Truyện

Trên đỉnh gió

Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan 07:31 06/09/2024

Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.

img_5104.jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức.

Vừa bước xuống cầu tàu, giọng nói nặng trịch của thuyền phó nhắc cô những thủ tục cần thiết cho chuyến đi. Lam hơi thất vọng nhưng bản tính dễ thích nghi, cô lặng lẽ sắp xếp hành lí rồi thu xếp chỗ ngủ trên chiếc giường tầng có ô cửa sổ lỗ chỗ vết gỉ. Lần này cô được phân công ra một hòn đảo phía đông bắc Tổ quốc, đi thực tế viết bài về chủ đề biển đảo quê hương.

Tàu chạy ì ì suốt một ngày dài, tốc độ đạt 1,5 hải lí/giờ, mấy anh nhạc sĩ cùng đoàn công tác gọi đây là chiếc “xích lô biển”. Lam bật cười với cách liên tưởng ngộ nghĩnh đó, nỗi buồn bực dần lùi lại phía sau. Cô chọn chiếc ghế nhỏ nơi mũi tàu, máy ảnh đeo ở cổ, thỉnh thoảng gặp những đám mây có hình thù là lạ liền giơ máy bấm vài kiểu. Tàu ra xa bờ, sóng lắc mạnh hơn khiến cô cảm thấy nôn nao không ăn được chút gì, lên giường tầng nằm một lúc đã thiếp đi. Chợt có người cầm tay cô lắc lắc: “Cố ăn cái này đi không bị lả đấy”. Một phong lương khô nhỏ và chai nước suối được đặt lên cạnh giường. Lam chưa kịp cảm ơn thì anh thuyền phó đã leo lên boong. Nhấm nháp từng chút lương khô, chiêu vài ngụm nước, cô thấy đầu óc đỡ quay cuồng. Bên ngoài trời đã tối, biển chỉ một màu đen kịt mênh mông. Gió biển lùa qua cửa sổ hình tròn mát rượi. Lam tìm điện thoại, màn hình chỉ hiển thị con số 22:05, không một cuộc gọi báo nhỡ hay dấu hiệu tin nhắn. Trước ngày đi công tác, Lam và người ấy đã xảy ra cuộc tranh cãi về những chuyện chẳng đâu vào đâu, cuối cùng lại thành gay gắt như bao nhiêu lần khác. Lam không giận, chỉ thấy hơi buồn. Đàn ông gì mà hẹp hòi, yêu chừng đó năm vẫn không chịu thông cảm cho công việc của nhau, chọn chuyến đi này, Lam muốn có một hành động giải thoát mình ra khỏi những cơn giận dỗi vô lí từ phía anh.

Đúng 23h, tàu cập cầu cảng lên đảo. Lam còn chưa thoát khỏi cơn ngủ lơ mơ đã thấy chiếc vali có bánh xe kéo của mình được nhấc gọn lên cabin của chiếc xe Zin. Xe đi thẳng lên dãy nhà chỉ huy. Lam được xếp vào phòng khách của đơn vị, phòng có hai giường đôi trải ga phẳng phiu, chăn màn vuông vắn y như viên gạch đặt trên đầu giường, tất cả đều màu xanh hải quân. Giấc ngủ ập đến nhanh chóng, Lam không còn đủ thời gian quan sát hết các vật dụng giản dị trong phòng.

5h30, tiếng kẻng báo thức rộn rã vang lên, những bước chân rầm rập dồn theo nhau ra khoảng sân rộng trước dãy nhà. Lam bật dậy. Mặt trời hồng rực đang từ từ nhô lên từ phía biển. Bài thể dục buổi sáng được triển khai nhanh chóng, những cánh tay đều tăm tắp giơ lên hạ xuống, những động tác hình thể mạnh mẽ, dứt khoát của các chiến sĩ lập tức thu hút cô. Vội vã đeo máy ảnh chạy xuống sân, lựa góc chụp đẹp nhất ghi lại khoảnh khắc bắt đầu ngày mới ở đảo xa, Lam mải mê tác nghiệp mà không biết từ trên đài quan sát, có một đôi mắt đang đăm đắm nhìn mình. 6h30, cậu hậu cần lên phòng lễ phép mời Lam xuống bếp tập thể ăn sáng. Cô hơi sửng sốt khi bước vào nhà ăn: ba dãy bàn dài thẳng tắp đã kín người ngồi, trên bàn là bữa sáng với đầy đủ cơm, canh, thức ăn mặn. Chưa bao giờ Lam “ăn sáng” như một bữa ăn chính trong ngày như thế này.

