Y tế - Giáo dục

Hà Nội: Linh hoạt hình thức dạy học ứng phó diễn biến phức tạp do mưa lũ

Sơn Dương 17:07 10/09/2024

Ngày 10/9, học sinh Thủ đô bước vào ngày học thứ 2 sau khai giảng, cũng là ngày thứ 2 sau khi cơn bão số 3 đi qua. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã linh hoạt hình thức tổ chức dạy học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh.

z5816448812359_f9973b371e9321e1a13616591bec5b42.jpg

Theo cập nhật mới nhất, trong sáng 10/9, Hà Nội có 117 trường phải nghỉ học trực tiếp vì bị mưa ngập. Buổi chiều tiếp tục có thêm các trường thông báo cho học sinh nghỉ học, nhiều trường đã chuyển sang học trực tuyến nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh và thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học.

Trong số 117 trường cho học sinh dừng đến lớp sáng nay có 4 trường trung học phổ thông; 113 trường thuộc các cấp mầm non, tiểu học, THCS. Các trường cho học sinh nghỉ học đều thuộc địa bàn vùng trũng, ngập, đa số trường thuộc ngoại thành.

Trên địa bàn quận Ba Đình, 100% các trường vẫn duy trì việc dạy học trực tiếp bình thường. Đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, trước diễn biến thời tiết bất lợi, các nhà trường đều tăng cường ứng trực, theo dõi chặt chẽ thời tiết cũng như rà soát hằng ngày để linh hoạt hình thức dạy học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như không ảnh hưởng đến kế hoạch năm học. Với ba trường ở phường Phúc Xá (gần đê sông Hồng), Phòng GD&ĐT quận đã yêu cầu tăng cường phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời bám sát chỉ đạo của các cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó nếu có bất thường.

Còn tại huyện Ba Vì, theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện, lúc 11h hôm nay, cả 3 trường của ba cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS) thuộc xã đảo Minh Châu vẫn duy trì việc học tập trực tiếp bình thường. Thực tế, học sinh ở ba cấp học này đều cư trú trên địa bàn xã, nên việc di chuyển đến trường không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão.

Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, toàn huyện có 110 trường. Hôm nay, có 4 trường tạm dừng dạy học trực tiếp, gồm: Trường Mầm non Vật Lại, Trường Tiểu học Vật Lại, Trường THCS Vật Lại và Trường Mầm non Tiên Phong. Ngoài ra, Trường THCS Tiên Phong có 27 học sinh không thể đến trường. Các học sinh này đều cư trú ở thôn Kim Bí, do đường đến trường bị ngập sâu.

Theo phương án trước mắt, hôm nay, các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả bão, tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và tạm thời cho học sinh nghỉ học. Nếu thời tiết tiếp tục phức tạp, có nguy cơ xảy ra mưa lớn kéo dài, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến.

Tại địa bàn quận Hà Đông, theo Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Thị Lệ Hằng, trong tổng số 139 trường của quận, có 3 trường phải cho học sinh nghỉ học hoàn toàn gồm: Trường Mầm non Ánh Dương, Trường THCS Văn Yên và Trường Tiểu học Phú Lương. Ngoài ra có một số trường lác đác học sinh nghỉ học do đường di chuyển từ nhà đến trường bị ngập sâu, không bảo đảm an toàn.

Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ diễn biến thời tiết, tình hình thực tế của đơn vị duy trì linh hoạt hình thức tổ chức dạy học. Với những trường có một số học sinh nghỉ học, tạm thời vẫn dạy học trực tiếp bình thường, số còn lại có thể dạy học trực tuyến hoặc sắp xếp kế hoạch dạy bù. Những trường nghỉ học hoàn toàn xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học.

Cô giáo Phương Thị Thìn (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên) cho biết, địa bàn phường Phúc La của nhà trường có rất nhiều điểm ngập sâu. Nhiều gia đình học sinh bị nước tràn vào, các tuyến đường giao thông xung quanh tắc nghẽn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh, thuận lợi cho phụ huynh, nhà trường đã ra thông báo để phụ huynh nắm bắt được. Hôm nay, chỉ có hơn 600 học sinh trong tổng số học sinh toàn trường đi học. Lường trước tình huống này, từ đêm qua, nhà trường đã phối hợp với đơn vị cung ứng thực phẩm có phương án ứng phó.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông), sáng nay, có gần 600 học sinh nhà trường nghỉ học có lý do như: Ốm, ho, gia đình có việc hoặc đường trong khu dân cư ngập. Mặc dù hồ Văn Quán ngập sâu nhưng quanh trường vẫn khô ráo, đảm bảo điều kiện an toàn để tổ chức dạy và học. “Nhà trường đảm bảo điều kiện an toàn nhất để học sinh học tập, phụ huynh yên tâm công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để kịp thời có phương án ứng phó”, cô giáo Ngô Thị Hồng Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, nhà trường chú trọng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã cùng Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Hiệu trưởng các trường trực thuộc thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và các thông tin cảnh báo liên quan; hằng ngày rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng các điều kiện khác với tinh thần phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, với các đơn vị, nhà trường bị ảnh hưởng nặng của bão; các trường ở xã đảo, ở địa bàn vùng trũng... cần có kế hoạch, chủ động triển khai hình thức dạy học trực tuyến để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025./.

Sơn Dương