Văn hóa – Di sản

Tri thức May, Mặc áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hương Giang 06:55 13/08/2024

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa có quyết định công bố tri thức May, Mặc áo dài Huế (Thừa Thiên Huế) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

454626682_801625165474405_145196092518016802_n.jpg
Tri thức May, Mặc áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 12/8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bộ VHTT&DL vừa đưa Tri thức May, Mặc áo dài Huế vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 về việc công bố tri thức May, Mặc áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Quyết định nêu, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể (trong phạm vi và quyền hạn) thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định.

Áo dài ngũ thân - áo dài Huế xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII từ nhu cầu về trang phục của người Đàng Trong, vừa gọn gàng giản tiện vừa kín đáo và phù hợp với lễ nghi truyền thống của người Việt trên vùng đất mới. Đào Duy Từ đã từng khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên sử dụng áo dài ngũ thân làm trang phục chính thức cho người dân Đàng Trong để tạo nên sự khác biệt với Đàng Ngoài nhưng điều này chưa được thực hiện.

Năm 1744, sau khi xưng Vương ở phủ chính Phú Xuân chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách cải cách, tổ chức lại bộ máy chính quyền, định chế cả y quan và lễ nhạc, xây dựng hình ảnh một triều đại độc lập, tự chủ hoàn toàn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế thường phục và quyết định sử dụng bộ “quần chân áo chít”- tức bộ áo ngũ thân tay chẽn và quần hai ống làm trang phục chung cho dân chúng Đàng Trong, sau đó loại trang phục này đã phổ biến trong toàn xứ.

Đến thời Nguyễn, hoàng đế Minh Mạng đã quyết định chọn áo ngũ thân làm thường phục của người Việt Nam, không phân biệt đẳng cấp hay vùng miền và quyết liệt thực hiện công cuộc cải cách để thống nhất trang phục trong toàn quốc vốn đã được đặt nền móng từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Từ đó, chiếc Áo dài ngũ thân - áo dài Huế được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân, kể cả nam và nữ, được áp dụng rộng rãi, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Thời gian qua, nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc áo dài truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống cũng như đề ra những giải pháp quản lý để bảo tồn, phát huy giá trị áo dài… Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế.

Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, hiện nay áo dài gắn bó với đời sống của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, chiếc áo dài Huế được may thêu tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài ba, từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa và tinh thần độc đáo không thể thiếu cho người dân địa phương cũng như khách du lịch./.

Hương Giang