Văn hóa – Di sản

Nghề gốm ở Sa Huỳnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Duy Minh 19:32 14/08/2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức công nhận Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

gom-1.jpg
Những người thợ làm gốm tại xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực hồi sinh gốm cổ Sa Huỳnh (Ảnh Nguyễn Trang)

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh và gốm chính là linh hồn của nền văn hóa ấy. Gốm cổ Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.000 - 3.000 năm. Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt tâm linh. Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần có nguy cơ bị mai một.

Hiện số hộ dân vẫn giữ nghề làm gốm truyền thống còn ít, tập trung ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An, thuộc xã Phổ Khánh. Nơi đây, nằm ngay bên cạnh đầm An Khê, cũng chính là cái nôi khai sinh ra nền văn hóa đặc sắc - văn hóa Sa Huỳnh.

Khác với các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt, gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc, làm thủ công và được nung từ 14 đến 24 tiếng. Sự hồi sinh của gốm cổ Sa Huỳnh được đánh dấu bằng việc thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối tháng 11/2023.

Hợp tác xã ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Mục đích là đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm hồi sinh dòng gốm này.

Việc công nhận nghề làm gốm Sa Huỳnh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời mà còn là động lực thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống.

Đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu văn hóa Sa Huỳnh đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương./.

Duy Minh