Tác giả - tác phẩm

Ra mắt cuốn sách giới thiệu hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn

Thụy Phương 08/08/2024 19:52

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của họa sĩ Trần Văn Cẩn (1994 – 2024), sáng ngày 8/8/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt sách “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” và Tiếp nhận tác phẩm âm nhạc “Little Thuy’s Minuet” do nhạc sĩ Paul Zetter dành tặng Bảo tàng.

Nằm trong tứ trụ thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại Trí - Lân - Vân – Cẩn, danh họa Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đưa hương sắc mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế.

z5710443847898_3717fc394a45df9b9a2ecf1a4e3a0b37.jpg
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, danh họa Trần Văn Cẩn đã cùng với thế hệ vàng trường Mỹ thuật Đông Dương đặt những viên gạch vàng đầu tiên cho nền cốt vững chắc của Mỹ thuật Hiện đại – Đương đại Việt Nam thế kỷ XX và sự đa dạng trong thế kỷ XX. Từ những nẻo đường gian khổ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông luôn là người tận tụy, tận tâm trong thầm lặng và chỉ để cho ngọn bút tài hoa cất giọng trên từng tác phẩm.

Phát biểu tại lễ ra mắt sách, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn lưu giữ một bộ sưu tập quý giá những tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn. Với mong muốn giúp công chúng hiểu hơn về tác phẩm cũng như cuộc đời của danh họa, từ năm 2020, bảo tàng đã nhen nhóm ý tưởng làm một cuốn sách về họa sĩ Trần Văn Cẩn. Sau gần 4 năm triển khai, cuốn sách cũng đã được được xuất bản và ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông.

2(2).jpg
Cuốn sách phần nào giúp bạn đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về chân dung và nhân cách danh họa Trần Văn Cẩn.

“Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” (NXB Thế giới) giới thiệu hơn 100 tác phẩm được chọn lọc từ gần 200 tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ, trong đó nhiều bức lần đầu được công bố. Mỗi tác phẩm gắn với từng chặng đường sáng tác của tác giả từ những ngày đầu đến với nghệ thuật, những ngày ở chiến khu Việt Bắc, rồi những chuyến đi...

Tại buổi ra mắt sách, nhiều kỷ niệm về danh họa Trần Văn Cẩn cũng đã được các vị khách mời và đại biểu nhắc nhớ. Nhà nghiên cứu LLPB mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, người nhiều năm gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật chia sẻ Trần Văn Cẩn là một người hết sức nho nhã, tình cảm, yêu nghề, yêu quê hương đất nước. Từ bỏ tháp ngà nghệ thuật đi theo kháng chiến, những tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn của lịch sử, di sản và đời sống xã hội. Trong hành trình theo cùng năm tháng, những tác phẩm của ông đã góp phần tạo nên diện mạo của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

1(2).jpg
Hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn được chọn lọc từ bộ sưu tập của bảo tàng đã được giới thiệu trong cuốn sách.

“Với những bài viết, hình ảnh và thông tin các tác phẩm, cuốn sách phần nào giúp bạn đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về chân dung và nhân cách danh họa Trần Văn Cẩn - Một trong những cây đại thụ của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đây không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật mà còn là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng những người yêu thích hội họa Việt Nam”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình ra mắt sách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp nhận tác phẩm âm nhạc "Little Thuy’s Minuet" do tác giả Paul Zetter trao tặng. Paul Zetter đến Việt Nam vào năm 1998 với tư cách là Trợ lý Giám đốc Hội đồng Anh. Năm 2000, ông đã phát động chiến dịch khôi phục tranh "Em Thúy". Và cũng chính tác phẩm "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn đã khơi nguồn cảm hứng để ông viết bản nhạc "Little Thuy’s Minuet". Với sự đồng hành của NSND Ngô Hoàng Quân, bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng và lần đầu được công diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong sự kiện này.

Thụy Phương