Bài 1: Biểu tượng của làng nghề Xuân La
Emagzine - Ngày đăng : 07:33, 22/08/2024
Xưa kia, Xuân La thuộc tổng Phượng Dực, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Người Sơn Nam Thượng thuở ấy có câu truyền miệng: "Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bành cuốn, thứ ba chim cò".
"Chim cò" ở đây là chỉ nghề nặn tò he. Vào thời “bình minh” của làng nghề, những sản phẩm tò he tạo hình “chim cò” được sử dụng vào việc cúng lễ tại gia; tại hội lễ của trong và ngoài làng Xuân La. Không dừng lại ở đó, chúng còn xuất hiện tại những phiên chợ quê nổi tiếng thuộc vùng Sơn Nam Thượng.
Với sức sáng tạo bất tận, không chỉ tạo nên những sản phẩm “đồ chơi chim cò” mà người Xuân La còn “hô biến” những món bột màu truyền thống của mình thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... Những sản phẩm đó tạo thành mâm cỗ để người Xuân La thành kính dâng cúng tại đình, chùa. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên ăn được. Và người ta gọi chúng là “con bánh”.
Từ tên khai sinh thuở sơ khai “đồ chơi chim cò” rồi thì “con bánh”, đến lúc này những sản phẩm được chế từ những nắm bột màu truyền thống của người Xuân La được gọi bằng cái tên mới: tò te. Sau đấy hai từ “tò te” được gọi chệch ra thành “tò he”, và gọi như vậy cho đến bây giờ.
Nghề tò he có ở nhiều vùng quê Việt Nam, nhưng ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he, đó có thể là những cụ già tuổi đã ngoài 80, thanh niên và cả các em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1… Qua các thế hệ, nghề được lưu giữ lại theo hình thức cha truyền con nối. Từ đó đến nay, làng nghề nặn tò he Xuân La đã được gần 400 - 500 năm tuổi.
Về nước màu, các thế hệ trước của làng Xuân La có truyền thống sử dụng các loại màu có nguồn gốc thực vật đem đun sôi với một ít bột. Các màu chủ đạo gồm có bốn màu: màu vàng được “chiết xuất” từ hoa hòe hoặc củ nghệ; màu đỏ từ quả gấc; màu đen nhờ vào cây nhọ nồi; màu xanh lại lấy từ lá riềng hoặc lá trầu không, rau ngót. Còn các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này mà ra. Thời nay, màu thực phẩm công nghiệp được dùng để thay thế màu truyền thống. Vì nó đẹp hơn, gia công nhanh, đều, đỡ tốn thời gian, công sức.
Dụng cụ sản xuất tò he rất đơn giản, chỉ cần một cái vòng bằng nứa, một cái lược nhỏ (một đầu có răng, một đầu vót nhọn), một con dao nhỏ, một miếng sáp ong và một nắm que tre.
Trước kia, người dân làng Xuân La thường nặn sẵn tò he ở nhà rồi mang ra chợ bán, các con tò he không được gắn vào thanh tre như bây giờ mà được nặn và đặt lên những vòng tròn như chiếc đĩa. Sau này, khi que tre ra đời người ta tạo hình tò he trực tiếp lên đó, và làm ngay tại chợ. Có thể dễ dàng bắt gặp họ ở những khu vui chơi giải trí công cộng, những phố phường, chợ quê, nhất là trong những hội hè đình đám.
Nghề nặn tò he Xuân La bây giờ đã dần tìm được chỗ đứng trong làng đồ chơi Việt. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ được coi là nghề tay trái, để người dân kiếm thêm đồng ra, đồng vào lúc nông nhàn. Những người thợ Xuân La phân tán đi các tỉnh, rồi dừng chân tại các điểm vui chơi, giải trí, trường học, công viên, nơi có nhiều khách du lịch qua lại để nặn bán và giới thiệu tò he – “báu vật” của quê hương.
Từ làng Xuân La, tò he không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, gắn kết cộng đồng, đặc biệt trong các dịp lễ hội. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, tò he biến hóa thành những hình thù đa dạng, từ các con vật, nhân vật truyền thống đến nhân vật hoạt hình yêu thích của trẻ em, phản ánh phong tục, tập quán và văn hóa dân gian của người Việt.
Nhận thức được giá trị văn hóa tinh thần của tò he, cộng đồng đã nỗ lực khôi phục và phát triển nghề này, từ việc thành lập Câu lạc bộ Làng nghề truyền thống nặn tò he đến việc tổ chức các sự kiện quảng bá và bảo tồn làng nghề. Nó không chỉ nhằm gìn giữ mà còn quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian, biến tò he thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Nghệ nhân tò he mang niềm vui và sắc màu đến cho cuộc sống thông qua những “chàng cò” rong ruổi khắp nơi để mang lại nụ cười cho trẻ em.
Trải qua bao thăng trầm thời gian, làng Xuân La đã gìn giữ và phát triển nghề nặn tò he qua bao đời, với niềm tin sâu sắc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Người Xuân La còn thì tò he còn./.
Nội dung & thiết kế: Tô Ngọc Oanh