Tản văn

Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão

Tản văn của Ngô Nữ Thùy Linh 14:10 07/09/2024

Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.

888.jpg

Trong nhà tối om như mực. Phần vì mất điện, phần vì trời âm u, mây đen kịt, bủa vây lấy ngôi làng. Chúng tôi ngồi co ro, nghe mưa rơi rào rạt từng cơn trên mái nhà. Chờ lúc bố đi ngoài đồng về, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm.

Cơm ngày bão, chẳng có gì ngoài món cà muối mặn. Cà mẹ đã muối cà từ mấy tháng trước. Bây giờ mưa gió, không lên chợ được, mẹ mang ra, ngồi tỉ mẩn cắt từng trái, rửa sạch với nước cho bớt mặn, rồi phi hành tăm lên, cho cà vào xào. Mùi thơm lừng bay nghi ngút khắp không gian nhà. Chỉ mới nghe tiếng xèo xèo thôi, mấy đứa đã thèm nhỏ dãi. Lục tục kéo nhau xuống bếp, đứa cầm bát, đứa cầm tô, chui vào trong xới cơm ăn. Giọng mẹ từ tốn: “Mấy đứa lấy cơm cẩn thận, phải xới cơm tơi lên, rồi lấy một góc thôi, nhớ để phần bên kia cho bố, tý bố đi làm đồng về, còn có cái ăn”. Chúng tôi vâng dạ rối rít. Chảo cà mẹ vừa bắc xuống khỏi bếp, cả lũ đã sà tới, tranh nhau. Những ngày mưa bão như thế, thấy anh em đầm ấm hơn. Không có những tiếng cãi nhau, không tranh giành, tị nạnh nhau công việc.

Bao năm rồi, chúng tôi lớn lên, trưởng thành, đi học và lập gia đình, bố cũng không phải đi làm đồng nữa. Bây giờ ruộng đã quy hoạch lại, một số ruộng được chia cho gia đình năm nào giờ chuyển qua cho các cô, các chú, anh em làm. Đến mùa, mọi người lại tự động đong cho bố mẹ một ít thóc để xát ăn dần. Cũng không nhọc công bươn bả trên cánh đồng làng, tìm kiếm con cua, con cá ngày bão.
Dẫu cuộc sống đã đổi thay, mẹ vẫn giữ thói quen mang ra hũ cà muối mỗi khi mưa gió bão bùng. Còn chúng tôi, mỗi khi khi nghe tin quê nhà mưa bão, lòng đứa nào đứa nấy lại không thôi trăn trở. Sợ mưa, sợ gió nổi lên, cuốn đi những thứ thân thuộc bao năm bố mẹ góp công xây dựng. Sợ tuổi già ập đến với bố mẹ mà chẳng có những đứa con bên cạnh để chăm sóc, đỡ đần. Nhưng hơn hết, ngày mưa bão gợi cho chúng tôi về miền kí ức đẹp đẽ nguyên sơ, món cà muối mặn của mẹ, xào với củ hành tăm. Mùi hương ấy, cứ lẩn khuất trong đầu mỗi đứa, để rồi ai cũng ước ao được về nhà, chui vào căn bếp tối om, cùng nhau quây quần bên ánh đèn dầu cười đùa, vui vẻ ăn bữa cơm chiều.

Nhớ lắm bước chân mẹ vội vàng chạy ra chuồng gà, kéo tấm bạt che mưa cho lũ gà, lũ vịt. Nhớ dáng bố còm cõi đi ruộng về, tay xách con cá, con cua, miệng không ngớt vui vẻ “chiều nay nhà có món cải thiện bữa ăn ngày bão rồi nhé”. Nhớ khoảnh khắc mấy anh em xúm xít quanh bố, đứa đòi xách cá, đứa phụ bố vác cuốc vào nhà. Những khoảnh khắc ấm áp, sum vầy ngày mưa bão năm xưa thật quý giá biết bao. Để bây giờ mỗi khi nghe tin bão nổi ở quê nhà, lại thấy kí ức ùa về, đầy những lo lắng, ưu tư, và chỉ muốn ào về trong phút chốc để phụ bố mẹ lo toan những bộn bề ngày bão.

Trong bóng chiều đổ, dãy hành lang cơ quan dài hun hút. Tôi đứng ở ban công, ngắm lượt cây xanh đang reo vui vì được đón nhận cơn mưa bất chợt. Gió mát lành thổi qua, nhưng bất giác khiến tôi lành lạnh. Tôi kéo chiếc áo khoác mỏng, nhìn lên bầu trời, cầu cho quê nhà bình an. Hình ảnh ba anh em ngồi quây quần bên mâm cơm chiều ngày đó lại hiện hữu trước mắt. Mẹ ân cần hỏi han “Có ngon không con?”, “Ráng ăn no bụng để có sức học bài nhé!”. Mọi thứ cứ như trang sách, lật giở đến từng khoảng kí ức đẹp đẽ. Bất giác, khóe mắt tôi rưng rưng trong niềm thương và nhớ./.

Tản văn của Ngô Nữ Thùy Linh