Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội tiễn biệt Ông - Vị Tổng Bí thư

Sơn Thuỷ 15:04 16/08/2024

Những cơn mưa rào cuối mùa hè xối xả bứt những chiếc lá vàng rơi lảo đảo trong màn nước trắng xoá. Lòng đường ngập nước, nổi lềnh bềnh những bọt nước như những quả sấu trắng va vào nhau nổ toang hoác. Những quả sấu xanh lẫn quả đã chín vàng rơi lăn lóc trên vỉa hè ướt nhẹp. Vùng trời Hà Nội rơi vào không gian buồn thê lương; vương nỗi buồn vào mắt dòng người hối hả, ngược xuôi, tránh cơn mưa táp vào mặt.

cbdb13674b58ee06b749.jpg
Hà Nội tiễn biệt Ông - Vị Tổng Bí thư

Giọt nước mắt nhoà lẫn nước mưa, chảy xuống thấm vào da cổ, da trên thân thể lạnh buốt giữa mùa hạ. Những con chim ngừng hót, kêu tiếng thê thảm gọi bầy tìm nơi trú ẩn. Tiếng động cơ của các phương tiện tham gia giao thông hoà lẫn tiếng mưa như lời than vãn dài vô tận. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi…

Sau mấy ngày trời đổ lệ, dường như nước mắt đã cạn; thời tiết thay đổi đột ngột trút cái nóng nực như một nỗi buồn bực xuống thế gian. Dưới thế gian, lòng người tiếc nuối khi thấy một ngôi sao tắt lịm ở cuối đường chân trời. Lời văn nào, lời nói nào có thể diễn tả hết được sự im lặng: sự im lặng của trời; sự im lặng của đất; sự im lặng của người?…

Người con trai sau giờ tan ca, dắt chiếc xe gắn máy vào sân nhà. Trên hiên nhà, người đàn bà ngồi quay lưng ra phía cổng, im lặng như một pho tượng được phủ lên một lớp quần áo bằng vải. Người con trai gạt chân chống đỡ chiếc xe, rồi đi lại phía sau, đặt bàn tay nhẹ nhàng lên vai người đàn bà.

- Cô… cô… cô!

Trả lời người con trai là sự im lặng và chuyển động của đôi vai mỏng rung rung…

Trên lưng người con trai là thân thể gầy gò, ốm yếu của người đàn bà. Cơ thể ấy, càng làm cho bộ quần áo trở lên rộng thùng thình. Hai cánh tay người đàn bà gầy guộc, bé nhỏ dùng chút sức lực còn lại của một sinh mệnh yếu ớt bám vào đôi vai săn chắc, vạm vỡ của người con trai. Đôi tay anh cứng cáp, rám nắng như hai thanh sắt nguội kẹp chặt, nâng đỡ đôi chân đã teo nhỏ không còn đủ sức nâng đỡ một cơ thể cũng đang ngày một nhỏ dần.

Họ ngồi nghỉ ở một chiếc ghế đá trên vỉa hè, dưới bóng cây sấu già cỗi. Người con trai rút mảnh bìa carton trong túi phe phẩy, đưa lên đưa xuống tạo làn gió cố xua đi những sợi tóc mai bám chặt vào khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của người đàn bà. Người chiến sĩ công an tiến lại gần cúi xuống nhẹ nhàng nói:

- Hai mẹ con ngồi nghỉ một lát. Chúng tôi sẽ thu xếp để hai người vào viếng không phải xếp hàng.

Người đàn bà ngước đôi mắt ướt lệ lẫn mồ hôi khẽ gật đầu. Người con trai vội vã đứng lên, nhưng người công an đã kịp đặt bàn tay lên vai ấn nhẹ cho anh ngồi xuống rồi nói:

- Hai mẹ con không phải suy nghĩ gì cả. Hai người được ưu tiên theo quy định của ban tổ chức tang lễ. - Ngừng một lát anh hỏi.

- Hai người đã ăn gì chưa?

- Dạ chưa, em mới đi làm về, – người con trai trả lời.

- Đợi tôi một tí. – Người chiến sĩ công an đứng thẳng ra đi và nhanh chóng quay trở lại với hai chiếc bánh mỳ cùng hai chai nước trên tay.

