Bài 1: Tinh hoa múa cổ đất kinh kỳ

Emagzine - Ngày đăng : 14:05, 01/08/2024

Thăng Long là đất ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa văn hóa đặc sắc. Điều này được thể hiện rõ nét trong nghệ thuật múa. Trải qua thời gian, nghệ thuật múa đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô.
z5714318024392_a76e591fd1bd34f26e59eeb07aa166ad.jpg
tinh-hoa111-2-.jpg
t1111(2).jpg

Những hình múa được chạm khắc trên bệ đá, gỗ cùng các hoa văn trên trống đồng là những minh chứng cho lịch sử của múa cổ Hà Nội. Qua các hoa văn hình múa trên trống đồng (trống đồng Cổ Loa và trống đồng Miếu Môn), cùng nhiều tư liệu thành văn khác, các nhà nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại của múa cổ ở vùng đất Kinh đô Thăng Long xưa cũng như ý nghĩa của loại hình nghệ thuật múa này.

xam-3(1).jpg

Theo sách “Bách khoa thư Hà Nội” (Nxb Thời đại, 2010), Thăng Long - Hà Nội từng là trung tâm hội tụ và lan tỏa nghệ thuật múa của cả nước. Những giáo vũ cũng được tập trung ở Thăng Long ca vũ địa này.

Thời Trần nổi lên một tài năng sáng tác múa là Chiêu minh vương Trần Quang Khải - tác giả của điệu múa bài bông được sử sách nêu tên và tác phẩm của ông còn lưu truyền tới đời sau; Nguyễn Thị (Tú Vân phu nhân) giỏi về múa hát và thơ văn. Ngoài ra, còn có những người hát hay múa giỏi như đào Thị, đào Hoa, đào Huệ.

vua-minh-mang-9759-1643343537(1).jpg

Thời Lê, câu chuyện múa hát khúc “Đại thực” (Đại thạch) vào dịp lễ Thánh đản vua Lê Thần Tông chứng tỏ nghệ thuật hát múa của các nữ nhạc có sức hấp dẫn với đông đảo công chúng trong cung vua. Thời Nguyễn, từ đời vua Minh Mạng, các nghệ nhân múa nổi tiếng ở Hà Nội đã được mời vào cung đình Huế biểu diễn phục vụ các đại khách như Vạn Thọ.

t222222222222(1).jpg

Đặc điểm lịch sử địa lí và vị thế chính trị của Hà Nội xưa và nay đã tạo điều kiện cho sự hình thành một vùng văn hóa múa ở đất Kinh kỳ. Theo cố NSND Lê Ngọc Canh, Hà Nội có tới gần 100 điệu múa cổ, chia thành các thể loại: múa dân gian, múa tôn giáo, múa cung đình, múa tín ngưỡng và múa sân khấu. Múa dân gian có vai trò quan trọng trong các hình thái múa, là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác. Nhiều trường hợp múa dân gian tham gia vào các hình thái múa cung đình, múa tôn giáo, múa tín ngưỡng và các nghi lễ. Ngược lại, có một số điệu múa từ cung đình và các nghi lễ trở về với dân gian.

thiet-ke-chua-co-ten-1-.jpg

Múa dân gian Hà Nội mang những nét chung của múa dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ đó là thường gắn với các lễ hội dân gian, đặc biệt là hội làng. Theo tục thờ Thành hoàng, hằng năm có tế lễ ở đình với các múa lễ thức. Hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) có mùa bồng; hội làng Yên Phụ (Tây Hồ) có múa trống ngũ lôi; hội làng Phù Đổng (Gia Lâm) có múa cờ lệnh, múa hổ; hội làng Lệ Mật (Long Biên) có múa rắn; hội làng Hồ Khẩu (Tây Hồ) có múa chèo cạn; hội làng Mọc (Thanh Xuân) có múa chén…

Điệu múa cổ tứ linh không chỉ mang vẻ đẹp văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là một thực thể đang lưu giữ những giá trị văn hiến của Thăng Long - Hà Nội cần được sự quan tâm bảo tồn và phát triển

Tuy nhiên, múa dân gian Hà Nội còn mang những nét riêng của vùng đất Thăng Long được thể hiện qua nội dung và cả hình thức nghệ thuật. Nhiều điệu múa dân gian ở Thăng Long mang nét riêng, độc đáo mà không nơi nào có được, ví như điệu múa nói về thần tích của những người có công cứu nước, dạy dân làng làm nghề (múa cờ lệnh trong hội Gióng, múa rắn của hội làng Lệ Mật, múa rồng lửa ở làng Khương Thượng).

tric.png

PGS.TS Đỗ Thị Hảo nhận định: “Múa dân gian chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong lễ hội truyền thống nói chung, đặc biệt là Hà Nội nói riêng . Bởi lẽ, thông qua những điệu múa, động tác múa, cuộc sống đời thường của người dân được phản ánh một cách sinh động và thân thuộc. Những điệu múa phản ánh sinh hoạt của nhà nông ở các làng xã Thăng Long - Hà Nội rất phong phú, đa dạng”. Bà minh chứng cho nhận định này từ trò múa canh công trong hội làng Cư An, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh; màn múa cởi vú mo ở làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội; rồi múa chèo thuyền trong hát tàu tượng ở Tân Hội, Đan Phượng…

