Tác giả - tác phẩm

Ra mắt sách “Ai nói? Tại sao lại nói như thế” của nhà văn Văn Giá

Linh Nguyễn 15:13 20/09/2024

Tác phẩm văn học được các nhà phê bình đánh giá cao về sự sáng tạo, đầy dũng khí trong lối viết; tính đời, sự tự trào đa chiều trong nội dung và tạo nên “biệt danh” mới cho nhà văn: “Người kể chuyện hiểu chuyện”.

Sáng 20/9, tại phòng Nghệ thuật của NXB Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt tập truyện ngắn “Ai nói? Tạo sao lại nói như thế?” của nhà văn Văn Giá.

Buổi ra mắt sách diễn ra trong không khí sang trọng, ấm cúng với sự có mặt của rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà lý luận phê bình và bạn bè, đồng nghiệp, người thân, sinh viên của tác giả.

z5849628918374_af4a5c68758ba373bbc37462544f7aae.jpg
Nhà văn Văn Giá chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt sách.

Tác phẩm “Ai nói? Tạo sao lại nói như thế?” gồm 17 truyện ngắn thể hiện những suy ngẫm, quan sát của nhà văn Văn Giá trong cuộc sống. Trước tập truyện ngắn này, ông đã từng ra mắt 3 tác phẩm khác: "Một ngày nát vụn" (2009), "Một ngày lưng lửng" (2015), "Mưa ở Bình Dương" (2019).

Chia sẻ trong phần mở đầu, tác giả Văn Giá nói về cơ duyên xoay chuyển kỳ diệu để tác phẩm được ra đời: “Người đọc bản thảo đầu tiên của tôi là vợ tôi - nhà văn, nhà báo Phan Mai Hương. Người minh họa cho quyển sách này là con trai tôi – họa sĩ trẻ Thuận Ngô. Người tài trợ tiền để in sách là cựu sinh viên của tôi…”

z5849628900354_a33d05d96ca473394c2e8a5d2bfa7193.jpg
Không gian buổi ra mắt sách diễn ra tại phòng Nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, nhà văn Văn Giá dù theo đuổi sự nghiệp văn chương hay các hoạt động khác ngoài văn chương đều luôn nhiệt huyết, thể hiện tiếng nói giản dị nhưng đầy kiên quyết dưới mọi hình thức.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học La Khắc Hòa lại đặt nhà văn Văn Giá trong cái nhìn tổng quát về văn học hiện đại, khi đã đi qua thời kỳ kinh điển và đang tiến tới thời kỳ hậu kinh điển. Theo nhà nghiên cứu Lê Khắc Hòa, cách viết của nhà văn Văn Giá đã cho ngôn từ “vừa bị mô tả vừa tự mô tả nó”, còn nội dung cho thấy những cái mới, những dòng ý thức ghi lại truyện của một người nhưng là của muôn người, muôn đời.

“Nhà văn Văn Giá hành quân từ phê bình sang sáng tác rất nhẹ nhàng, thanh thoát… Thầy cũng rất cập nhật đời sống, luôn rất dũng cảm, dũng khí, nhất quán trong tác phẩm. Sự dấn thân, sát sườn, nhìn nhận thấu đáo, thể hiện thái độ của một người trí thức rất rõ nét trong các tác phẩm. Tinh thần này sẽ là điểm tựa để những người viết trẻ hơn, những sinh viên có thể sáng tạo trong các tác phẩm của mình” nhà văn Phùng Văn Khai – Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đánh giá.

Hầu hết các nhà phê bình đều nhận định rằng nhà văn Văn Giá đã hoàn toàn thoát khỏi cái mác “ông giáo viết văn” để nhập tâm vào đời thực, biến những câu chuyện mà mình được nghe trở thành tác phẩm. Nhà văn trở thành người kể chuyện bằng lối kể tưng tửng đặc trưng, tất cả các truyện đều có giọng bỡn cợt, tự trào, tếu táo nhưng đã chạm vào trái tim người đọc.

z5849628869535_dd87b4b956640a0c1ff6640d96bd712e.jpg
Tiến sĩ Cao Kim Lan đã đưa đến buổi ra mắt sách một bài tham luận rất công phu.

Hay những người bạn văn cho rằng dù đã chơi thân với nhà văn Văn Giá đến 20 năm vẫn khó cắt nghĩa được về văn chương, truyện ngắn của tác giả khi ông luôn nỗ lực làm khác, làm mới mình trong các tác phẩm. Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng nhà văn Văn Giá luôn tạo ra một dòng chảy văn chương có nhiều sự phá cách, khác biệt, tác phẩm sau lại khác tác phẩm trước, “phá tung” các tác phẩm và “khiến tôi đọc xong phải ngẫm nghĩ xem cái này có phải là tản văn, có phải tiểu thuyết, có phải là truyện ngắn… Nhưng dù có dù sao cũng phải khẳng định đây là tác phẩm văn học hấp dẫn”.

Đóng góp góc nhìn của một độc giả và một nhà phê bình nữ, tiến sĩ Cao Kim Lan (hiện đang công tác tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tách tác giả Văn Giá khỏi danh xưng thầy giáo hay nhà phê bình để thực sự đọc tác phẩm như một… văn bản. Chị mang đến một bài tham luận rất công phu, kèm những phân tích cho thấy tác giả Văn Giá là một người kể chuyện hiểu chuyện.

Với “Ai nói? Tạo sao lại nói như thế?”, những người đồng nghiệp đều bày tỏ sự bất ngờ trước nhà văn Văn Giá. Họ ngạc nhiên khi thấy một nhà giáo rất mẫu mực, rất mô phạm trong đời thực lại có thể trở nên “rất ngầu”, thoát vai hoàn toàn với giọng văn trào phúng, luôn ám ảnh bởi sự vô thường nhưng đầy tính triết học, nặng lòng với làng quê và đau đáu sự cách tân, sáng tạo trong văn học./.

Nhà văn Văn Giá có một sự nghiệp đồ sộ trong hơn 40 năm “lao động chữ nghĩa”. Ông được biết đến với nhiều vai trò như Phó giáo sư, Tiến sĩ hiện đang là Chủ nhiệm Khoa viết văn – báo chí của trường Đại học Văn hóa. Ngoài công tác giảng dạy, ông là một nhà phê bình văn học với rất nhiều tác phẩm đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà. Ông cũng là một nhà báo với ngòi bút sâu sắc, đa chiều…

Linh Nguyễn