Tác giả - tác phẩm

Lê Bá Thự và những dấu ấn trong dịch thuật, sáng tác

Nguyễn Hà Phương 16/09/2024 20:22

Trong 303 trên tổng số 436 trang của tập sách “Lê Bá Thự - Tiểu luận & phê bình văn học”, Lê Bá Thự đã giới thiệu ngắn gọn về 30 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của Ba Lan mà ông đã dịch sang tiếng Việt.

anh-tac-pham.jpg

1. Dịch giả Lê Bá Thự hiện là ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có 25 năm đau đáu với văn học dịch, giới thiệu văn học Ba Lan với bạn đọc Việt Nam. Những tác phẩm văn học dịch của ông không chỉ cho thấy khả năng sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế ngôn ngữ Ba Lan và Việt Nam mà còn cho thấy tâm hồn Lê Bá Thự luôn sống giữa tình yêu trong văn hóa Việt và văn hóa Ba Lan.

Trong 303 trên tổng số 436 trang của tập sách “Lê Bá Thự - Tiểu luận & phê bình văn học”, Lê Bá Thự đã giới thiệu ngắn gọn về 30 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của Ba Lan mà ông đã dịch sang tiếng Việt. Đây cũng chính là nội dung trong toàn bộ Phần I của cuốn sách (Về dịch thuật).

dich-gia-le-ba-thu.jpg

Với Lê Bá Thự “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng”. Trong các tác phẩm văn học Ba Lan được ông chuyển thể, bạn đọc ngoài được thẩm thấu nét đặc sắc của văn học Ba Lan còn bắt gặp một Lê Bá Thự tỉ mỉ trong cả việc lựa chọn các tác phẩm. Với một “cường quốc văn học” ở châu Âu như Ba Lan, tiểu thuyết, sách và truyện là nhiều vô kể. Tiểu thuyết “Xin cạch mặt đàn ông”, “Các người khắc biết tay tôi!” và rất nhiều các cuốn truyện cười mà ông dịch đã thể hiện sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam đối với văn học Ba Lan. Đây cũng là minh chứng cho không chỉ sự tài tình trong tiếng Việt của Lê Bá Thự mà còn trong cả cái cách mà ông chọn tác phẩm để dịch.

Trong phần II - Về sáng tác, cuốn sách điểm lại 7 tác phẩm tiêu biểu của Lê Bá Thự, ngoài những tập thơ và sách lý luận, ta không thể không nhắc đến “Tôi và làng tôi” (NXB Hội Nhà văn, in lần 3 năm 2020). Nhà văn Đỗ Ngọc Yên đã có lý khi cho rằng: “Lê Bá Thự vừa mới xuất bản cuốn “Tôi và làng tôi”, dưới dạng tản văn, như một khế ước văn hóa làng mà ông từng mang theo hai phần ba thế kỷ”. Trong cuốn sách này, Lê Bá Thự đã đi sâu vào những nỗi niềm mà ông có khi xuất bản cuốn tản văn nói về làng quê và tình yêu của ông dành cho xứ Thanh, nỗi nhớ quê khi phải sang học ở nơi đất khách quê người.

Có thể thấy nguồn cảm hứng lớn nhất của một người con xa quê du học chính là những thứ liên quan đến quê hương của mình. “Hai lần về quê” (trang 394), “Gặp người xứ Thanh ở Ba Lan” (trang 401), “Về nguồn” (trang 405) trong Phần II của cuốn sách đã phần nào cho thấy nỗi niềm quá khứ và cảm xúc của ông.

2. Tương tự cấu trúc của “Lê Bá Thự - Tiểu luận & Phê bình văn học”, “Lê Bá Thự - Tác phẩm & Dư luận” cũng chia làm 2 phần Sáng tác và Dịch thuật. Cuốn sách dày hơn 500 trang, tập hợp các bài viết, ý kiến của các tác giả, nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam về các công trình và tác phẩm của ông. Trong cuốn sách này, các bài viết cho thấy rõ quan điểm, trăn trở về dịch thuật của Lê Bá Thự. Với ông, việc lựa chọn truyền tải, đem gì về Việt Nam từ đất nước Ba Lan cũng quan trọng không kém kĩ năng dịch thuật, đòi hỏi người dịch cần có tài năng và tâm huyết. Bên cạnh đó, việc cảm nhận được đâu là tác phẩm “hợp gu” người Việt Nam cũng là một việc khiến ông phải trăn trở nhiều.

Ông Wieslaw Scholz - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam trong lời nhận xét về cuốn Pharaon (tiểu thuyết) đã viết: “Cuốn sách mà các vị đang có trước mặt mình là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học cổ điển Ba Lan. “Pharaon”, tác phẩm lớn của nhà văn Ba Lan, Boleslaw Prus, đã rất nhiều lần được tái bản ở Ba Lan, dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và đưa lên màn ảnh. “Pharaon” chẳng những là cuốn sách nằm trong chương trình giảng dạy bắt buộc ở nhà trường, mà còn là tác phẩm có trong hầu hết các tủ sách gia đình ở Ba Lan”. Nhận xét này cũng đã cho thẩy xu hướng chọn sách để dịch của Lê Bá Thự.
Trong rất nhiều những buổi phỏng vấn với báo chí và những lời nhận xét của các tác giả và nhà phê bình khác về “Tôi và làng tôi”, Lê Bá Thự có lẽ tâm đắc lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiều đến nỗi những lời ấy được trân trọng in lên bìa của cuốn sách: “... Cuốn sách “Tôi và làng tôi” cần cho những đứa trẻ để đọc, cần cho những người giảng dạy, cho nhà văn, cho những người nghiên cứu về văn hóa làng. Và đương nhiên cả những người lớn nữa.

... Cuốn sách viết về một ngôi làng cụ thể nhưng nó đại diện cho hầu hết các làng quê nước ta”.

Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự vẫn luôn đau đáu với văn học dịch, giới thiệu văn học Ba Lan với bạn đọc Việt Nam bằng tất cả tình yêu, sự lo lắng và hy vọng. Bởi với ông “Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác”./.

Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự là tác giả của trên 30 bộ sách dịch, trong đó có 11 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập sách thiếu nhi và 1 tập thơ...). Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình và sáng tác thơ, từng được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội về dịch thuật. Đầu năm 2024, ông đã cho ra mắt độc giả bộ sách song sinh mang tên: “Lê Bá Thự - Tiểu luận & phê bình văn học” và “Lê Bá Thự - Tác phẩm & dư luận”.

Nguyễn Hà Phương