Nhiếp ảnh

Giám khảo và thẩm định ảnh: Cần người “cầm trịch” xứng tầm

Tịnh An 03/08/2024 15:45

Nhiều năm trở lại đây, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ở trong nước và ngoài nước liên tục được tổ chức đã tạo cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh cơ hội được thể hiện và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, từ chính những hoạt động này công tác thẩm định nhiếp ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi cần có sự thay đổi.

Lối mòn và những tranh cãi

Giám khảo nhiếp ảnh ở Việt Nam đa phần là những nghệ sĩ được trưởng thành trong quá trình sáng tác và hoạt động nhiếp ảnh. Họ là những người có nhiều thành tích trong sáng tác, trong lý luận phê bình, có kinh nghiệm và từng trải trong công tác thẩm định ảnh, biết nhìn nhận đọc ảnh, phân tích ảnh, có người được đào tạo cơ bản về nhiếp ảnh.

nha-dieu-khac-nguyen-thi-phuong-bao-ton-gia-tri-di-san-van-hoa-tam-linh-hcd.jpg
Tác phẩm: “Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Phượng - Bảo tồn giá trị di sản văn hóa tâm linh”. Tác giả: Đào Kim Thanh

Theo NSNA Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, vì không được đào tạo (mà cũng không có trường lớp đào tạo) mà chủ yếu là làm “mùa vụ” nên chúng ta chưa có đội ngũ giám khảo nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không ít nghệ sĩ tham gia công tác thẩm định ảnh vẫn duy trì quan điểm cũ, ít cập nhật thông tin, thiếu tương tác nhóm, thậm chí không nắm bắt được công nghệ mới, thiết bị mới, phương pháp kỹ thuật tạo hình nghệ thuật mới; thiếu cơ sở lý luận phê bình nhiếp ảnh, nên bị hạn chế trong phân tích ảnh nghệ thuật. Bên cạnh đó, không loại trừ còn có giám khảo bảo vệ ảnh vào giải, vào triển lãm chưa tốt do nhận thức theo cảm xúc riêng mình, hiểu biết hạn chế, hoặc do thiên vị ảnh của bạn bè, người nhà, học trò…

Cũng bởi thế những tranh cãi về kết quả chấm chọn giải vẫn là chuyện không mới ở một số địa phương, thậm chí trong liên hoan khu vực, hay cuộc thi tầm cỡ quốc gia. “Năm 2016, Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội, Huy chương Vàng khu vực miền núi phía Bắc đều bị thu hồi giải thưởng vì tác phẩm đoạt giải chắp ghép. Năm 2019, ảnh đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội bị dư luận phản ứng gay gắt vì tác phẩm không đại diện cho “Vẻ đẹp người Hà Nội”, chưa thể hiện được chủ đề của cuộc thi” - NSNA Lê Thị Hải Yến, Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam dẫn chứng.
Cũng liên quan đến những hạn chế của công tác thẩm định ảnh, NSNA Phùng Quốc Thắng đưa ra những ví dụ cho thấy sự chưa thấu đáo trong việc chấm chọn ảnh của ban giám khảo. Chẳng hạn, trong Liên hoan ảnh Khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XXI (2022), Huy chương Vàng trao cho tác phẩm “May áo mới” chụp khoảnh khắc hai mẹ con người dân tộc Mông nhưng trang phục không phải là trang phục truyền thống của dân tộc Mông; Giải Khuyến khích trao cho tác phẩm “Em bé dân tộc Tày” chụp chân dung em bé dân tộc Tày nhưng lại trang điểm bằng vành tóc giả và vòng bạc giả. Đây là những ví dụ cho thấy người chụp không thông hiểu văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương, tuy nhiên đáng tiếc là tác phẩm vẫn được lựa chọn để trao giải.

anh-1a.jpg
Thưởng lãm tác phẩm nhiếp ảnh chủ đề “Hà Nội miền di sản” tại Phố sách Hà Nội.

Quan sát các cuộc thi nhiếp ảnh thời gian gần đây, nhà LLPB nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa - Ủy viên Ban LLPB Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhận định: “Có thể thấy không ít những bức ảnh còn mắc khiếm khuyết lẫn trong bộ giải. Những lỗi hữu hình và cả vô hình đáng tiếc lại cứ trùng lặp. Ấy là khi một ban giám khảo vùng X. chấm thiên về những sản phẩm của flycam, thì giám khảo các vùng khác cũng liền chọn những góc nhìn của flycam làm chủ đạo. Tương tự là ảnh bộ, ảnh ý tưởng, thậm chí là ảnh với bóng đổ, rồi ảnh có cờ Tổ quốc… Nó khiến người thưởng thức ảnh chỉ cần xem một cuộc liên hoan, là biết những cuộc liên hoan khác người ta sẽ bày ra “món” gì?”.

