Thanh âm ngày ấy
Mẹ là con gái út thứ 5 của một gia đình nghèo sinh sống bằng nghề may vá thuê ở một làng quê ngoại thành Hà Nội. Nếu mẹ không có nhan sắc, không có nước da “trắng như trứng gà bóc”, suối tóc đen dày rủ mượt đến tận gót chân thì có lẽ cha tôi đã không “phải lòng” mà cương quyết “chống lại” quan niệm cổ xưa “môn đăng hậu đối” của ông bà nội để bằng mọi cách cưới hỏi mẹ tôi về làm vợ, làm dâu con trong một gia đình buôn bán đồ gỗ có tiếng giữa phố cổ Tràng An.
Ngoài tài nội trợ, may mặc khéo léo, thì của hồi môn mẹ đem về làm dâu chỉ là một chiếc máy khâu nhãn hiệu SINGER của Pháp đã cũ, nước sơn không còn bóng nữa. Cha mẹ tôi sớm thu xếp ra ở riêng và mở một cửa hàng “May đo quần áo phụ nữ” tại một ngôi nhà nhỏ của một con phố nhỏ “đắc địa” bên Hồ Gươm thơ mộng, cổ kính!
Cửa hàng chỉ có mình mẹ trông nom, vừa cắt may, vừa tiếp khách, rồi lựa chọn vải, góp ý kiểu dáng,… Dường như quý bà hay quý cô nào khó tính mấy cũng vừa lòng khi tiếp xúc với mẹ và đặt may quần áo nơi đây. Riêng áo dài truyền thống xưa mẹ không dám nhận bởi tay nghề chưa thuần thục. Mẹ thường giới thiệu khách hàng đến các cửa hàng may đo áo dài nổi tiếng ở phố Cầu Gỗ, phố Lương Văn Can,…
Mẹ kể khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội trước năm 1954, cuộc sống vô cùng khó khăn thiếu thốn khách hàng quen thuộc của mẹ chỉ là những bác xích lô đến đưa “tích kê” lại cái đầu gối của chiếc quần vải bạc mầu mà theo dòng thời gian và vòng lăn bánh xe nó đã bắt đầu sờn rách! Kể cả “lộn cổ áo sơ mi” cho các gia đình đông con nhỏ muốn có chiếc áo sơ mi cho con mặc đi học có cái cổ áo trông sạch sẽ, lành lặn, mẹ đều vui vẻ nhận sửa chữa,… Dẫu sao họ cũng là những khách hàng dễ mến đã giúp mẹ kiếm được đồng tiền lương thiện để trang trải cuộc sống, khỏi mang tiếng “ăn bám” chồng và chiếc bàn đạp máy khâu lại “lạch xạch” đều đều trong căn nhà cổ…
Sát cạnh “cửa hàng may đo quần áo phụ nữ” của mẹ là nhà ông hoạ sĩ Tấn Lộc chuyên vẽ tranh Sơn Dầu! Ông ngậm tẩu thuốc, ngồi vẽ, đứng vẽ suốt ngày chăm chú, say mê. Bức tranh sơn dầu nào cũng chung đề tài: Phố cổ Hà Nội và Tháp Rùa Hồ Gươm cổ kính. Khách đặt hàng rất đông! Vào ra tấp nập. Ông kiếm được nhiều tiền. Có lẽ vì thế ông trở thành “khách sộp” của cửa hàng mẹ! Ông thường xuyên đặt liền hai bộ quần áo pijama để mặc thay đổi trong vòng một tháng. Nếu quần áo có dính vết bột dầu là ông loại bỏ luôn “Mình là hoạ sĩ đất Hà thành, dù đang vẽ hay đang bận công việc đến đâu cũng phải ăn vận tinh tươm, sạch sẽ để thể hiện lòng mến khách, trọng khách chứ!”, ông nheo mắt cười nói thế! Mẹ khẽ “vâng” một tiếng nhẹ, trở vào buồng kín đáo đến trước tấm gương chải lại suối tóc dài đen óng rồi khéo cuộn thành búi tóc to sau gáy.
Mẹ kể, có lần mẹ nhận may gấp hai chục chiếc áo gile “trấn thủ” vải xanh màu cỏ úa có trần bông quả trám bên trong phải trả hàng sau 6 ngày. Mẹ ngồi đạp máy khâu đến tận khuya suốt cả tuần lễ. Anh trai tôi vừa học bài, vừa làm nhiệm vụ canh giấc ngủ cho em gái. Tiếng “lạch xạch” bàn đạp vẫn vang lên hàng đêm cần mẫn, đều đều!
Sau này khi trưởng thành, bất kể sống và làm việc nơi đâu, mỗi khi vẳng nghe đâu đây tiếng “lạch xạch” của bàn đạp máy khâu là bước chân tôi như díu lại, lòng chợt bồi hồi, se sắt nỗi nhớ thương mẹ da diết… Khi còn là đứa trẻ chập chững bước đi, tôi nào hay biết gì, cứ leo lên giường ngủ say từ chập tối và trong giấc mơ tiếng máy khâu của mẹ cứ “lạch xạch” đều đều như vỗ về ru tôi theo năm tháng lớn dần, lớn dần!