Ngày đầu tiên trên đảo, cô muốn bắt đầu khám phá địa hình từ thấp lên cao. Trung đoàn trưởng nheo nheo đôi mắt giấu nụ cười hóm hỉnh: “Đồng chí tự leo núi được chứ? Xin nói trước là đường tắt thì dốc, đường chính thì dài lắm đấy nhé. Sẽ có nhiều điều thi vị đang chờ đợi nữ đồng chí trên đỉnh gió đấy. Chiến thắng luôn dành cho người không biết sợ gian khó”. Lam cười. Tính tò mò nổi lên, nhất định mình phải tự khám phá cái điều thi vị kia mới được. Hăng hái như vậy nhưng đúng là đoạn đường từ lưng chừng núi lên đến đỉnh ngày càng trắc trở, chỉ có một lối mòn đặt vừa bước chân, hai bên cỏ và cây bụi rậm rạp um tùm, mấy lần Lam dừng lại thở dốc, mồ hôi đổ ra ướt đẫm lưng áo. Chỉ còn một quãng ngắn, từ phía dưới nhìn lên đã thấy thấp thoáng những giàn ra đa. Lam nhắm mắt hít một hơi thật sâu, mùi lá non thấm sâu vào lồng ngực. Cô tiếp tục leo lên.

Đỉnh núi. Một con đường rộng, phẳng lì chạy theo chiều dài của đảo, Lam đang đứng ở khúc giữa vì cô chọn cách đi theo đường ngắn nhất từ phía chân núi lên đây. Quay bên trái, ngọn hải đăng sừng sững uy nghi. Nhìn sang phải, hai dãy nhà cấp bốn quay mặt vào nhau, ở giữa là sân bóng chuyền. Lam phân vân không biết đi ra phía nào trước. Chợt có tiếng cười nhẹ, một giọng nói trầm ấm ngay sau lưng cô: “Đang bâng khuâng đứng giữa hai ngả rẽ phải không, cô bé? Tôi có giúp được gì không?” Lam quay lại, một gương mặt quân nhân điển hình: mắt to trong sáng, đôi lông mày lưỡi mác, sống mũi thẳng, đặc biệt là nụ cười rạng rỡ như tỏa nắng. Cô mím môi, hơi bối rối trước cách xưng hô của chàng đại úy với chiếc áo màu xanh da trời, biển ghi tên in dòng chữ Nguyễn Xuân Hoàng. “Thôi đừng băn khoăn nữa. Mời đồng chí vào chơi với lính phòng không chúng tôi” - lời mời ân cần khiến Lam cảm thấy vui vẻ, cô sóng bước cùng chàng đại úy về phía hai dãy nhà. Phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế đơn sơ, bộ ấm chén có hình dáng hơi thô, cầm lên tay nặng chịch. Đại úy Hoàng rót thứ nước màu vàng nhạt có mùi hắc nhẹ thơm thơm, vừa mời vừa giải thích: “Trà hoa cúc núi anh em tự hái phơi để đun nước mời khách quý đây.” Lam nhấp thử một ngụm trà, vị đắng nhân nhẫn tan ra trên đầu, đọng lại ngòn ngọt trong cổ. Nhìn khung cảnh vắng vẻ, cô nhíu mày có vẻ thắc mắc. Hoàng cho biết đang là giờ làm việc, anh em đều trực chiến không thể rời vị trí để tiếp khách được mặc dù ai cũng nhìn thấy Lam ngay từ lúc cô… đặt chân lên đảo. Anh bật cười trước sự ngơ ngác của Lam: “Trên này là vị trí cao nhất của đảo, quan sát nhất cử nhất động của những người liên quan đến hòn đảo là nhiệm vụ và đôi lúc cũng là niềm vui của lính phòng không mà…”. Rồi rất tự nhiên, anh rủ Lam ra sân sau vì đã đến giờ cho mấy giò phong lan uống nước. Sự cởi mở của Hoàng khiến cô bị cuốn hút theo những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống quân đội, nhất là khi ở xa đất liền, quanh năm làm bạn với nắng gió. Đang hào hứng, giọng Hoàng chợt chùng lại khi Lam nghịch ngợm lấy ngón tay vẽ hình trái tim có bộ mặt mếu vào mấy ô cửa kính bị vỡ: “Ở đây chỉ có gió là không đo đếm hết được. Những hôm biển động, gió thốc vào cửa, hai cánh bật tung ra đập mạnh vào tường, mỗi lần như vậy đều bị vỡ vài ô kính. Phải đợi đến khi tàu ra mới có kính mới để thay”. Lam ngừng tay, hỏi lại: “Những lúc không nhìn ngắm bầu trời và nắng gió anh làm gì?” Hoàng bảo: “Anh đọc sách. Không có sách chắc chết vì buồn và suy nghĩ linh tinh. Nhưng từ hồi ra đây nhận nhiệm vụ chỉ mang theo vài cuốn, anh em truyền nhau đọc đi đọc lại cũ nát cả rồi. Chắc khi nào về đất liền phải nhờ cô bé dẫn đường đi tìm nguồn tri thức thôi.” Lam nhớ ra trong vali mình mang theo mấy cuốn sách đang đọc, nói như reo: “Lam có mấy cuốn hay lắm để dưới kia. Em sẽ tặng lại các anh. Giờ anh đi cùng em xuống đó. Đi, anh.” Hoàng nhìn đồng hồ: “Ôi, nhanh quá. Sắp đến giờ anh trực rồi, nếu xuống thì không kịp đi lên. Hẹn sáng mai hết ca trực anh sẽ “hạ sơn” đáp lễ cô bé. Giờ anh sẽ gọi cậu lái xe lên đưa em về, đừng tưởng xuống núi là dễ hơn lên nhé”. Hoàng nhanh nhẹn vào phòng trực ban bấm số điện thoại bàn. Ở đảo, các chiến sĩ không dùng điện thoại di động. Lam sực nhớ mình cũng không mang theo thiết bị hiện đại đó khi lên đỉnh núi.