Những năm gần đây, phương pháp chấm ảnh trực tuyến đang được cổ súy và áp dụng đại trà đã bắt đầu bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục... Mặc dù đã có một số lớp tập huấn về công tác thẩm định ảnh do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, tuy nhiên những hạn chế, tồn tại trong công tác thẩm định ảnh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Và thực tế đội ngũ này vẫn đang loay hoay tìm giải pháp định hình và phát triển.

Cần có sự công tâm

Công tác giám khảo có vai trò quan trọng đối với sự định hướng và phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam, tác động nhất định đến phong trào sáng tác và chất lượng tác phẩm nhiếp ảnh. Bởi lẽ sau mỗi cuộc thi ảnh, tác phẩm đoạt được giải thưởng cao có thể là hình mẫu cho những người mới vào nghề tham khảo. Thẩm định tác phẩm lệch lạc sẽ có tác động xấu đến phong trào sáng tác.

Để nâng cao chất lượng giám khảo trong tình hình mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của hội viên và sư phát triển của nhiếp ảnh, sự kỳ vọng của xã hội, nhiều người trong giới nghề cho rằng, giám khảo cần phải có vốn sống, vốn văn hóa, bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp và không thể thiếu được là sự công tâm.

“Bản thân mỗi thành viên giám khảo phải tự đổi mới mình bằng cách học hỏi nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin, trải nghiệm sáng tác thường xuyên để có đủ thông tin, lý luận và kiến thức phản biện sao cho đánh giá tác phẩm ảnh chuẩn mực, đúng hướng; nâng cao trách nhiệm và phải hết sức công tâm, khách quan”, NSNA Hồ Sỹ Minh nêu quan điểm.

Để nhiếp ảnh tránh những “lối mòn” trong sáng tác không chỉ đòi hỏi sự thay đổi của cá nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh mà còn cần sự chung tay của của cả những thành viên ban giám khảo. Theo NSNA Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đánh giá của Hội đồng giám khảo cũng chính là định hướng cho việc sáng tác do vậy công tác thẩm định ảnh cần hết sức thận trọng.

“Việc chấm ảnh cần hết sức công tâm, khách quan, tránh thiên vị, có thế mới có thể chọn ra được những tác phẩm tốt. Giám khảo cũng phải đủ trình độ lý luận để có thể đối thọai với tác giả, phân tích thấu đáo vì sao ảnh này cho giải cao, ảnh kia giải thấp. Do vậy, những cuộc chấm thi cũng chính là dịp để những người làm công tác thẩm định ảnh nâng cao kiến thức của mình. Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nên xây dựng một đội ngũ những người làm công tác thẩm định ảnh, có người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm, bề dày sáng tác, nhưng cũng nên có cả người trẻ để chuẩn bị đội ngũ kế cận. Sau mỗi cuộc chấm thi cũng nên có những cuộc rút kinh nghiệm về công tác giám khảo”, NSNA Phạm Tiến Dũng đề xuất.
NSNA Việt Văn thì cho rằng nên lựa chọn các gương mặt mới vào Ban giám khảo nhưng tránh người trẻ quá chưa có kinh nghiệm, chưa đủ uy tín; tránh để tình trạng ngày càng nhiều “thợ chấm” sẽ khó có những cái nhìn tươi mới và khách quan.

“Giám khảo nhiếp ảnh nhất thiết phải giỏi chuyên môn, nắm vững ngôn ngữ nhiếp ảnh, và còn phải có hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi khi đưa một tác phẩm nhiếp ảnh ra trao giải, thì tác phẩm đó phải như một bài học cho lớp người trẻ và là thành quả đại diện của lớp người đương đại”, nhà nghiên cứu LLPB Vũ Kim Khoa lưu ý.

Về phía Ban tổ chức các cuộc thi nên lựa chọn ban giám khảo có đủ trình độ chuyên môn, có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm được chấm chọn cần thẩm định kỹ bằng các biện pháp nghiệp vụ, tránh xảy ra những điều tiếng sau mỗi cuộc thi và triển lãm ảnh.

“Hội đồng nghệ thuật, người làm công tác thẩm định không thể xem nhẹ vai trò của mình. Giám khảo cần phải có vốn sống, vốn văn hóa, vốn ảnh, bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp. Chụp ảnh giỏi, tước hiệu cao, nhiều giải thưởng chưa hẳn đã là người thẩm định ảnh chuẩn mực nếu không trung thực và không am hiểu cuộc sống xã hội”, NSNA Trần Phong - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định./.

Tịnh An