Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trưng bày tài liệu “Hà Nội và những Cửa Ô”:Kể câu chuyện lịch sử các Cửa Ô Thăng Long - Hà Nội

Quỳnh Chi 06/09/2024 18:15

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa Ô”. Trưng bày dự kiến diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (19C, quận Hoàn Kiếm) ngày 9/10/2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội và những Cửa Ô” nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Thông qua câu chuyện lịch sử của các Cửa Ô Thăng Long - Hà Nội giới thiệu về những bước thay đổi, phát triển của Thủ đô với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau (từ thế kỷ XIX đến ngày nay).

thu-do-1-.jpg
Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Ảnh TTXVN).

Bên cạnh đó, cuộc trưng bày giới thiệu về lịch sử các Cửa Ô của Hà Nội: Thời điểm xuất hiện tên gọi Cửa Ô; số lượng và tên gọi các Cửa Ô qua các thời kỳ lịch sử; công năng của các Cửa Ô và những câu chuyện về đời sống, hoạt động kinh tế của người Hà Nội xung quanh những Cửa Ô. Thông qua hình ảnh tư liệu và bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19 – giữa thế kỷ 20 giới thiệu sự biến đổi của những Cửa Ô gắn liền với những thay đổi về quy hoạch không gian của Thủ đô.

Giới thiệu tài liệu, hình ảnh về việc ký kết và quá trình đấu tranh chống phá thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, công tác tiếp quản Thủ đô năm 1954 nhằm tuyên truyền, giới thiệu về chiến công hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội đến với công chúng hiểu rõ hơn về sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, khoa học của Trung ương Đảng, quân và dân Thủ đô trong việc đấu tranh yêu cầu thực dân Pháp thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, phản ánh thành quả Tiếp quản Hà Nội đã làm phá sản âm mưu của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai của một Thủ đô đổ nát, hoang tàn và kiệt quệ...

Bên cạnh đó, từ những dấu tích của các Cửa Ô xưa chứng kiến những sự đổi mới, phát triển của Thủ đô Hà Nội theo những dấu mốc thời gian từ sau khi tiếp quản năm 1954 đến hiện nay xứng tầm với vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế.

“Hà Nội và những Cửa Ô” là cuộc trưng bày gồm các tài liệu: Nghị định, Quyết định, Báo cáo, hình ảnh đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Thông tấn xã Việt Nam... Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là đơn vị thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, thông tin thêm.

Trải qua biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh đã xóa đi nhiều dấu tích cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, 5 cửa ô cho đến nay vẫn hiện hữu, trở thành tên địa danh, phố phường của Thủ đô Hà Nội. Ngày nay Hà Nội vẫn còn giữ được một cửa ô duy nhất, đó là Ô Quan Chưởng (5 cửa ô tại Hà Nội bao gồm: Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng). Người Hà Nội luôn tự hào với câu ca dao: “Long Thành bao quản nắng mưa/Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây”. Ô Quan Chưởng nay vẫn hiên ngang tựa neo cùng các bước phát triển của Hà Nội, để bảo chứng lớp lớp thế hệ hôm nay, tiếp bước âm hưởng chiến thắng hào hùng, bảo vệ và xây dựng Thủ đô xứng tầm là trái tim của cả nước.

Gắn với Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân Thủ đô. Trong ca khúc “Tiến về Hà Nội”, nhạc sỹ Văn Cao đã viết: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh”.

Theo Kế hoạch tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa Ô” vừa được UBND Thành phố ban hành, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Nội vụ chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các đơn vị triển và trực tiếp chủ trì thực hiện xây dựng nội dung, nghiên cứu, lựa chọn, sưu tầm tài liệu, tư liệu liên quan đến chủ đề 2 và chủ đề 3 của trưng bày; bàn giao file tài liệu để Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thiết kế, thi công trưng bày, bao gồm tài liệu, hình ảnh, nội dung (text) và chú thích của các tài liệu.

o-quanchuong-3.jpg
Ô Quan Chưởng có từ thời thành Thăng Long xưa...(Ảnh tư liệu).
o-quan-chuong-nay.jpg
...và Ô Quan Chưởng vẫn hiện hữu đến ngày nay.

UBND Thành phố Hà Nội giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội chịu trách nhiệm làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt tổ chức trưng bày, đồng thời xây dựng bố cục tổng thể, liên kết các chủ đề của trưng bày thành một nội dung thống nhất; trên cơ sở tư liệu, nội dung của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cung cấp, chủ động điều chỉnh, bổ sung tài liệu phù hợp với nội dung các chủ đề của trưng bày. Xin ý kiến tư vấn từ chuyên gia, hiệu đính, dịch nội dung, chú thích tài liệu trưng bày.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện thiết kế, thi công trưng bày, sản xuất ấn phẩm truyền thông (sách, video) theo nội dung kịch bản, thuyết minh trưng bày. Ngày 10/9, Sở Nội vụ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội hoàn thành nội dung, thiết kế mỹ thuật, các phần việc liên quan đến trưng bày. Ngày 28/9 tổ chức in ấn, thi công trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long./.

Quỳnh Chi