Múa Lục Cúng là sản phẩm của Phật giáo, được sử dụng vào dịp lễ Phật Đản, lễ Vu Lan bồn, lễ khánh thành chùa, lễ hô thần nhập tượng, thể hiện lòng tôn kính dâng lên Tam Bảo

Sự phong phú đa dạng của nghệ thuật múa cổ Hà Nội còn thể hiện rõ nét trong múa tín ngưỡng, múa cung đình. Múa tín ngưỡng của người Việt nói chung, người Thăng Long - Hà Nội nói riêng đều có chung cội nguồn là múa trong tín ngưỡng hầu đồng, thờ cúng thần linh, thành hoàng. Hình thái múa này không chỉ phong phú về nội dung mà còn đa dạng về hình thức. Có thể kể tới múa lên đồng (múa mồi, múa chèo đò, múa quạt, múa cung, múa kiếm, múa thanh long đao); múa chạy đàn, lục cúng, phát tấu… rồi các trò múa tôn giáo nhà Phật như: giáo đò, trò mục liên…

Nghiên cứu sâu về nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, cố NSND Lê Ngọc Canh đã chỉ rõ những đặc điểm riêng biệt của hình thái múa cung đình. Hình thái múa này, theo ông có từ thời Lý. Khi Thăng Long không còn là kinh đô (vào thời Nguyễn) thì múa cung đình lại được sử dụng trong hát cửa đình. Múa cung đình phát triển theo hướng bác học, thường được trình diễn trong những nghi lễ: tế trời, mừng sinh nhật, chúc thọ vua, chúa, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng thái phi và mừng chiến thắng lễ khao quân. Ngoài ra, múa cung đình còn được trình diễn trong các dịp tiếp sứ thần, cưới xin, ma chay các vương giả… Múa cung đình Thăng Long - Hà Nội không nhiều, hiện còn lưu giữ trong sử sách và hiện tại có một số điệu múa vẫn được duy trì như múa bài bông, múa tứ linh…Trên cơ sở các khảo cứu về nghệ thuật múa, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Đó là sự đa thể loại, đa tính cách, nội dung phong phú và mang tính cách điệu cao.

xam-2-.jpg

Ngoài ra, múa cung đình còn được trình diễn trong các dịp tiếp sứ thần, cưới xin, ma chay các vương giả… Múa cung đình Thăng Long - Hà Nội không nhiều, hiện còn lưu giữ trong sử sách và hiện tại có một số điệu múa vẫn được duy trì như múa bài bông, múa tứ linh…Trên cơ sở các khảo cứu về nghệ thuật múa, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Đó là sự đa thể loại, đa tính cách, nội dung phong phú và mang tính cách điệu cao.

t33333333333(1).jpg
z5726791019229_e38f4ec641c73078fe96215279165f3e.jpg

Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội là một thành tố không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội; phản ánh đời sống tinh thần của người dân, thể hiện thế giới quan của con người về vạn vật, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống, tín ngưỡng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, loại hình nghệ thuật này đã góp phần tạo thành mạch nguồn văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội.

lan-to-loc(1).jpg

Cố GS. Lâm Tô Lộc khi nghiên cứu về nghệ thuật múa ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã nhận định: “Như những loại hình nghệ thuật khác, múa dân tộc tự khẳng định bằng sự đa dạng phong phú và trở thành một nhu cầu của đời sống tinh thần của người thượng kinh. Nó được sân khấu kịch hát dân tộc Việt sử dụng làm một trong những phương tiện để: minh họa lời hát, khắc họa tính cách nhân vật, thể hiện không gian và thời gian hành động. Với tính chất một nghệ thuật - thành tố, múa góp phần hữu hiệu vào việc tạo ra đặc tính của từng loại hình kịch hát tuồng, chèo…”

yen-lac-moi.jpg

Theo PGS. TS. NSND Ứng Duy Thịnh, múa cổ thực sự đi vào đời sống của con người, là giá trị văn hóa của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Việc múa cổ Hà Nội tồn tại cho đến ngày nay qua các bước tinh lọc của lịch sử càng thấy hết giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội. Múa cổ được cất giữ và tồn tại qua con người lao động, trong tâm thức thiêng liêng của không gian thờ cúng. Múa cổ góp phần làm cho cộng đồng có quan hệ gần gũi hơn trên tinh thần tự giác, tự nguyện; đồng thời mang ý nghĩa giáo dục con người trong việc vươn tới cái đẹp, cái thiện…

thiet-na-dao-dou-bai-dang-facebook-3.png

“Khi khán giả có cơ hội thưởng thức các điệu múa cổ, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, động tác sẽ thấy một cảm giác gần gũi, thân thiện và thấm đẫm văn hóa dân tộc. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, tính thẩm mỹ cao. Việc nhận diện, bảo tồn và lan tỏa các điệu múa cổ là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để giữ gìn nét đẹp riêng có của mảnh đất ngàn năm văn hiến này”, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh khẳng định./.

z5722984486609_c20f155de64a1dea1f1afe0841c149c6.jpg

Nội dung: Gia Phú/ Thiết kế: Bùi Hải

Hải Bùi