Chờ đợi sự bứt phá và sáng tạo

Emagzine - Ngày đăng : 12:10, 21/09/2024

Xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới là một trong số những đề tài đã được các tác giả phản ánh trong nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại. Là một đề tài mũi nhọn, được nhiều công chúng và giới chuyên môn kỳ vọng, nhưng thực tế mảng sáng tác này vẫn còn “thiếu” và “yếu” đòi hỏi cần có sự dấn thân, đột phá và sáng tạo của cá nhân mỗi nghệ sĩ.
sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi(1).jpg
sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-2-.png
t1111.jpg

Hà Nội là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, ngàn năm văn hiến, là kinh đô - Thủ đô của nhiều thời đại. Trải qua thời gian, Thủ đô cũng đã có nhiều đổi thay. Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, vóc dáng, diện mạo đô thị dần được định hình, ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang xây dựng; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu… được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ.

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-1-(1).jpg

Là một họa sĩ khá thành công ở mảng đề tài lịch sử, chiến tranh, họa sĩ Nguyễn Văn Chiến cũng không ngại ngần “rẽ lối”. Trong đó, tiêu biểu là các bức tranh ông vẽ về những cây cầu bắc qua sông Hồng trong quá trình xây dựng: “Xây dựng cầu Thanh Trì” (sơn dầu, 2008); “Xây dựng cầu Vĩnh Tuy” (sơn dầu, 2009); “Xây dựng cầu vượt nội đô” (sơn dầu, 2013).

Sự đổi thay của Thủ đô cũng đã được “phản chiếu” trong các sáng tác văn học nghệ thuật trong đó có mỹ thuật. Nếu như trước đây, Thủ đô Hà Nội được thể hiện sinh động qua những tác phẩm chủ đề lịch sử, chiến tranh cách mạng, phong cảnh, làng quê, chân dung, lễ hội dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, bảo vệ môi trường,… thì nay mảng đề tài Hà Nội đổi mới và phát triển cũng đã được một số tác giả lựa chọn và được công chúng ghi nhận.

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-5-.png

Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho hay Hà Nội đổi mới là đề tài xuyên suốt trong tác phẩm của anh. Nếu như trước đây (thời điểm năm 2016), anh vẽ trực diện về cây cầu đường sắt trên cao, đối lập với nó là những mảng phố được xen lấn trong các má cầu, gầm cầu trong tác phẩm “Hà Nội có cây cầu mới”; rồi vẽ về cây xanh Hà Nội trong “Summer 2016” để phản chiếu quá trình đô thị hóa của Hà Nội thì nay Hà Nội đương đại được anh khai thác theo hướng khác, cách thể hiện khác trong đó lồng ghép giá trị của di sản. “Tôi muốn thể hiện một góc nhìn lãng mạn, thi vị và cũng đầy trữ tình khi vẽ về phố và làng Hà Nội hôm nay”, họa sĩ Minh Phố bộc bạch.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Hội Mỹ thuật Hà Nội đều tổ chức triển lãm mỹ thuật Thủ đô. Trong cuộc “hội ngộ” của các họa sĩ và nhà điêu khắc tham gia triển lãm này, đã có một số tác phẩm ở mảng đề tài Hà Nội đổi mới được các tác giả “trình làng” công chúng. Có thể nhắc tới: “Nút giao thông phúc hợp” (acrylic) của Ngô Thành Nhân, “Nắng công trường” (sơn mài) của Trần Xuân Bình, “Công trường mở rộng đường Láng - Hòa Lạc” (sơn dầu) của Bùi Trung Hà, “Ngày mới” (sơn dầu) của Đỗ Trung Kiên, “Ngày đông về” (sơn dầu) của Lê Anh, “Nhịp điệu làng nghề” (acrylic) của Khánh Châm, “Đô thị hóa” (sơn dầu) của Kim Duy Văn, “Hà Nội ngày nay” (acrylic) của Trịnh Việt, “Con đường” (tổng hợp) của Vương Duy Khoái, “Ngoại thành vào vụ gặt” (sơn dầu) của Nguyễn Huỳnh Mai, “Vì bình yên cuộc sống” (acrylic) của Trần Quang Thái, “Nhà siêu méo” (acrylic) của Nguyễn Xuân Thủy…

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-2-.jpg

Một số tác giả khác đã phác họa một Thủ đô đổi mới qua những bức vẽ về những cầu vượt nội đô, tuyến đường sắt trên cao, nhà ga, sân bay, khu đô thị, nhà cao tầng… rồi nhịp sống đô thị hiện đại. Tuy nhiên, so với mảng đề tài quen thuộc (phong cảnh, lễ hội, chân dung, tĩnh vật…) thì mảng đề tài về chiến tranh cách mạng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, và đặc biệt là đề tài xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới vẫn còn rất hạn chế, đó là chưa kể tới chất lượng nội dung tác phẩm.

