Để tác phẩm điện ảnh ngày một hấp dẫn công chúng
Thế giới điện ảnh - Ngày đăng : 06:09, 19/09/2022
Trong thời kinh tế thị trường hiện nay, có thể nói sự thành bại của một bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào khán giả, và việc chọn lựa đề tài sáng tác sao cho đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của công chúng cũng là điều mà những người trong giới nghề luôn trăn trở. Vấn đề này đã được làm sáng tỏ phần nào qua tọa đàm “Đề tài và đối tượng khán giả hôm nay” do Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức ngày 30/8 vừa qua.
Phim Việt - vẫn chưa hút khán giả
Đây cũng là thực trạng dễ thấy của điện ảnh Việt Nam thời gian qua. Dẫu rằng khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng phát hành phim hằng năm luôn tăng, thể loại phim phong phú đa dạng đề cập đến nhiều khía cạnh của xã hội đương đại cũng như những vấn đề thời sự nóng bỏng..., tuy nhiên phim Việt vẫn chưa thực sự thu hút, hấp dẫn công chúng. Một số nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên đầu tư vào phim có chất lượng kém (chủ yếu là các phim hài nhảm, phim kinh dị nửa vời và phim về giới tính thứ ba). Cũng bởi thế mà một số nhà chuyên môn cho rằng phim Việt đang trở lại thời kỳ “mỳ ăn liền” của những năm 90 của thế kỷ XX.
Theo ông Nguyễn Văn Hướng - Công ty CP phim Thiên Ngân, nhiều nhà sản xuất chấp nhận mạo hiểm, thử thách khi đầu tư vào những thế loại phim “độc, lạ” để thị trường phim Việt đa dạng hơn, thế nhưng đa số các phim này chưa thành công trong việc thu hút khán giả. Đơn cử như bộ phim “Song song” (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng), phim “Kiều” (đạo diễn Mai Thu Huyền), phim “Cậu Vàng” của Trần Vũ Thủy... Ngược lại có những bộ phim đi đúng đề tài nhưng phát hành không thắng lợi như mong muốn mà nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là do: kịch bản nhiều lỗ hổng, nội dung dàn trải, không có sự bất ngờ với khán giả, chất lượng phim trung bình và chiến dịch truyền thông yếu.
“Có một thực tế là điện ảnh Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn toàn quan tâm đúng mức đến vấn đề tâm lý khán giả khi thưởng thức, tiếp nhận tác phẩm. Điều này thể hiện qua một số thái cực: hoặc quá đề cao vai trò của người sáng tác mà không để ý đến cảm nhận của khán giả; hoặc chiều theo thị hiếu số đông một cách đơn giản, hời hợt”, Ths Hoàng Dạ Vũ, Phó Viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh khẳng định.
Cần đáp ứng thị hiếu khán giả và chú trọng phát hành, quảng bá phim
Lâu nay dư luận xã hội đã tốn nhiều giấy mực xung quanh những câu hỏi: Có phải khán giả ngày nay quay lưng với điện ảnh?, nếu có thì tại sao?, cần phải khắc phục như thế nào?... Có nhiều cách trả lời. Nhà thơ, nhà phê bình Cao Ngọc Thắng cho rằng nếu các nhà làm phim luôn tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu một cách tường tận khán giả của mình hiện nay, rằng họ đang cần gì ở nghệ thuật thứ bảy, thì sẽ có cơ hội đưa tác phẩm đến với người xem không khiên cưỡng. “Hiện nay, ở nhiều đề tài mà phim tài liệu tiếp cận thường chưa có những điểm nhấn để làm nổi bật chủ đề tư tưởng và nghệ thuật, điều mà khán giả hôm nay rất trông chờ ở người làm phim. Hay, phim truyện truyền hình gần đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, gây ấn tượng và yếu tố “mượn kịch bản nước ngoài” dần dần được khắc phục, tuy nhiên khán giả luôn mong đợi phim truyện truyền