Trước mắt họ là dòng người mặc quần áo màu đen xếp hàng rất dài. Những con người lặng lẽ, đôi mắt đỏ hoe xúc động. Họ bước từng bước một lên phía trước trong một nỗi buồn chung vô hạn – nỗi buồn chung của những người đã mất đi một người ông, một người cha, một người anh đáng kính!…

Hai bên đường, những chiếc quạt máy đặt trên vỉa hè với đủ loại, màu sắc khác nhau. Chúng có những cái đuôi khác nhau dài lê thê nối vào những ngôi nhà cũng khác nhau để thổi ra thứ gió nhân tạo, xua đi cái không khí của không gian ngột ngạt, trầm lắng. Những bóng áo xanh tình nguyện viên nhanh nhẹn di chuyển phân phát những chiếc quạt bằng giấy, bằng bìa carton cho những người đang xếp hàng chờ tới lượt vào viếng người đã khuất… Xen lẫn những bóng áo xanh là những bóng quần áo màu khác của người dân hai bên đường, lễ mễ bưng những thùng nước lọc, những bọc bánh mỳ… Họ không chung một màu áo, nhưng lòng họ chung một tình nguyện. Họ nói nhỏ, họ lặng lẽ như sợ rằng một âm thanh lớn, một cử chỉ mạnh sẽ khiến cho linh hồn vừa thoát hoảng hốt bay đi!…

Thời gian trôi thật chậm. Dòng người bước thật chậm: nhưng thời gian ấy, dòng người ấy không thể níu giữ lại một con người, - một con người phải tuân theo quy luật của sinh, lão, bệnh, tử. Một con người giản dị, chân thành, tận tâm với công việc. Một con người vừa mừng vừa lo khi tuyên thệ nhậm chức dưới lá cờ tổ quốc: “ Mừng vì được quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ; nhưng lo, là lo làm thế nào để hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước ”. Một con người khiêm tốn đọc những câu thơ trong truyện kiều của đại thi hào Nguyễn Du:

“ Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuân xanh biết có vuông tròn mà hay”

“ Có tài mà cậy chi tài

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ”.

Một con người mạnh mẽ khi trích dẫn những lời văn của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky:

“ Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh… ”

Một con người đi chiếc xe ô tô công vụ đã cũ: chiếc xe không lắp kính chống đạn; chiếc xe không là một khối thép vững chắc, sang trọng như chiếc xe ô tô mercedes được thiết kế, sản xuất dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Gia đình ông – gia đình vị Tổng Bí thư của đất nước Việt Nam – vẫn sử dụng chiếc xe gắn máy hiệu honda-cup đã cũ để đi lại. Ông mặc chiếc áo khoác màu nâu đã sờn hai cổ tay. Những bộ quần áo tuy đã cũ theo năm tháng nhưng được vị phu nhân – người vợ của vị Tổng Bí thư – biết cách săn sóc để chúng khoác lên thân thể ông một cách chỉn chu. Phong thái của ông vẫn toát lên vẻ trang nghiêm, mẫu mực trước đoàn khách quốc tế. Sự tinh tế, gần gũi, nhẹ nhàng giản dị luôn làm cho người tiếp xúc cảm giác dễ chịu pha lẫn thán phục. Nhưng ánh mắt của ông cũng ánh lên vẻ cương nghị, cứng rắn khi cần thiết; và ánh mắt ấy trở lại dịu dàng, ấm áp với những người đồng chí, với những người dân…

Tất cả đời sống vật chất bên ngoài bình dị ấy bao bọc một tâm hồn đầy đủ về tri thức và trí tuệ. Tâm hồn kiên định, nghị lực đầy ắp trong một khuôn đúc vuông vắn – sắt đã tôi rèn thành thép cứng!

Hà Nội, những đoàn người đứng sát bên nhau hai bên đường từ nhà tang lễ quốc gia đến nghĩa trang Mai Dịch. Có người lặng lẽ mắt ngấn lệ, có người thẫn thờ nhìn đoàn xe rước linh cữu, có nhóm người hát quốc ca… Tất cả họ đang tiễn biệt một người con của Hà Nội; một người con của thủ đô; một người con của quê hương; một người con của đất nước Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hà Nội có những ngày nắng, có những ngày mưa. Con người có những ngày vui và có những ngày buồn!...

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Sơn Thuỷ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Sơn Thuỷ