Văn hóa - Xã hội

Chương trình “Khúc quân hành” 2024: Thấm đượm niềm tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng cách mạng

Hoa Quỳnh - Đình Thế - Hải Truyền 07:11 27/07/2024

Ngày đầu tiên (19/7) của Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 do Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Người Hà Nội phối hợp tổ chức nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, đoàn đã đến dâng hương, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Vũng Chùa – Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình), Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị).

Kế thừa và tiếp nối thành công của 7 lần trước, năm 2024, Chương trình “Khúc Quân hành” mang chủ đề “Âm vang Trường Sơn”, diễn ra từ ngày 19 – 21/7 tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, cho biết, đây là chương trình nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

khuc-quan-hanh-12-.jpg
Đại diện Ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 trong phút mặc niệm trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
khuc-quan-hanh-10-.jpg
Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội thắp nén hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu mộ Đại tướng ở Đảo Yến - Vũng Chùa, tỉnh Quảng Bình.

Xuất phát từ Thủ đô Hà Nội khi phố phường vẫn “ngủ say”, thành viên đoàn của “Khúc Quân hành” năm 2024 là các lãnh đạo, Hội viên cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội; cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Người Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đồng hành đã di chuyển tới khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình). Trong cái nắng trưa của miền Trung bỏng rát, vậy nhưng dòng người trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn nối đuôi nhau đến viếng “người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng” trong niềm tự hào, biết ơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

u36a1093.jpg
Thành viên đoàn di chuyển lên khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp dâng hoa, dâng hương.
khuc-quan-hanh-13-.jpg
Các cựu chiến binh, cán bộ phóng viên, biên tập viên, các đơn vị đồng hành trong chương trình Khúc Quân hành thắp hương trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thay mặt Ban Tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Văn phòng Quốc hội, trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ những cống hiến lớn lao của Đại tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 để đất nước có được như ngày hôm nay. “Chúng tôi xin nguyện đoàn kết làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, phấn đấu công tác, nâng cao phẩm chất cách mạng của thế hệ cha anh để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng Liệt sỹ nói chung, với những đóng góp to lớn của Đại tướng nói riêng cho đất nước”.

khuc-quan-hanh-17-.jpg
Ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.
khuc-quan-hanh-18-.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Mười và nhà báo Vương Minh Huệ thay mặt Ban tổ chức chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VIII thỉnh hồi chuông tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.

Rời khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thành viên đoàn Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 đã đến dâng hương, thắp hương tri ân cho các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi yên nghỉ của gần 11.000 Anh hùng liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất nước Lào anh em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

khuc-quan-hanh-20-(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Mười thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ trước tượng đài Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.

“Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nơi chiến tranh đã đi qua nhưng mỗi khi đến đây chúng ta đều không khỏi bồi hồi, nghẹn ngào bởi những tấm bia mộ còn chưa xác định được tên tuổi, quê quán của các anh hùng liệt sỹ. Chúng tôi rất đỗi tự hào về thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để đất nước có được ngày độc lập, đến nay không ngừng phát triển mạnh mẽ”, Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội Vương Minh Huệ, chia sẻ.

khuc-quan-hanh-22-.jpg
khuc-quan-hanh-24-.jpg
khuc-quan-hanh-23-.jpg
khuc-quan-hanh-25-.jpg
khuc-quan-hanh-29-.jpg
khuc-quan-hanh-28-.jpg
khuc-quan-hanh-27-.jpg
Các thành viên trong đoàn thắp hương tri ân các anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.

Tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, đồng chí Nguyễn Văn Mười và nhà báo Vương Minh Huệ thay mặt Ban tổ chức chương trình “Khúc Quân hành” lần thứ VIII thỉnh hồi chuông trước khi kính cẩn đặt vòng hoa, dâng hương tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Điểm dừng chân trong ngày đầu tiên của chương trình “Khúc Quân hành” lần thứ VIII, toàn đoàn đã đến Thành cổ Quảng Trị dâng hương, dâng hoa, thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

khuc-quan-hanh-2-.jpg
Ban tổ chức chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VIII tại Thành cổ Quảng trị.
khuc-quan-hanh-3-.jpg
Các thành viên đoàn di chuyển lên Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập dân tộc và nhất là trong 81 ngày đêm lịch sử (28/6 đến 16/9/1972).

Hơn 50 năm trước, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Bằng tính kỷ luật tuyệt vời của người lính, ý chí ngoan cường và sự hy sinh vô bờ bến, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân tỉnh Quảng Trị nói riêng, đã kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử đầy hy sinh mà mãi mãi bất tử và “mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

khuc-quan-hanh-4-.jpg
khuc-quan-hanh-5-.jpg
khuc-quan-hanh-6-.jpg
Thắp hương tri ân trên kỳ đài của Thành cổ Quảng Trị.
khuc-quan-hanh-7-.jpg
Thành viên đoàn xúc động nghẹn ngào trước những câu chuyện lịch sử về sự anh dũng, quật cường của các thế hệ cha anh trong "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đến với 3 địa danh kể trên, thành viên đoàn tham gia chương trình “Khúc Quân hành” lần thứ VIII đều rất xúc động và tự hào. Từ đó đã giúp tất cả thấm nhuần sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam./.

Ngày 20 - 21/7 tại tỉnh Quảng Trị, chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VIII do Tạp chí Người Hà Nội và Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn nhằm nêu cao truyền thống tốt đẹp Đền ơn đáp nghĩa: Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trao hơn 200 suất quà tới các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, trao sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng) cho 4 Mẹ Việt Nam anh hùng...

Hoa Quỳnh - Đình Thế - Hải Truyền