hình đậm phong vị Việt Nam hơn nữa, nhất là “hệ thống thoại” và tiết tấu của phim. Phim hoạt hình đã có nhiều dụng công áp dụng công nghệ hiện đại và sử dụng kỹ xảo tiên tiến, hấp dẫn lứa tuổi thiếu nhi; nếu xây dựng được phim cho cả người lớn, với cốt truyện và nghệ thuật có chiều sâu, thì sẽ thu hút khán giả nhiều hơn và khẳng định vị thế của hoạt hình cao hơn. Rốt cuộc, kịch bản - khâu quan trọng đầu tiên cho sự khởi động một bộ phim cần có sự kích hoạt cần thiết, kể cả hướng chọn đề tài cũng như ý tưởng triển khai các thủ pháp nghệ thuật”, nhà phê bình Cao Ngọc Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đã được gợi mở như: Cần tăng cường nhận thức về tâm lý khán giả cho thế hệ làm phim trẻ, để họ hiểu được cơ chế tiếp nhận của người xem, từ đó biết cách gây sự chú ý của khán giả bằng những thủ pháp đặc trưng của điện ảnh. Ngoài ra, cũng cần có những nghiên cứu, điều tra cụ thể về công chúng điện ảnh hôm nay, từ đó gợi ý cho nghệ thuật tiếp cận theo từng khối khán giả. Không cố chạy theo thị hiếu khán giả một cách dễ dãi, nhưng việc làm thỏa mãn thị hiếu chính đáng, nắm bắt nhu cầu, tâm lý khán giả khi tiếp nhận tác phẩm điện ảnh là điều mà các nhà làm phim cần quan tâm, chú trọng. Nhà biên kịch Minh Nguyệt cho rằng hiện nay, việc đánh giá phim mới chỉ dừng ở hội đồng nghệ thuật chức năng mà bỏ khuyết phần đánh giá của khán giả. Theo bà Nguyệt, nên chăng “cần có phiếu khảo sát sau mỗi bộ phim ra mắt, để qua đó biết được ưu, khuyết điểm của mỗi bộ phim; trên cơ sở đó biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất rút ra được bài học, làm tốt hơn cho những bộ phim sau”.
Trước thực trạng chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, đúng hướng cho khâu đầu ra -khán giả của điện ảnh, Ths Hoàng Dạ Vũ cho rằng cần chú trọng hơn nữa khâu phát hành, quảng bá phim bởi đó là yếu tố rất quan trọng thu hút sự quan tâm của khán giả và đưa họ đến rạp xem phim. “Đã có không ít trường hợp những bộ phim có chất lượng tốt nhưng lại chết yểu vì không có người xem sau vài ngày ra rạp chỉ vì khâu quảng bá, phát hành sơ sài hoặc gần như không có. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim đã thành công trong việc kéo khán giả đến rạp do làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và phát hành với chiến dịch PR bài bản ngay từ khi phim còn trong giai đoạn sản xuất. Việc tạo ra những trend, viral lan truyền mạnh trên mạng xã hội hay đơn giản là hiệu ứng truyền miệng đã thu hút một lượng khán giả không nhỏ và tạo doanh thu hàng tram tỉ cho nhiều phim như “Mắt biếc”, “Em chưa 18”, “Bố già”…”, Ths Hoàng Dạ Vũ dẫn chứng.
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú -Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ hơn 30 năm trước trong một cuốn sách in chung ông đã có bài viết “Người xem phim hôm nay”. So với trước đây, ông đánh giá, đối tượng xem phim hiện nay đã hoàn toàn khác, khán giả trẻ đến rạp chiếm đến 65 đến 80%. Vậy làm sao phải thu hút đối tượng này vào rạp ngay cả với những phim làm nhiệm vụ chính trị đó cũng là điều không điều đơn giản. “Thêm nữa, trong thời đại 4.0, thì chỉ một cú nhấp chuột là công chúng có thể xem tất cả các thể loại phim, tất cả mọi đề tài phim ở tất cả mọi nơi. Chọn đề tài nào để điện ảnh có thể gõ cửa từng nhà trong không gian mạng đó cũng chính là thách thức đối với các nhà làm phim”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lưu ý.