi năm sốt xuất huyết gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương.

Nhờ có vắc xin, nhiều bệnh nguy hiểm đã bị loại trừ và giảm đi hàng trăm, hàng ngàn lần ca mắc như đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt... và gần đây nhất là COVID-19.

"Vắc xin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắc xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm đã kỳ vọng vắc xin sốt xuất huyết được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ giúp giảm gánh nặng do bệnh này. Và như vậy sẽ giảm số ca nhập viện, giảm tải bệnh viện và giảm biến chứng, tử vong.

Ở góc độ dự phòng, quản lý nhà nước, Th.S-BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng việc triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam giúp ngành y tế dự phòng và người dân có thêm vũ khí phòng bệnh và đối phó với dịch sốt xuất huyết hiệu quả. Tuy vắc xin có hiệu quả và lợi ích lớn, nhưng BS Nga lưu ý người dân vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác như chống muỗi bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng… để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và bền vững./.

Nguyễn Lâm