Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội trong tôi - hiện tại và kí ức

Lê Thị Lệ Tình 11:57 08/08/2024

Sáng hôm nay, trước Quảng trường Ba Đình lộng gió, tôi đã ghi lại những kỉ niệm đẹp với gia đình bằng những tấm ảnh ấm áp không khí nơi đây. Vậy là 23 năm. Vẫn khung cảnh ấy, vẫn những dòng người tấp nập từ muôn phương về đây để được kính cẩn nghiêng mình trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

viewimage.jpg
Vẫn khung cảnh ấy, vẫn những dòng người tấp nập từ muôn phương về đây để được kính cẩn nghiêng mình trước vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam... (ảnh; internet)

Có lẽ, đến với Hà Nội tất cả mọi người đều lên kế hoạch cho hành trình của mình chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếc quá, hôm nay Lăng Bác tạm thời dừng đón khách viếng thăm. Nhưng dù chỉ đứng từ xa bên ngoài, trong lòng tôi vẫn y nguyên sự xúc động bồi hồi của cô sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế lần đầu tiên được tới thủ đô, được vào Lăng viếng Bác vào tháng 12 năm 2000.

Ngày 8.12.2000

Chuyến đi thực tế của đoàn tham quan gồm những sinh viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Huế đến Hà Nội trong 5 ngày. Lịch trình ngày đầu tiên chính là vào Lăng viếng Bác. Chúng tôi đã chọn cho mình những bộ áo dài đẹp nhất, trang nghiêm nhất. 5h sáng, chúng tôi đã cùng nhau xếp hàng dài trước quảng trường. Dòng người cứ ngày một dài thêm. Hà Nội những năm 2000 chưa tấp nập như bây giờ. Nhưng không khí trước Lăng Bác thì vẫn vậy. Những đoàn người khắp mọi tỉnh thành về đây vẫn đông như thế. Bao thế hệ qua đi, tình cảm của mọi người dành cho thủ đô vẫn không thay đổi. Những cảm xúc vỡ òa khi chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước Người. Những giọt nước mắt của mọi người rơi trong tiếng khóc. Cảm xúc ấy đã theo tôi 23 năm! Chúng tôi đã cùng nhau nghiêm trang, kính cẩn để cùng chụp lại một bức hình kỉ niệm trước lăng Bác.

2.jpg
Ảnh chụp tác giả bài viết năm 2000 trước Lăng Bác

Ngày 9.12.2000

Chúng tôi háo hức lên xe. Lần đầu tiên đến Hà Nội, những sinh viên như tôi đã ao ước thời gian một ngày như dài hơn để có thể khám phá hết nơi đây. Biết bao di tích lịch sử, biết bao sự hấp dẫn của văn hóa ẩm thực mà chúng tôi đã học qua những trang văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Nhưng nhất định phải ghé thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đoàn chúng tôi gần 200 sinh viên. Tôi nhớ lúc này du khách vẫn còn được sờ tay lên đầu rùa ở Bia Tiến Sĩ. Nhưng 23 năm sau thì mọi người chỉ được nhìn bởi nếu ai cũng cố một lần xoa lên đầu rùa, theo thời gian sẽ bào mòn di tích. Đây là việc làm thiết thực, đúng đắn để gìn giữ giá trị lịch sử của các di tích cho thế hệ tương lai. Chúng tôi thăm di tích này lâu nhất. Bạn nào cũng cố gắng ghi chép trong sổ tay thật nhiều tư liệu. Chỉ có vài ba máy chụp hình. Điện thoại ghi hình, ghi âm lúc này không có. Những lời của chị hướng dẫn viên được đoàn chúng tôi chăm chú nghe và ghi lại. Cuốn sổ tay chi chít những con chữ. Con chữ càng nhiều, chúng tôi càng hiểu thêm về giá trị của di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Kết thúc buổi thăm là lúc mặt trời đã gần đứng bóng. Bạn nào cũng ráng có một tấm ảnh kỉ niệm. Và tôi vẫn giữ tấm ảnh này trong cuốn album về hành trình ghé thủ đô Hà Nội những năm 2000.

Ngày 13.6.2023

Có thêm một nơi tôi quyết định sẽ đưa các con tới khi đến Hà Nội. Con gái lớn của tôi đã ao ước cách đây mấy năm. Nhưng vì dịch covid mà kế hoạch đã đẩy lùi. Đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là điểm đến không chỉ hấp dẫn với du khách trong nước mà còn với du khách nước ngoài. Các con tôi trầm trồ nói: “ Mẹ ơi, hình ảnh của Cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Bia Tiến sĩ, Khu Đại Thành, Khu Thái Học đều giống như con đã học trong Sách giáo khoa”. Đúng như vậy, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thủ đô Hà Nội vẫn gìn giữ di tích. Nơi đây là biểu tượng cho tinh thần học vấn của bao thế hệ dân tộc ta. Hôm nay chúng tôi ghé thăm để thấy lòng tự hào dân tộc đang chảy trong mình, Không những thế hệ như tôi mà để thế hệ như các con tôi tận mắt nhìn, đọc và cảm nhận không gian lịch sử về các chặng đường mà ông cha đã làm nên. Những cây hoa sứ đủ màu sắc thơm ngát giữa ngày hè khiến lòng người vào đây càng chìm đắm trong sự tĩnh lặng, nghiêm trang. Tôi nhất định phải chụp một tấm hình nơi đây!

3.jpg
Ảnh chụp tác giả bài viết ngày 13.6.2023 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Ngày….tháng …. năm….

Hiện tại và kí ức trong mỗi người là dấu ấn không thể xóa nhòa theo thời gian. Có những miền kí ức khiến ta luôn trăn trở, ao ước được trở lại. Với tôi, miền kí ức về Hà Nội là một thanh âm mà tôi khao khát nghe lại. Khao khát, day dứt ấy theo tôi trên con đường lập nghiệp. Cũng sẽ có nhiều người như tôi. Nhưng cuộc sống bộn bề với bao lo toan khiến con người đôi khi phải gác lại kí ức đẹp của mình. Và cũng như tôi, khi cuộc sống đã an yên thì chúng ta sẽ quay lại những thước phim của kí ức bằng những chuyến đi. Hà Nội đã níu giữ kí ức tâm hồn tôi để gia đình tôi có một hành trình. Dù chỉ một lần ghé thăm nhưng 23 năm sau, Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong tôi. Nhìn những bức ảnh tôi lưu giữ theo thời gian và những bức ảnh tôi vừa chụp ở hiện tại, tôi nhận ra rằng, con người có thể thay đổi diện mạo nhưng tình yêu dành cho thủ đô của đất nước vẫn vẹn nguyên như giá trị ngàn đời của vẻ đẹp văn hóa nơi đây.

Cùng gia đình dạo bước quanh Hồ Gươm, thưởng thức hương vị những món ăn của 23 năm về trước, tìm về những góc phố mình đã đi qua. Sáng ban mai thức dậy đứng trước nhà hát lớn Hà Nội mà thấy lòng rưng rưng.

Về Hà Nội đi em

chúng ta cùng nhau bước

Giữa những người tuy lạ mà quen

Em có về Hà Nội cùng ta

nghe khúc vọng không tên

Những thanh âm thăng trầm của ngàn năm lịch sử

Bao nhiêu thời gian Hà Nội vẫn sáng bừng như lửa

Dâng cho đời nhiều khúc hát...du dương

(Trích thơ: Về Hà Nội nhé em - Đặng Thị Thúy)

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đặng Thị Lệ Tình. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Lê Thị Lệ Tình