Rồi đến một đêm đặc biệt! Mẹ kể…
Cả phố dường như không ai muốn đi ngủ! Nước Hồ Gươm chợt thẫm xanh màu huyền thoại! Tháp Bút bên Hồ uy nghiêm, cao vòi vọi khác thường! Cầu Thê Húc cong cong mềm mại như sắp bay lên với dáng hình Rồng Đỏ uốn lượn trên không trung. Mẹ thức suốt đêm may những lá cờ đỏ sao vàng. Anh trai tôi giúp mẹ cắt vải, xếp hình sao vàng năm cánh. Ông hoạ sĩ Tấn Lộc chốc chốc lại gõ cửa khẽ hỏi “Đã may xong chưa?” Bà Tấm chủ cửa hàng Cơm Tám Giò Chả cho con cháu dọn hàng cơm vốn đông khách sớm hơn thường lệ. Bà Tấm vội vã sang nhà mẹ để trả tiền công, rồi lấy về chiếc áo cánh lụa Hàng Vân trắng “mình khô hoa ướt” để sớm mai “diện” ra phố. Quán cà phê Nhân nổi tiếng Hà Thành cũng đang trang trí cửa hàng như chuẩn bị đón khách quí. Đèn lồng treo cửa. Hoa giấy giăng bốn bức tường rực rỡ. Lọ hoa lay ơn màu phấn hồng đứng kiêu sa lộng lẫy trên quầy lễ tân như hãnh diện chờ đợi giờ phút thiêng liêng…
Trong nhà mẹ… Chiếc bàn đạp máy khâu vẫn phát ra âm thanh “lạch xạch” đều đều, nhưng đêm nay nghe có phần hối hả, vui vui khác lạ. Lá cờ đỏ sao vàng cuối cùng đã may xong.
Trời gần sáng!
Mọi nhà đổ ra đường. Cờ hoa như mọc lên từ đất, như đổ xuống từ trời xanh. Quanh khu vực Hồ Gươm, người nối người chen vai sát cánh. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời, lấp lánh ánh vàng sao…
Nhớ lại ngày lịch sử đặc biệt Hà Nội đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô, sau này mẹ thường thủ thỉ kể với tôi: Hôm đó đông lắm! Không thể nào tìm được chỗ cho con đứng vòng ngoài để nhìn cho rõ đoàn quân, đoàn xe bộ đội đi diễu hành qua các phố. Mà con gái cứ đòi mẹ bế, mẹ vác lên vai thì làm sao mẹ làm được? Mẹ còn vướng víu tà áo dài nhung tím mượt mà, rồi cờ hoa nữa này. Thế là con giận dỗi, dậm chân khóc to “ăn vạ” như mọi khi. Mới lên 5 tuổi mà ương bướng phải biết! Mẹ đang lúng túng không biết xoay sở với con thế nào thì từ xa một chú bộ đội chạy tới, nhấc bổng con lên vai rồi hoà nhập vào đoàn quân đang “trùng trùng như thác” cùng tiến về phía Đài Phun Nước Bờ Hồ. Mẹ chỉ còn một cách là cầm cờ hoa, vội vàng len lỏi qua hàng nghìn người trên hè phố vừa trông, vừa đuổi theo đoàn quân có con gái mẹ trong đó. Mãi đến phố Hàng Đào mới đón được con. Ấy vậy mà trông thấy mẹ, con không sà vào vòng tay mẹ giang rộng chờ đón! Hai bàn tay bé xíu như búp sen, cứ bám chặt vào vai áo chú bộ đội, miệng mếu máo “Con ứ về! Con ứ về!” Mẹ cố gỡ tay con. Miệng cười mà nước mắt chực trào tuôn!
Tôi đã lưu giữ câu chuyện cảm động mẹ kể ngày lịch sử 10 tháng 10 năm 1954 trong suốt hành trang cuộc đời, trên những miền đất tôi từng sống, từng gắn bó ở vị trí, tâm thế của “người chèo đò ngang” đưa các thế hệ học trò qua sông suốt 35 năm với nhiều buồn, vui, được, mất của nghề giáo…
Mẹ qua đời sau hai năm đất nước hoàn toàn thống nhất… Từ thành phố Hồ Chí Minh xa xăm, tôi kịp về gặp mẹ lần cuối. Kỷ vật mẹ nâng niu gìn giữ trong 26 năm trời mẹ run run lưu luyến trao lại cho tôi. Đó là chiếc váy đầm mầu hồng xinh xắn tự tay mẹ cắt may cho con gái út “diện” trong ngày Giải phóng Thủ đô mồng 10 tháng 10 năm 1954. Kỷ vật tuổi thơ tôi gắn liền với hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ giản dị, nhiệt thành mà xiết bao gần gũi thân quen ngày ấy…Dường như đó còn là niềm tự hào và lòng biết ơn sâu xa mà mẹ đã ấp ủ trong lòng suốt tháng năm dài!
Hà Nội trong tôi mãi mãi là ngôi nhà cổ góc phố Hồ Gươm, là hình bóng mẹ với những câu chuyện kể về Người Hà Nội thanh lịch hào hoa, về ký ức tuổi thơ tôi, không bao giờ dứt… Và cả tiếng máy khâu “lạch xạch” đêm đêm vang vẳng đâu đây… Tất cả vẫn vẹn nguyên, đủ đầy, vẫn âm vang tha thiết, lắng sâu như đang hoà nhịp vào thanh âm cuộc sống bình yên, hạnh phúc đã tràn về trên mọi nẻo đường, trên từng đại lộ, ngõ phố của Thủ đô tươi đẹp hôm nay…
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thị Vân Kim. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |