Văn hóa – Di sản

Làng gốm cổ Kim Lan - điểm du lịch mới của Thủ đô

Hà An 20/09/2024 14:26

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội có quyết định về việc công nhận điểm du lịch xã Kim Lan, huyện Gia Lâm. Đây là bước cộng hưởng tuyệt vời trong nỗ lực không mệt mỏi của người dân, nghệ nhân làng nghề gốm cổ, các nhà khoa học, chính quyền địa phương với mục tiêu phát triển bền vững làng nghề nhờ tài nguyên văn hóa độc đáo ở Kim Lan.

anh-2.jpg
Không gian chùa và đình Kim Lan nhìn từ trên cao. Ảnh: Phí Đức Toàn.

Một vùng “phú túc”

Theo Khoản 4 và 7 Điều 3 Luật Du lịch, điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. Trong đó, tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.

Làng Kim Lan thuộc diện “nhất xã, nhất thôn” (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) hội cả tài nguyên văn hóa và tài nguyên du lịch tự nhiên. Làng nằm trong một vùng đất cổ, nơi mỗi làng mạc mang trong mình một lịch sử riêng, nơi thờ Triệu Đà, nơi đậm huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, nơi có nghề trồng hoa, nơi là làng trồng nhãn… Nhưng không nơi nào như Kim Lan một làng thờ Cao Biền có tượng đá hiếm hoi, làng làm gốm gia dụng vẫn còn những lò gốm đốt than, người dân chân chất, đồng bãi chạy dài thanh bình và có một bảo tàng khảo cổ học cộng đồng duy nhất trên cả nước - nòng cốt là những thợ gốm cao niên tập hợp nhau đi tìm lịch sử làng mình.

Thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, những người dân gốc của vùng châu thổ nơi đây đã mở cửa nghĩa trang đón nhận một người nước ngoài - TS.Nishimura Masanari (Nhật Bản) tử nạn trên đường nghiên cứu về nằm lại mãi mãi nơi đây. Đây là nhà khoa học đã “3 cùng” với dân làng để trả lại cho Kim Lan một lịch sử nghìn năm nghề gốm.

Thật vậy, với lịch sử cư trú ít nhất từ trước thế kỷ IX (theo nghiên cứu của TS Nishimura và TS Noriko), người dân Kim Lan đã kiến tạo một không gian văn hóa phong phú gồm đình, 4 chùa, 4 miếu, văn chỉ, cầu quán, gò Quốc Công… Ngọc phả làng chép những câu chuyện danh nhân, văn hóa đều ghi nhận nơi đây từng là một vùng “phú túc”, thanh bình.

1anh-1.jpg
Người dân tham gia xây dựng không gian bến sông làng gốm cổ Kim Lan.

Làng có nhà thờ giáo họ Kim Lan (Giáo xứ Tử Đình, Giáo phận Bắc Ninh, Giáo hạt Nội Bài) với lịch sử hình thành họ đạo cách nay 156 năm (từ năm 1868). Đến nay, qua nhiều lần trùng tu, dựng mới làng hiện còn đình, chùa Cả, chùa Lựa, miếu Bản, miếu Triền, nhà thờ Công giáo.

Nói đến Kim Lan, không thể không nhắc đến câu chuyện đầu năm 2000, giới khoa học công bố phát hiện một lịch sử nghề gốm đặc biệt, bắt đầu từ khoảng thế kỷ VIII với các hiện vật liên tục 1000 năm từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Sau khoảng 200 năm gần như thất truyền, những lò gốm Kim Lan đỏ lửa trở lại từ đầu những năm 1980 và phát triển dần đến nay. Trong đó chính người dân Kim Lan, mà hạt nhân là nhóm “Tìm về nguồn cội của làng” gồm 5 kỹ sư, cán bộ hưu trí là nhân tố chính kết nối giới khoa học khai quật khảo cổ, công bố lịch sử nghề gốm của làng.

Không chỉ có tài nguyên văn hóa, Kim Lan có đặc trưng của làng bên sông Hồng với một cạnh chạy dài gần 1,6km tiếp giáp với sông. Bến sông dốc đình (từ đình ra sông) là không gian văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần người dân Kim Lan từ nghìn năm nay với các hoạt động như rước nước, đua thuyền, vui chơi dịp hè… Đặc biệt, gần đây một không gian bến sông vừa được Hội Gốm sứ Kim Lan, người dân địa phương chung sức xây dựng dưới sự kêu gọi của MTTQ xã. Không gian văn hóa không chỉ làm đẹp cho làng mà còn gắn kết người dân, tôn vinh truyền thống của một làng nghề từng phát triển rực rỡ trong lịch sử.

Hứa hẹn điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô

Có thể nói, câu chuyện lịch sử cũng như khát vọng tái hiện một vùng “phú túc” nhờ phát triển nghề truyền thống, kết nối các giá trị văn hóa của địa phương là điều kiện quan trọng nhất để Kim Lan đón nhận cũng như duy trì tốt tinh thần điểm du lịch của Thủ đô.
Từ trên con đê sông Hồng qua cống Xuân Quan, rẽ xuống con đường ven sông Bắc Hưng Hải, là qua chiếc cổng vào làng gốm cổ Kim Lan. Làng tấp nập xe chở hàng gốm sứ nhưng cũng bình yên với bờ bãi, đình, chùa, miếu… Chùa Kim Lan mỗi chiều vọng tiếng chuông là nơi người làng qua lại trò chuyện cùng sư thầy, dọn dẹp không gian chung. Dịp xây dựng bến sông, sư thầy cùng các vãi người làng cũng trực tiếp tham gia nhổ cỏ, trồng hoa cùng các nghệ nhân, người dân. Sân chùa có dịp phơi đầy thân cải ngồng đã khô để lấy hạt, gieo cho mùa hoa cải năm sau, tạo nên một khung cảnh thanh bình của làng quê Bắc bộ.

Bảo tàng gốm sứ Kim Lan sau một thời gian đóng cửa, đã được mở cửa trở lại đúng vào dịp 50 năm quan hệ Việt Nam Nhật Bản (1973 - 2023) với sự chung tay của các nhà khoa học, bạn bè, gia đình TS.Nishimura, Hội Gốm sứ Kim Lan, chính quyền xã. Nằm ngay khu vực trung tâm, gần không gian lịch sử như miếu Bản, đình, chùa Kim Lan, bảo tàng là điểm đến thú vị của làng gốm. Mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo gốm sứ Kim Lan (Sở Công thương công nhận năm 2023) trên trục kết nối văn hóa này cũng đã đi vào hoạt động. Trong đó nòng cốt vận hành là Hội Gốm sứ Kim Lan và 4 cơ sở sản xuất gốm của làng.

Nghệ nhân gốm vuốt tay Phạm Nguyên (xưởng gốm Nguyên Hằng) là thành viên tích cực của Hội Gốm sứ Kim Lan bày tỏ: “Việc Kim Lan trở thành điểm du lịch của Thủ đô là niềm vui và cũng là điều mong đợi lâu nay của chúng tôi, từ các bậc cao niên tới người làm nghề trẻ. Mặc dù việc khẳng định thương hiệu làng nghề không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, nhưng tôi tin từ đây Kim Lan sẽ phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch văn hóa, thêm nhiều nghệ nhân trẻ được công nhận để cùng chung tay xây dựng thương hiệu làng gốm cổ Kim Lan”.

Xưởng gốm Nguyên Hằng của nghệ nhân Phạm Nguyên cũng là cơ sở đầu tiên mạnh dạn in thương hiệu “Làng gốm cổ Kim Lan” cho một số sản phẩm chọn lọc của mình. Thậm chí, một triết lý sản xuất mới manh nha hình thành ở lứa nghệ nhân thế hệ 7X như Phạm Nguyên. Đó là, phải sản xuất đồng thời cả hàng cơm tẻ (hàng đại trà, phổ thông, đáp ứng đặt hàng của các thương hiệu khác) lẫn hàng cơm nếp (hàng chất lượng cao, đóng mác Làng gốm cổ Kim Lan) để quảng bá thương hiệu, tạo uy tín làng nghề.

Các cơ sở sản xuất gốm ở Kim Lan như cơ sở Nguyên Hằng của nghệ nhân Phạm Nguyên cũng là một điểm đến của nghệ nhân gốm các vùng khác, các nhà nghiên cứu văn hóa và khách du lịch quốc tế.

Tôi lại nhớ đến tay máy Phí Đức Toàn - thanh niên làng Kim Lan, con trai của nhà nhiếp ảnh Phí Đức Hoàn người gốc làng nhiếp ảnh Lai Xá. Trang Facebook Làng gốm cổ Kim Lan do Phí Đức Toàn lập đến nay đã đăng tải hàng trăm hình ảnh sinh động, giàu tính nghệ thuật về các không gian văn hoá, sản xuất của làng Kim Lan. Những bức ảnh của Phí Đức Toàn đã góp phần khơi dậy lòng yêu quê hương Kim Lan, biến những không gian địa lý, tự nhiên thuần tuý trở thành không gian tinh thần gắn với người dân.

Cùng với nghề gốm, các không gian tự nhiên cũng được chăm sóc. Đầu năm 2024, Mặt trận Tổ quốc xã và Hội Gốm sứ Kim Lan triển khai mô hình “Đoàn Kết - Sáng tạo năm 2024: Vườn hoa trong làng gốm cổ”. Không gian vườn hoa này được cải tạo trên diện tích khoảng 20.000m2 với tổng số tiền đầu tư khoảng 3,5 tỉ đồng. Mục đích là tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, kết nối với các không gian văn hoá ở trung tâm của làng như đình - chùa - miếu - Bảo tàng gốm sứ - Nhà trưng bày gốm sứ… và phát triển du lịch làng nghề.

Rõ ràng, những chuyển động của Kim Lan đặc biệt là thời gian gần đây đã cho thấy việc trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô phải thực sự là mong mỏi của người dân và được duy trì chính nhờ nỗ lực của người dân địa phương./.

Hà An