Thị xã Hà Đông trước ngày 6 tháng 10 năm 1954
Emagzine - Ngày đăng : 11:52, 04/09/2024
Tôi vẫn nhớ khi ấy, ông trào dâng cảm xúc, bồi hồi nhớ lại không khí hào hùng trong cuộc mít tinh lớn với trên 2000 người, rợp cờ hoa, tưng bừng vẫy chào Ủy ban quân chính và đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Đông vào đúng trưa ngày 6/10/1954. Giọng ông thật hào sảng, điềm tĩnh, tự tin như đang diễn giảng nguồn tư liệu gốc mà chính mình tham gia, chứng kiến, đồng hành:
"Trụ sở hồi ấy là một nhà bạt dã chiến, đặt ngay ven đường Ba La - Bông Đỏ, kê bộ bàn ghế gấp, trên bàn trải sẵn tấm bản đồ quân sự khu vực Hà Đông. Đón ta, phía Pháp có viên quan năm chỉ huy "séc tơ" Hà Đông, sĩ quan tùy tùng và một thông ngôn người Việt ngực đeo đầy cuống "mề đay". Đoàn ta gồm Chu Đỗ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, tỉnh đội trưởng Hà Đông kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Tây Nam Hà Nội và Trần Thư - sĩ quan phiên dịch”.
Ông nhớ lại: “Một ngày cuối tháng 9 năm 1954, khi chiếc xe Ford màu xanh lá cây gắn cờ đỏ sao vàng dừng lại bên nhà bạt, một tiểu đội lính Pháp bồng súng ra chào. Sau 9 năm cầm súng, nhất là những ngày hoạt động gian khổ ở khu du kích chợ Cháy, có lẽ đây là giây phút xúc động nhất của tôi, giữa "thanh thiên bạch nhật", được thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam bàn việc Pháp rút quân ra khỏi thị xã Hà Đông”.
Cách đó nửa tháng ông nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu báo lên Trung Giã (Vĩnh Phú) nhận nhiệm vụ mới. Từ căn cứ, ông đạp xe hai ngày tới địa điểm trực tiếp nhận chỉ thị của đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị để nhận nhiệm vụ và kế hoạch tiếp quản Hà Đông. Ông còn nhớ, trong bữa cơm chia tay, đồng chí Lê Quang Đạo nhấn mạnh hai điểm: có bàn giao vì Pháp thua ta thắng; và khi giao tiếp phải luôn nhớ họ là "đối phương".
Ông cũng nhớ tới những căn hầm bí mật ở An Cư, Phú Điền, Kim Trâm, Kim Bồng, Quan Trâm, Nam Chánh… giữa vành đai trắng đã cố gắng bám trụ, mở khu du kích ngay trong lòng địch. Khu D, mật danh khu Cháy, suốt 9 năm kháng chiến luôn là cái gai có ngạnh trong mắt các sĩ quan tham mưu của địch. Càng thua đau trên chiến trường chung, càng co cụm về địa bàn Hà Đông địch càng cay cú, lồng lộn quyết biến khu Cháy thành "khu trắng"! Thật khó có thể kiểm kê lại trong 9 năm trường kì kháng chiến, khu Cháy đã chịu đựng bao nhiêu cuộc ném bom, pháo kích, tập kích, biệt kích... Không chỉ dùng bơm đạn, địch còn thả côn trùng, đóng cống Đồng Quan, Hoàng Xá, Vân Đình làm ngập hàng ngàn mẫu lúa, mạ. Và từ tháng 1 năm 1953, được sự tài trợ của Mỹ, chúng còn thí điểm âm mưu mới, tiến hành xây dựng "Đại xá Đồng Quan" hòng lôi cuốn, dụ dỗ, thu hút, phỉnh phờ, mua chuộc và xua dân vào "trại tập trung" trá hình.
Bất chấp mọi mưu ma chước quỷ, vượt qua những thử thách khắc nghiệt, khu Cháy vẫn kiên cường mở đột phá khẩu và mở rộng khu du kích, ngày càng tôi luyện và trưởng thành, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Không bao giờ địch có thể đứng chân, càng không thể lập tề ở đồng đất khu Cháy. Chúng chỉ có thể đóng quân ở Lạc Đạo, Du Đồng, Lương Đa, chợ Chòng rồi dùng 18 khẩu đại bác nã vào khu du kích. Cuộc rước đuốc vũ trang tuần hành biểu dương lực lượng tổ chức rầm rộ tại khu Cháy đêm 6/1/1952 đã có sức lôi cuốn, cổ vũ ngọn lửa chiến tranh du kích trong toàn tỉnh...
