Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Thói quen dọn vệ sinh đường phố của người dân phố tôi

Vũ Thị Minh Huyền 12:40 02/09/2024

Trong các biện pháp bảo vệ môi trường ở Hà Nội, việc huy động sức người và phương tiện của Nhân dân là một phương pháp truyền thống, hiệu quả. Bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với tinh thần đó, nhiều phong trào thi đua, mô hình, dự án về môi trường đã được triển khai thực hiện, nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng để nhân lên ngày càng nhiều hơn những khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp.

1.jpg

Nhà tôi ở phố Thành Công, cụm dân cư số 2, tổ dân phố số 8, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Mọi hoạt động tập thể đều được thông báo trong nhóm zalo chung của phố. Cứ đến tối thứ 6 hàng tuần, cô tổ trưởng tổ phụ nữ của cụm dân cư lại nhắn tin thông báo 7h sáng thứ 7 mỗi gia đình cử 1 người đại diện đi quét dọn vệ sinh chung cho cả phố. Thói quen này đã được duy trì trong một thời gian dài, người dân phố tôi đặc biệt là các bác đã nghỉ hưu luôn gương mẫu, tích cực dậy sớm quét dọn đường phố trước cả giờ quy định. Thanh niên như chúng tôi cũng nhiều người bận đi làm thứ 7, bận đưa đón con nhỏ đi học nên ít tham gia, thi thoảng mới tham gia 1 lần. Nhưng các bác đã nghỉ hưu thì sáng thứ 7 tuần nào cũng có mặt đầy đủ và quét dọn sạch sẽ mới thôi. Không chỉ có sáng thứ 7, sáng nào tôi dậy sớm chở con gái ra bến xe bus cũng gặp một số bác đang lặng lẽ quét dọn đường phố mà không cần ai nhắc nhở.

2(1).jpg
Hình ảnh quen thuộc của chị em phụ nữ phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội vào sáng thứ 7 hàng tuần

Tôi thấy rằng, nếu khu dân cư nào cũng duy trì được thói quen dậy sớm quét dọn vệ sinh chung đường phố vào cuối tuần như khu nhà tôi thì rất tuyệt vời. Giữ gìn vệ sinh môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp là trách nhiệm chung của tất cả người dân chứ không phải chỉ là trách nhiệm của công nhân vệ sinh môi trường đô thị. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và người dân cùng phải chung tay, góp sức và cùng thực hiện nhiều biện pháp tích cực thì mới xây dựng được môi trường thủ đô sạch đẹp.

Thứ nhất, tôi biết rõ trách nhiệm và công việc của công nhân vệ sinh môi trường đô thị là quét dọn thu gom rác thải. Ngày nào cũng có công nhân vệ sinh đi thu gom rác thải nhưng nếu ý thức của người dân thấp kém, vứt xả rác bừa bãi, vô tổ chức thì sự lao động của công nhân vệ sinh môi trường cũng không xuể, chỉ hạn chế được phần nào rác thải. Do đó, ý thức của người dân cần phải tốt.

Thứ hai, để các đô thị ở nước ta có cảnh quan môi trường sạch sẽ, cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục từ thế hệ trẻ, khi đưa việc xả rác và giữ gìn vệ sinh môi trường sống vào chương trình giáo dục cho các em nhỏ từ bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thứ ba, phong trào tổng vệ sinh quét dọn đường phố vào cuối tuần làm cho bộ mặt khu phố trở nên phong quang, sạch sẽ hơn. Cần tuyên truyền và nhân rộng phong trào tổng vệ sinh đường phố, khu dân cư.

Thứ tư, chính quyền cần xử lý mạnh tay bằng hình thức phạt tiền kết hợp lao động công ích đối với các trường hợp công dân đô thị vứt, xả rác bừa bãi, cũng như đổ rác trộm ở những nơi bị cấm, những công dân sống không tôn trọng người khác, không có trách nhiệm với môi trường xung quanh mình.

4.jpg

Thứ năm, nên thành lập tổ bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nhỏ, có liên hệ và gắn với các tổ chức chính trị - xã hội (kết hợp giữa công tác của Hội Phụ nữ và tổ bảo vệ môi trường), nhắc nhở người dân phân loại rác trước khi được dọn đi. Việc phân loại rác tại nguồn là một hành động văn minh nhưng vẫn còn nhiều người chưa ý thức được, do đó cần có người nhắc nhở theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Việc thành lập các tổ bảo vệ môi trường giúp giải quyết hiệu quả các công việc và sự cố môi trường ở khu dân cư, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống người đân như ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn…

Thứ sáu, phải có người truyền lửa về công tác này trong mỗi khu dân cư.

Thứ bảy, cần xây dựng làm điểm các mô hình bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, từ đó tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông để giáo dục thế hệ tương lai.

Thứ tám, hình thành các tổ cung cấp thông tin về môi trường ngay trong khu dân cư.

Thứ chín, từ phường đến các tổ dân phố cần tổ chức tốt việc điều hành, quản lý khu phố không rác trên cơ sở vận động người dân giám sát lẫn nhau, nhắc nhở những trường hợp không thực hiện đúng quy định, góp sức cùng địa phương thực hiện các tiêu chí về văn minh đô thị.

Cuối cùng, người dân phải tự giác nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Có phong trào dẫn đường, mỗi cá nhân dần hình thành thói quen, nền nếp ứng xử văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường xung quanh. Việc dọn vệ sinh không chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà riêng của mỗi nhà mà còn được duy trì thực hiện để giữ gìn sạch đẹp cả đường phố, nơi công cộng.

Người dân phố tôi xác định, mỗi một tuần dọn vệ sinh 1 buổi sáng thứ bảy, không phải là làm thay công việc của nhân viên môi trường, mà quan trọng hơn là nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân trong khu phố. Và để không gian sống luôn trong lành, tươi đẹp thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm, phải thực sự có ý thức ở mọi nơi, mọi lúc, liên tục hàng ngày. Giữ gìn môi trường sống có thể được thực hiện bằng những việc làm đơn giản mỗi ngày. Đó cũng là cách để mỗi cá nhân thể hiện tình yêu, trách nhiệm với quê hương, lan tỏa lối sống đẹp, văn minh trong cộng đồng.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống đang được thực hiện một cách quyết liệt, chặt chẽ.

Dù đã đạt các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, song các khu dân cư xác định cần phải duy trì thường xuyên để giữ gìn và nâng cao các tiêu chí. Đồng thời, tăng cường nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, phát triển mảng xanh, các điểm sáng - xanh - sạch - đẹp; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên loa truyền thanh, tại các buổi họp của khu dân cư về công tác giữ vệ sinh môi trường; hàng tuần duy trì “Ngày thứ bảy xanh” để mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia, góp phần bảo vệ môi trường, tạo diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp, văn minh. Nếu phong trào tổng vệ sinh đường phố, khu dân cư đi vào cuộc sống và duy trì thường xuyên, không chỉ giúp cảnh quan môi trường thành phố sáng-xanh- sạch- đẹp, công nhân vệ sinh nhàn hạ hơn, mà còn hướng mọi người mọi nhà sống có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn với môi trường./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thị Minh Huyền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Vũ Thị Minh Huyền