Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư

Trung Kiên 07:39 07/09/2024

Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.

Bộ Tư pháp đánh giá, tại Chương IV “Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô” trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới về chính sách về nội dung này.

luat-thu-do56.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6 và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 23/7/2024. (Ảnh: NXB Tư pháp - Bộ Tư pháp).

Trước tiên, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung các quy định mang tính ưu đãi về tài chính, ngân sách áp dụng cho thành phố như quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí và được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách phí, lệ phí (khoản 4, khoản 5, Điều 34), các khoản thu khi thực hiện mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa (khoản 7 Điều 21), thu tiền sử dụng không gian ngầm (khoản 2 Điều 19), tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD, tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phí cải thiện hạ tầng (khoản 4 Điều 31)…

Bên cạnh đó, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố toàn bộ số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao sau khi đã thực hiện thưởng vượt dự toán các khoản thu theo quy định và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% trên địa bàn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Ngân sách Thành phố được giữ lại toàn bộ ngân sách Trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê từ đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố. Luật cho phép tổng mức dư nợ vay của Thành phố không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn 120%, Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định (Điều 34).

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ (khoản 1 Điều 36). Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro (Điều 36).

HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ các cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong nước hoặc hỗ trợ quốc gia khác trong trường hợp cần thiết. HĐND Thành phố quyết định chi ngân sách cho một số nội dung đặc thù, chi đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô; hỗ trợ di dời, xây dựng mới cho các đối tượng phải di dời theo quy định. Cho phép HĐND Thành phố Hà Nội quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách thành phố cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (Điều 35).

Cơ chế đặc thù về đầu tư

Nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số cơ chế đặc thù. Về thẩm quyền đầu tư, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng phân quyền mạnh mẽ cho thành phố, theo đó, đối với dự án sử dụng ngân sách địa phương thì HĐND Thành phố quyết định chủ trương mà không phụ thuộc vào quy mô vốn. Phân quyền từ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án (Điều 37).

hanoi34.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. (Ảnh minh họa).

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công đối với dự án nhóm B, nhóm C (Điều 38). Đồng thời Luật cho phép áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư như trong lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao Thủ đô (Điều 39).

Cho phép thực hiện hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vận tải, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi (Điều 40). Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công (Điều 41).

Quy định về thu hút nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực mà thành phố ưu tiên thu hút như công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử (IC), điện tử linh hoạt (PE), chíp bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch…; phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)… quy định điều kiện để được xem là nhà đầu tư chiến lược (khoản 2 Điều 42).

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về ưu đãi đầu tư, theo đó, các dự án mà thành phố cần ưu tiên thu hút sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư chiến lược, để tránh xung đột với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thì không quy định ưu đãi về thuế mà quy định ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất; hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế; hỗ trợ phát triển nhân lực, hạ tầng và các công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của HĐND thành phố để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược./.

Trung Kiên