Và lúc ấy, trong bộ quân phục màu cỏ úa, đầu đội chiếc mũ nan bọc vải, ông Chu Đỗ cúi xuống, chăm chú theo dõi từng vị trí trên bản đồ kế hoạch rút quân của Pháp. Là tỉnh đội trưởng và chính quê ở Vạn Phúc, qua báo cáo trinh sát, ông thuộc 7 vị trí và 9 tháp canh của địch chốt ở thị xã như trong lòng bàn tay. Nhưng với tác phong của một chỉ huy quân sự, ông muốn tận mắt nhìn kỹ các vị trí ta sẽ tiếp quản để chuẩn bị lực lượng một cách chu đáo. Theo yêu cầu của ông, viên quan năm đã trực tiếp lái xe đến sở chỉ huy "séc tơ" Hà Đông, bốt "Bốn gian", chợ Trâu, sở Chỉ huy tỉnh đoàn bảo chính, Căng 41, Áo Cá, Sở AT... Chính ở nơi này bọn địch đã tra tấn, sát hại, đày đọa và thủ tiêu rất nhiều cán bộ, bộ đội, du kích của ta!
Thật không ngờ, sau 9 năm, chính viên quan năm Pháp đích thân lái xe đưa ông trở lại thị xã quê hương. Ngồi trong xe, hơn ai hết, ông biết rõ đêm 27 tháng 6 C1 đã tiêu diệt Sở chỉ huy chiến đoàn thiết giáp ở Vạn Phúc. Sang tháng 7, C1 lại tập kích căn cứ hậu tuyến của binh đoàn cơ động đóng ở La Khê; C2 đột nhập phá Cang 41; C3 phối hợp với cánh quân mặt trận Tây Nam tiêu diệt đại đội Lê dương ở dốc Chảy, cách Hà Nội 26km; du kích Kiến Hưng phối hợp với bộ đội chủ lực tập kích vị trí com măng đô đóng ở đình Hà Trì; lực lượng địch vận xã Cương Kiên đã giải tán Tề vũ trang ở Ngọc Trục, Trung Văn... Tỉnh đã điều 4 đội địch vận của các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức tăng cường cho thị xã Hà Đông. Ban địch vận của thị xã Hà Đông đã lên tới 120 người. Các công sở đều có nhân mối của ta...
Tổ địch vận Vạn Phúc phối hợp với đội công tác của tỉnh đã lập công xuất sắc, kéo được cả tiểu đoàn bảo chính Bắc Việt và tiểu đoàn bảo chính đệ tâm phân khu Hà Nội mang toàn bộ vũ khí về với Chính phủ ta... Ông ngồi trong xe nhà binh Pháp, nhìn ra đường phố mà lòng đầy tự tin. Ngày tiếp quản thị xã Hà Đông sẽ rực rỡ cờ hoa còn điện, nước, vệ sinh công cộng vẫn đảm bảo sinh hoạt bình thường.
Sau khi thống nhất lần cuối cùng các thủ tục chi tiết cho ngày 6 tháng 10 tới, viên chỉ huy cử sĩ quan tùy tùng lái xe đưa ông trở về căn cứ. Chiếc xe phóng với tốc độ quá cao, đến gần làng Thạch Bích suýt lao vào những người đi làm đồng về. Một bà già bị ngã sấp xuống mặt đường. Ông yêu cầu dừng xe và xuống dìu bà cụ đứng dậy. Nhìn lên chiếc mũ có đính sao vàng, mọi người rất đỗi ngạc nhiên và sung sướng vì nhận ra người của mình. Đây vẫn còn là khu vực địch tạm kiểm soát. Trước đó, chiếc xe Ford màu xanh lá cây có đính sao vàng mới đi qua. Đây là một trong mười chiếc xe Tỉnh ủy giao cho Thị ủy Hà Đông vào Thành mua phục vụ kế hoạch tiếp quản Hà Nội. Càng không thể ngờ, người lái chiếc xe này, anh Nguyễn Văn Tiếp, đã đưa Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Chu Đỗ vào làm việc với viên chỉ huy quan năm Pháp, lại chính là "tài xế" của tỉnh trưởng ngụy quyền Hà Đông Nguyễn Văn Thanh!
Nội dung: Đào Ngọc Chung/ Thiết kế: Bùi Hải