Tác giả - tác phẩm

Tổ khúc quê hương

Hồ Huy 07:11 29/07/2024

Bạn đang cầm trên tay cuốn sách mà tác giả của nó đã cầm được tiếng sáo trong veo ấy. Cuốn tuyển tập tản văn “Chân trần cứ vậy mà quê” đã như một tổ khúc quê hương gieo vào lòng người ái mộ tản văn những giai điệu đẹp của một tâm hồn. Tâm hồn ấy là Mộc Nhiên.

Có lẽ giờ đây người ta không còn gọi tản văn, coi tản văn là một món ăn nhanh trong bữa tiệc văn chương nữa. Vì nếu quả thật nếu có những món ăn nhanh thì tản văn lại phải là một món ăn thật chậm. Bởi tản văn không những kén người viết mà nó còn kén người đọc, nó đòi hỏi những sự giao thoa mỏng manh nhất cho những chiều đi, chiều đến, nườm nượp tâm hồn.

Mộc Nhiên đến với tản văn như một duyên nợ, một cái duyên mà ngẫu nhiên nó phải phải thế, vì tất cả những gì mà chúng ta thấy trong những dòng văn mộc mạc kia chẳng có điều gì xa lạ.

Một chiếc sân gạch, một chiếc đèn quê, một giàn bầu, một chiếc vó cất tôm... cũng đủ làm chao đảo những nhịp tim con người... Và tất cả bỗng dưng lung linh thứ ánh sáng của một miền nhớ, yêu thương và đầy đủ yêu thương.

6568f523-51b3-4412-bd2b-19ae34c26ecb.jpeg

Bạn sẽ thấy rất dễ để có thể nhận ra đâu là Mộc Nhiên, nhưng bạn cũng sẽ rất khó và lý giải tại sao đó lại là Mộc Nhiên mà không phải là một tác giả nào khác. Bời văn chương của Mộc Nhiên, ngôn ngữ của Mộc Nhiên như được bật ra từ những hơi thở rất tự nhiên của cuộc sống, có một chút phóng túng trong cách viết, nhưng sự phóng túng ấy lại phải bắt đầu từ những hồn nhiên rất đỗi đời thường. Chính vì vậy mà có lẽ rất ít người nhận ra được những dụng công nghệ thuật trong tản văn của Mộc Nhiên. Hay nói cách khác nghệ thuật trong tản văn của Mộc Nhiên được gọi tên từ những điều đơn sơ, ngôn ngữ được chắt lọc bởi tâm hồn chứ không phải ngôn ngữ được chắt lọc bằng ngôn ngữ.

Có cảm giác tôi thấy Mộc Nhiên đang lặn lội để trẻ hóa tản văn, thơ ngây hóa tản văn, tinh khiết hóa tản văn, dùng trái tim, dùng hơi thở, dùng sự đồng điệu giữa con người mình với thiên nhiên, với quê hương, với tình thân để tuôn chảy những áng văn trữ tình. Trữ tình như “Mùi khói của lá khô”, trữ tình như “Giàn bầu hạnh phúc”, thậm chí trữ tình ngay trong một câu hỏi “Có gì nơi túi áo của mẹ”.

Giữa một thời buổi mà nhiều khi người ta phải lên gân để viết ra một cái gì đó, giữa một thời buổi mà hàng trăm thứ giả tạo lên ngôi, chắc gì không có văn chương? Và những thành thật có cả nét quê mùa kia chẳng phải là những tổ khúc quê hương đang rạo rực thôi thúc lòng người ca hát?

Tôi đã từng tan chảy vào tổ khúc quê hương ấy của Mộc Nhiên khi đọc “Giàn bầu hạnh phúc” (tản văn đoạt giải nhất trong một cuộc thi viết của nhóm Tản Văn Hay) và “Có gì nơi túi áo của mẹ”(một tản văn khiến nhiều trái tim thổn thức).

Văn chương không phải là chuyện của một ngày hai ngày và tản văn cũng chẳng là ngoại lệ. Mỗi người viết sẽ có một lối đi riêng, một con đường riêng. Nhưng quan trọng là trên mỗi con đường ấy người ta nhận ra đó là bước chân của ai...

Tôi luôn có cảm giác Mộc Nhiên vẫn đang mải mê đi vào đêm trăng sáng của mình, đuổi theo tiếng sáo diều kia mà trong veo mãi. Và tổ khúc quê hương có thể sẽ làm nên một tên tuổi Mộc Nhiên ở một ngày không xa./.

Hồ Huy