Chiều hôm đó, có tin báo khẩn cấp về một cơn bão lớn sắp tràn qua đảo kèm theo mưa kéo dài, các chuyến tàu ra vào tạm thời phải dừng lại chờ bão tan, dự tính phải đến một tuần. Để đảm bảo an toàn cho Lam, trung đoàn trưởng quyết định gửi cô về đất liền trên con tàu cao tốc của đoàn khách ra đảo giao lưu với đoàn thanh niên của đảo. Lam chần chừ muốn xin ở lại, cô nghĩ nếu được trải nghiệm gió bão ngay trên hòn đảo này cũng thú vị. Nhưng “quân lệnh như sơn”, cô không thể làm ngược lại sự sắp xếp của vị chỉ huy đã gần một đời quân ngũ chung sống với bão biển. Lam buộc phải nhanh chóng thu dọn đồ dùng, không kịp viết lại dù một dòng nhắn gửi, cô đành gói mấy cuốn sách vào chiếc khăn rằn thời trang, buộc một nút thắt theo dấu hiệu “yêu thương” mà mấy cô gái Nhật Bản vẫn thường làm khi gói quà tặng người mình yêu mến. Trung đoàn trưởng lại nheo nheo đôi mắt hóm hỉnh khi Lam đặt gói sách vào tay: “Đồng chí yên tâm, tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ trao “tín vật” này đến tận tay đại úy phòng không. Đừng rầu rĩ thế. Hãy tin là khi đồng chí đặt chân chạm đất liền thì lính phòng không cũng tìm được chỗ đặt trái tim của mình rồi. Viết thư cho người trên đỉnh gió thường xuyên nhé, hòm thư là…”

Lam là người cuối cùng lên tàu, cầu tàu lập tức được rút lên. Một hồi còi vang lên, lan dài trên mặt sóng. Con tàu cao tốc chạy gần 40 hải lí/giờ như xé toang mặt nước, vùn vụt lao đi. Lam không kịp giơ tay vẫy chào tạm biệt đảo, cô đặt tay lên ngực mình, giữ chặt lời hẹn sẽ sớm quay trở lại đang đập dồn thôi thúc như muốn bật trào ra theo những con sóng trắng./.

Truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan