Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bản hùng ca Hà Nội ngày chiến thắng tiếp thêm sức mạnh để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Phạm Quỳnh 13/08/2024 19:20

“Thế hệ trẻ hiện nay cần hiểu rõ hơn về những cuộc chiến giành độc lập và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, để xây dựng Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung thêm giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Bản hùng ca Hà Nội ngày chiến thắng luôn vang vọng tới mọi thế hệ” – Đại tá Dương Niết, người lính 70 năm trước trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô, góp phần tạo nên những ngày mùa thu tháng 10 lịch sử.

bac-niet-6.jpg
70 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô những ngày đầu tháng 10/1954 với Đại tá Dương Niết vẫn vẹn nguyên.

Đại tá Dương Niết là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô - Đại đoàn 308), nguyên Hiệu phó Trường Trung cao không quân (Học Viện Phòng không Không quân hiện nay). Tuổi 90 nhưng Đại tá Dương Niết vẫn rất minh mẫn, giọng nói hào sảng và đặc biệt hồi ức, cảm xúc của ông về những ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm trước vẫn vẹn nguyên.

Khi phóng viên Tạp chí Người Hà Nội hỏi Đại tá Dương Niết về những ngày tháng hào hùng tiến vào tiếp quản Thủ đô, đôi mắt của người chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca năm ấy lại sáng long lanh, xúc động.

bac-niet-tu-lieu(1).jpg
Chiến sĩ Dương Niết (ngồi) cùng các đồng chí của mình tham gia tiếp quản thủ đô 70 năm trước. (Ảnh tư liệu).

Người dân Hà Nội và cả nước đang hướng về Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với tâm thế tự hào. May mắn, chúng tôi gặp được Đại tá Dương Niết trong dịp Hà Nội đang có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân thế hệ cha anh về Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đại tá Dương Niết kể, đầu tháng 10/1954, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng thuộc Sơn Tây trước đây, nay là huyện Ðan Phượng, Thành phố Hà Nội. Ông là 1 trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được đơn vị lựa chọn vào thành phố đợt đầu tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân, bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Bên cạnh đó, việc tiếp quản Thủ đô nhằm không để địch cưỡng bức dân chúng di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.

Tôi rất tự hào là 1 trong 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca nhận nhiệm vụ đặc biệt tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước. Chúng tôi khi ấy cũng mới chỉ mười chín, đôi mươi, còn rất trẻ.

70 năm trước, Dương Niết đang là chàng trai tròn 20 tuổi và “lúc này tôi chưa có bạn gái”. Đại tá Dương Niết là tổ trưởng tổ 5 người được lệnh vào tiếp quản Sở cảnh sát Bắc Việt (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội).

bac-niet-3.jpg
Những hình ảnh tư liệu về tiếp quản Thủ đô của quân ta được Đại tá Dương Niết lưu giữ cẩn thận.

“Khi tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, bước lên tầng 2, tôi đã thấy khẩu hiệu Có đi vào Nam hay ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ do quân Pháp giăng ra. Ý khẩu hiện này muốn nói trại giam của ta ở Thanh Hóa do đồng chí Lý Bá Sơ quản lý. Biểu ngữ này có âm mưu thúc ép dân ta di cư, phá hoại Thủ đô. Ngay lập tức chúng tôi tháo dỡ ngay khẩu hiệu này xuống” - Đại tá Dương Niết nhớ lại.

1.23(1).jpg
Bộ đội ta vào tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò ngày 10/10/1954. (Ảnh tư liệu).

Cùng với Sở Cảnh sát Bắc Việt, đơn vị của Đại tá Dương Niết phối hợp với lực lượng công an làm nhiệm vụ tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò. Nhớ lại thời khắc lịch sử tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò 70 năm trước, Đại tá Dương Niết mắt rưng rưng, kể: “Tôi không khỏi bàng hoàng và thán phục những chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp giam giữ, đày ải tại đây. Mấy ngày ở đây, tôi ấn tượng nhất với tiếng chuông báo động ở khu chòi canh gác của lính Pháp khi vô tình chạm phải.”

bac-niet-4.jpg
Nhớ lại thời khắc lịch sử tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò 70 năm trước, Đại tá Dương Niết mắt rưng rưng...

Có một ký ức trong ngày tiếp quản Thủ đô mà Đại tá Dương Niết không bao giờ quên, đó là ngày 9/10/1954, chiến sĩ Nguyễn Văn Phiên đang đứng ở cửa Sở Cảnh sát Bắc Việt thì bỗng từ đâu có một phụ nữ chạy tới, ôm chầm lấy, khóc nức nở, trách móc: “Anh ơi, anh đi đâu lâu thế mà chẳng nói năng gì với em”. Sự việc này ngay lập tức thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của người dân xung quanh.

bac-niet-1.jpg
Huân , Huy chương Đảng, Nhà nước trao tặng được Đại tá Dương Niết đeo trên ngực áo.

“Đồng chí Nguyễn Văn Phiên lúc ấy ngớ người, không biết chuyện gì. Người dân hỏi cô gái trẻ quê ở đâu thì cô nói ở Hải Dương. Mọi người quay sang hỏi đồng chí Phiên quê ở đâu, đồng chí nói quê Nghệ An và đúng giọng người xứ Nghệ. Vậy là người dân ồ lên, nói với cô gái trẻ đã nhầm người rồi. Cô gái trẻ buông đồng chí Phiên ra rồi lặng lẽ bước đi. Sự việc này không phải ngẫu nhiên mà chính là thủ đoạn, âm mưu của kẻ thù để lôi kéo anh em chiến sĩ của ta về phía chúng” – Đại tá Dương Niết kể.

bac-niet-5.jpg
Đại tá Dương Niết cũng là chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ảnh là Giấy chứng nhận của Đại đoàn 308 cấp cho ông.

Đi qua 4 cuộc chiến tranh (Điện Biên Phủ, Giải phóng miền Nam, giúp đỡ nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc) của dân tộc Việt Nam, Đại tá Dương Niết cảm thấy tự hào về truyền thống anh hùng của quân và dân nước Việt nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.

anh-thay-quynh.jpg
Đại tá Dương Niết tin tưởng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, qua đó tiếp thêm sức mạnh để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
2-bac-chau.jpg
Đại tá Dương Niết và tác giả bài viết.

Với riêng Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Đại tá Dương Niết khẳng định: “Âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ. Qua đó thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”./.

Phạm Quỳnh