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Chiến, Hà Nội đã chuyển mình, thay đổi rõ rệt về xây dựng ngay sau khi sáp nhập mở rộng địa giới. Tuy nhiên, đề tài này ít được phản ánh trong tác phẩm mỹ thuật.

Là người dõi theo tường tận từng triển lãm Thủ đô trong hàng chục năm qua, nhà LLPB mỹ thuật Đặng Thanh Vân chung niềm trăn trở: “Những bức tranh đề tài về xây dựng Thủ đô còn rất thưa vắng trong triển lãm Mỹ thuật Thủ đô được tổ chức thường niên. Trong gần 300 tác phẩm được giới thiệu ở mỗi kỳ triển lãm, thì những tác phẩm có đề tài về xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới chiếm một số lượng khá khiêm tốn”.

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-5-.jpg
tit-2.jpg

Làm thế nào để mỹ thuật theo kịp và phản ánh sinh động sự phát triển mạnh mẽ của một Thủ đô đang mở rộng, xây dựng và phát triển? Đó là trăn trở của Ban chấp hành hội Mỹ thuật và của không ít các hội viên trong hội.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho hay, đề tài xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới là đề tài mũi nhọn với nội dung rất rộng bao hàm mọi hoạt động, từ văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… Bởi thế đổi mới sáng tác nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải dày công tìm hiểu, khai thác để đưa vào tác phẩm của mình sao cho phù hợp cả về nội dung và hình thức, đảm bảo chất lượng và thể hiện sở trường của mình.

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-4-.jpg

Theo họa sĩ Khánh Châm, việc khai thác những nét đẹp, nét tươi mới của Hà Nội mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng là một đòi hỏi đối với mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc. Để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ mới đòi hỏi mỹ thuật Thủ đô cần những bước đi đột phá, sáng tạo, những giải pháp hữu hiệu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác những tác phẩm nghệ thuật tạo hình, phản ánh cuộc sống phong phú, sôi động của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới.

“Hà Nội của chúng ta đổi thay từng ngày, từng giờ, nên nhiệm vụ phản ánh cuộc sống đương đại của văn nghệ sĩ, trong đó có giới mỹ thuật cũng nặng nề hơn, khó khăn hơn. Các nghệ sĩ không thể cứ đi mãi con đường mòn của các đề tài cũ mà phải có sự đột phá, thay đổi hình thức thể hiện tác phẩm, đổi mới ngôn ngữ hội hoạ, nâng cao tính điển hình hóa hình tượng nghệ thuật”, nhà LLPB Mỹ thuật Đặng Thanh Vân nhấn mạnh.

sang-tac-my-thuat-ve-thoi-ki-thu-do-doi-moi-6-.jpg

Đề cập tới những giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới, họa sĩ Trịnh Bá Quát đề xuất: Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội nên có sự định hướng sáng tác ở mảng đề tài này; thay đổi chính sách đầu tư cho sáng tác (không nên đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư cho các tác giả có phác thảo đẹp, có nội dung tốt); tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ xâm nhập thực tế nhất là ở các đề tài khó như chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, nông thôn mới. Với công tác tổ chức triển lãm, nên chọn lọc các tác phẩm để giới thiệu, đồng thời mở rộng các triển lãm chuyên đề.

Hà Nội đang đổi mới từng ngày trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng chính là đề tài, đối tượng cần được phản ánh trong các tác phẩm của nghệ thuật tạo hình. Với các tác giả, ngoài việc mở rộng sáng tác gắn với cuộc sống, sự đổi mới của Thủ đô, thì cũng cần phải làm mới mình để làm sao chuyển tải nhịp đô thị mới vào tác phẩm một cách sinh động, hấp dẫn mà không bước vào những “lối mòn”.

tac-pham-_do-thi-hoa_-cua-hoa-si-kim-duy-van.png

“Nâng cao chất lượng sáng tác luôn là nỗi lo, nỗi trăn trở của người nghệ sĩ mỗi khi gần đến dịp triển lãm mỹ thuật Thủ đô hằng năm. Bản thân mỗi họa sĩ hay nhà điêu khắc phải tìm cho mình một nội dung, đề tài phù hợp với sở trường, sở đoản của mình, sao cho tác phẩm năm sau phải hơn năm trước. Hơn cả về chất lượng nội dung, thủ pháp kỹ thuật và cảm xúc về màu sắc…”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh./.

tac-gia(1).jpg

Thuỵ Phương