Chuyển động Hà Nội

Robot “Thần tốc” chuẩn bị đào hầm tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Văn Thiện 11:20 27/07/2024

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ được nhà thầu vận hành robot đào hầm từ Ga S9-Kim Mã đến Ga Hà Nội vào ngày 30/7 tới đây.

o4skouif.png
Robot TBM số 1 "Thần tốc" đã sẵn sàng khởi động khoan hầm Metro Line 3 Hà Nội vào ngày 30/7/2024

Hai máy đào hầm TBM tại Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn-Ga Hà Nội (Metro Nhổn-Ga Hà Nội) do Công ty cổ phần FECON - nhà thầu phụ trách vận hành robot đào hầm sẽ chính thức khởi động để khoan những mét hầm đầu tiên vào ngày 30/7.

Theo kế hoạch, FECON sẽ điều khiển máy TBM số 1 có tên “Thần tốc” bắt đầu khoan từ Ga S9 – Kim Mã tại độ sâu gần 18 m. Sau một thời gian vận hành TBM số 1, TBM số 2 có tên “Táo bạo” sẽ bắt đầu quá trình khoan hầm. Mỗi ngày, robot TBM sẽ khoan được khoảng 10 m, khoan đến đâu lắp vỏ hầm đến đấy.

Các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 – Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.

Được biết, đây là hai máy đào hầm metro đầu tiên của TP Hà Nội. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn. Khiên đào có đường kính 6,55m, nặng 63,3 tấn, gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.

Dòng máy này cân bằng áp lực rất phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội vốn có nhiều loại đất hỗn hợp và tuyến hầm chủ yếu đi trong lớp địa chất đất sét pha, phức tạp hơn so với đất sét bùn như dự án metro Bến Thành – Suối Tiên tại TPHCM. Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội cũng thi công đoạn đi ngầm với chiều dài lớn hơn nhiều so với tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Đại diện MRB cho biết việc thi công khoan hầm sẽ được tiến hành với sự cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các công trình hiện hữu dọc lộ trình máy khoan đi qua.

Máy khoan ngầm sẽ hoạt động theo nguyên lý khoan đến đâu, ốp tấm bê tông vỏ hầm đến đấy. Cứ 6 tấm bê tông ghép lại thành 1 vòng tròn đủ.

Các tấm vỏ hầm bằng bê tông được đúc tại một nhà máy ở Hà Nam và vận chuyển về công trường ga S9 bằng đội xe đầu kéo 16 chiếc (quãng đường dự kiến 71km). Thời gian vận chuyển vào ban đêm từ 21h đến 6h hôm sau với tần suất vận chuyển tối đa là 16 xe/đêm.

Đội ngũ nhân sự trực tiếp vận hành TBM gồm hơn 150 người. Trong đó những công tác chính như vận hành máy TBM, vận hành cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt…, đơn vị thi công bố trí nhân sự dày dạn kinh nghiệm là người nước ngoài phối hợp cùng các kỹ sư có kinh nghiệm từ dự án Metro Line 1 TPHCM trực tiếp thực hiện.

Đặc biệt, các công tác vận hành, bảo dưỡng các hệ thống phụ trợ của TBM đều được thực hiện bởi những nhân sự người Việt, những người đã rất am hiểu về thiết bị và máy TBM trong suốt giai đoạn vừa qua. Máy móc, thiết bị phụ trợ, nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình thi công đều được nhập khẩu từ các nước châu Âu./.

Văn Thiện