Mỹ thuật

Họa sĩ Dương Bích Liên: Ánh chớp thầm lặng

Họa sĩ Đặng Thị Khuê 11:39 14/08/2024

Là người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật họa sĩ Dương Bích Liên là một tượng đài của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, là ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật, là danh họa của xứ sở mình.

hoa-si-duong-bich-lien.jpg

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh năm 1924 tại Hà Nội, nhưng quê hương ông lại nằm bên bờ sông Hồng thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức nho học, nổi tiếng có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sĩ, giáo chức, thầy thuốc; trong một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước.

Người ông nội và người bác ruột của ông là những sĩ phu yêu nước từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và bị Pháp đày ra Côn Đảo. Người bác ruột khác của ông là giáo sư Dương Quảng Hàm - một nho sĩ yêu nước, một nhà sư phạm mẫu mực, một nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, tác giả của nhiều công trình học thuật nổi tiếng, đã hy sinh khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ - năm 1946.

tac-pham-hao-cua-hoa-si-duong-bich-lien.jpg
Tác phẩm Hào của họa sĩ Dương Bích Liên.

Người anh ruột và em trai ông cũng là những liệt sĩ thời kháng Pháp. Qua một số tài liệu, chúng tôi được biết chính liệt sĩ, nhà báo Dương Thị Xuân Quý - người đã hy sinh trong chiến trường miền Trung thời chống Mỹ cũng là người cháu trực hệ của dòng họ Dương. Một dòng tộc mà có đến 5 người được đặt tên phố, có nhiều đời, nhiều người hi sinh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc thật đáng trân trọng.

Nhưng khác với việc hướng nghiệp của truyền thống gia đình, Dương Bích Liên một mình theo đuổi nghệ thuật. Từ năm 16 tuổi, ông đã là sinh viên khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1940 - 1945).

Như hầu hết thanh niên trí thức Hà Nội thời đó, họa sĩ Dương Bích Liên cũng mang nặng nỗi ưu tư, cùng khát khao (canh tân) và (cách mạng). Họ hào hứng tiếp nhận tri thức thẩm mỹ mới và thuần thục trong những thể loại và chất liệu mới, tuy nhiên vẫn không xa rời mạch nguồn thẩm mỹ truyền thống. Có thể nói Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình, của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy dẫu hiện thực đổi thay, dẫu biến thiên lịch sử - điều ấy khiến ông là một biệt lệ trong "bộ tứ" huyền thoại (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái).

tac-pham-mua-lua-chin-cua-hoa-si-duong-bich-lien.jpg
Tác phẩm Mùa lúa chín của họa sĩ Dương Bích Liên.

Việc người đời tôn vinh ông là một trong những cột trụ của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, cũng là một đánh giá công bằng của lịch sử, nó cho thấy mọi giá trị đều bình đẳng trước thời gian, và công chúng là trọng tài vô tư nhất đối với nghệ thuật mọi thời đại.
Tính hàn lâm trong tranh ông cũng đem đến một cách nhìn mới vào hiện thực. Cả tính duy mỹ vốn dĩ cũng không thể thiếu để làm lên một khuôn mặt độc đáo trong nghệ thuật. Ông đã tạo lên một sự gặp gỡ không ngẫu nhiên giữa cái nhìn trực giác duy lí, với cái nhìn nội tâm mẫn cảm nguồn cội, như một thành tựu của giao lưu và tiếp biến văn hóa tất yếu - mở đầu cho thời kì quốc tế hóa của nghệ thuật Việt Nam.

Dấn thân với lý tưởng cách mạng và nghệ thuật họa sĩ Dương Bích Liên rời gia đình lên chiến khu tham gia trong những đoàn kịch, đoàn văn công, đoàn văn hóa kháng chiến, làm báo vệ quốc đoàn... Tác phẩm "Thiếu nhi đi khai hoang" của ông đã giành giải Nhì tại triển lãm hội họa kháng chiến năm 1948. Và những kỷ niệm kháng chiến đã được ông lưu giữ nhiều thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế. Đặc biệt là những ngày ông được ở gần Hồ Chủ tịch (1952). Và mãi tận 36 năm sau trước khi mất 3 ngày ông còn kể lại cặn kẽ những kỉ niệm không phai mờ về Bác. Những ấn tượng sâu đậm ấy đã làm nên tác phẩm "Hồ Chủ tịch qua suối" giành giải Nhất ở triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980. Tác phẩm đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.

