Văn hóa – Di sản

Nguyễn Nham - Người soạn 4 văn bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám

Nhà văn Đào Ngọc Chung 19:41 21/08/2024

Trong số 82 tấm bia Tiến sĩ hiện còn ở Quốc Tử Giám, có 4 bia do tiến sĩ Nguyễn Nham biên soạn. Nguyễn Nham sinh năm 1676 tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất người cùng làng với trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Năm 39 tuổi ông đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 đời Lê Dụ Tông, và chỉ sau 2 năm được thượng thư Nguyễn Quý Đức chọn vào Ban soạn thảo văn bia tiến sĩ. Ông được giao soạn văn bia tiến sĩ các khoa: Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680), Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694) và Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710).

2anh-1.jpg
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh tư liệu)

Đó là các khoa thi được mở trong thời Lê Trung Hưng, lần lượt cách khoa thi của chính Nguyễn Nham 51 năm, 35 năm, 21 năm và 5 năm. Bản thân Nguyễn Nham là tiến sĩ, lại luận về việc dựng bia, ghi danh tiến sĩ, nên từng dòng viết ra được chắt lọc, cẩn trọng như một di bút tâm huyết. Xin thử đọc lại những dòng văn rút từ gan ruột, với tư cách một kẻ sĩ, người trong cuộc, cách chúng ta gần 3 thế kỷ.

Trước hết, ông khẳng định ý nghĩa cao quý, sâu xa của việc dựng bia:

“Vầng bia vòi vọi, nhà học nguy nga, một là làm tỏa ra cái hương thơm trung nghĩa của tiền nhân, hai là để khua lên luồng phong khí hào hùng cho hậu thế. Nói về mặt cổ vũ văn phong, vun trồng giáo hóa, thực đã đến nơi đến chốn“ (Bia tiến sĩ khoa Cảnh Trị thứ 2 - 1664);

“Bao tấm bia đá cho người đời trọng vọng, bao dòng họ tên rành mạch cho đời sau quan chiêm, thực là tốt đẹp lắm thay! Đấy là tấm lòng sùng nho trọng đạo của thánh thượng đem cái chất, như vàng ngọc, giũa mài cho thêm vẻ đẹp, thực là đủ phần vật chất, rất mực văn hoa, vẻ vang cho đời trước, rực rỡ cho đến đời sau vậy“ (Bia tiến sĩ khoa Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 - 1680);

“Đặc biệt nghĩ rằng, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, chế độ là văn chương của đất nước, nên đã khắc đá ghi tên đề cao không ngớt, chính để nêu lên sự thịnh vượng của Nho khoa và để mở nếp tốt cho đời sau“ (Bia tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 15 - 1694);

“Bia cao vòi vọi, tên họ vẻ vang, đã nêu rõ được sự long trọng của Nho khoa, lại để cho kẻ sĩ phu trông vào mà lấy làm vinh hạnh, đối với việc bồi dưỡng văn phong, vun trồng thế đạo“ (Bia tiến sĩ khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 - 1710).

Với Nguyễn Nham, vinh dự càng cao, bổn phận càng rất lớn. Ông khuyến cáo các vị đại khoa: “Hãy nên biết lòng thành khẩn nhận lấy phúc lành, bền dạ thủy chung, lo bề báo đáp. Đứng trong triều thì lấy chính trực, trung hậu ra làm gốc, ra quan ngoài thì lấy thanh liêm, cẩn thận làm đầu. Dốc lòng yêu nước thờ vua, giũa mài chí sửa mình giữ phép, lấy đạo đức để giúp chúa, đem thi thư mà dạy dân“.

Với tầm bao quát lịch sử khoa bảng Việt Nam, lại từng trải trong giới quan trường, ông lên tiếng cảnh báo những người “mũ cao, áo dài”, “ngôi cao, chức trọng” phải biết tự hoàn thiện, lo làm tròn chức phận, khép mình trong sự giám sát nghiêm ngặt của dư luận và sàng lọc công bằng của thời gian. Những dòng văn sau đây, thật như một tiếng chuông cảnh tỉnh: “Người xưa đã đi ta không kéo lại được nữa, mà đây chỉ nhặt cái danh thừa, giữ chút dấu cũ mà thôi. Trong khoảng thời gian ấy, ai là người ngay thẳng, trung hậu, ai là kẻ xiểm nịnh, gian tà, ai phải, ai trái, ai đúng, ai sai, trốn sao được lời nghị luận của dân chúng!“ (Bia tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 - 1664).

Ở bia số 3 (khoa Canh Thìn niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 - 1680, hơn một lần ông lại nhấn mạnh: “Các tiến sĩ khoa này được ghi tên vào bia ấy, ai là người quân tử chính trực, tất người ta thấy tên sẽ khen rằng: “Người này trên không phụ ơn vua, dưới không phụ công học hành thuở bình nhật”. Còn ai là người tà khúc tiểu nhân tất người ta sẽ chỉ tên mà cười rằng: “Người này chỉ làm cái lụy cho khoa bảng, làm vết nhọ cho tấm bia“.

Đúng là:

“Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”

Đặc biệt, ở bia số 4 (khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 15) ông đã nêu rõ những tiêu chí trong sự phán xét công minh của hậu thế: “Đây là kẻ trong sạch thơm danh, là kẻ thanh liêm công bằng, là kẻ trung với nước, là kẻ hiếu với dân, là kẻ làm việc công mình, là kẻ giữ đạo ghét tà..., thế là may mắn lắm rồi đấy! Nếu chẳng được như thế thì những người xem bia này sẽ bảo: Đây là đứa hèn nhát, đây là thằng gian hiểm, là đứa chỉ lo cho thân, là thằng đua theo lòng dục của vua, là đứa lưu manh hời hợt, là quan tiểu nhân nịnh nọt! Lời nghị luận lúc rỗi rảnh còn truyền mãi mãi... há không đáng sợ lắm ru!“.

Cả 4 tấm bia, ông đều tha thiết cầu mong mọi người hãy hơn một lần, nhận thức lại ý nghĩa đích thực của việc dựng bia, ghi danh tiến sĩ. Phần cuối mỗi bia, ông cẩn thận nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc:

“Thế mới biết tấm bia này được dựng lên sẽ là để phân biệt ngọc với đá, khuyến khích bọn trâm bào, người thiện thấy đó mà tự cố gắng, kẻ ác thấy đó mà phải e dè, đâu phải chỉ là nhìn cho đẹp mắt“;
“Vậy thì bia này lập nên, có phải chỉ để đẹp mắt mà thôi đâu? Nó còn nắn cho ngay, mài cho sắc, gạn chỗ đục, vực chỗ trong, có quan hệ đến danh giáo không phải là nhỏ vậy”;

“Cho hay, tấm bia này mỗi khi dựng lên, chẳng phải chỉ sử dụng nhất thời để những người thi đỗ nhìn thấy vẻ đẹp, mà còn khiến hậu thế trông ngắm bia này để khuyến giới...“.

Tiếp nối truyền thống “khuyến tài, khuyến học” của ông cha, nhiều năm qua các thủ khoa của các trường Đại học, Cao đẳng… đóng trên địa bàn Hà Nội đã được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ước sao, các thế hệ trí thức tiêu biểu, từng được vinh dự bước đến lễ đường Quốc Tử Giám đều xao động, đồng cảm trước những dòng văn bia vô giá của Tiến sĩ Nguyễn Nham, cách chúng ta 360 năm./.

Nhà văn Đào Ngọc Chung