Kiên định với cái nhìn duy mỹ và trung thực với xúc cảm nội tâm, tranh Dương Bích Liên nặng về hoài cảm, là sự chắt lọc của ký ức, là sự thẩm thấu đến nhập tâm của một con người đã coi "cái đẹp là sự cứu rỗi tâm hồn và số phận". Sinh thời nhà lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân từng nhận xét: "Nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man trí thức". Nhận xét ấy đúng với tầm trí tuệ và nhân cách của ông.

tac-pham-thieu-nu-cua-hoa-si-duong-bich-lien.jpg
Tác phẩm Thiếu nữ của họa sĩ Dương Bích Liên

Lựa chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản thân, nhưng ông còn say mê cả triết học, văn học và sân khấu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm bạn tâm giao, tri kỷ.

Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Vì thế ở tranh Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính vừa gợi cảm vừa bí ẩn. Tái tạo vẻ đẹp tự nhiên qua nhãn thức của riêng mình, ông gửi gắm cả tâm tình trong mối ưu tư da diết. Vì thế những khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên lại chứa nhiều ý nghĩa nhất khiến người xem bị ám ảnh.

Thế giới nghệ thuật của họa sĩ chứa đầy tương phản: vừa lánh đời lại vừa cuồng nhiệt, vừa bình dị lại vừa uyên thâm, vừa bâng quơ, vừa cao thượng, hào sảng. Tranh ông vì thế rất gần với tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ thiên tài Mozart ở cái đẹp trong trẻo, thuần khiết, cao cả, tao nhã. Lại đồng điệu với sự hài hòa tuyệt đối ở tranh danh họa Raphael - dẫu cách xa hàng thế kỷ. Sự tương đồng ấy phải chăng đều đến bởi xúc cảm thuần khiết, chỉ có được ở những tâm hồn lớn với sự nhạy cảm bẩm sinh và lao động miệt mài.

Ở những thời điểm quan trọng của lịch sử ông đã cho ra đời những tác phẩm mang tầm tư tưởng, mà tác phẩm "Hào" là một trong số đó; Được ông vẽ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội (1972). Tác phẩm chưa được đánh giá đúng ở thời điểm ra đời của nó và mang một số phận truân chuyên. Nay đến lúc phải tìm lại và định vị giá trị của tác phẩm, (không vì những giai thoại của nó), mà vì sự công bằng cần thiết trước một tác phẩm mang giá trị đỉnh cao về tầm tư tưởng và nghệ thuật.

Tha thiết với cuộc đời và biết mình nhạy cảm dễ tổn thương, nên ông thường giữ một khoảng cách trong giao tiếp. Tồn tại trong im lặng, lấy sáng tạo làm lẽ sống, ông đã một mình với tất cả. Và sự có mặt của ông là sự có mặt của một "nhân cách độc lập đầy kiêu hãnh", ông mất ngày 12/12/1988 thọ 64 tuổi.

Nhắc tới Dương Bích Liên, tôi lại đến những kỷ niệm về ông: Nhớ dáng đi liêu xiêu như muốn ngã, nhớ đôi giày nhà binh nặng trịch ông mang, nhớ ánh mắt như muốn nói, nhớ bộ quần áo ông mặc bốn mùa, nhớ những cử chỉ lịch lãm, ân cần khi tiếp bạn, và nhớ cả những điều chưa tiện kể về ông... Bạn bè coi ông là một "nhân cách trong suốt" và thật hiếm ai lại tử vì đạo như ông. Ông đi mang theo cả những bí mật của mình...

Người đời gọi Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái là "tứ trụ" - hẳn đã coi các ông như những cột trụ của ngôi đền nghệ thuật. Bởi cùng với "tứ trụ" thứ nhất (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), các ông đã tạo nên nền móng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam (đến nay đã gần một thế kỷ).

Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của họa sĩ Dương Bích Liên đã được ghi nhận bởi danh hiệu cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật; tác phẩm sơn mài "Hồ Chủ tịch qua suối" của ông được công nhận là Bảo vật quốc gia. Và Hà Nội cũng rất cần, rất đáng có một con phố mang tên ông - một danh họa tài hoa./.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê