Văn hóa – Di sản

Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc

Giang Nguyên Bồi 12:32 18/07/2024

Múa bồng đã xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều lễ hội và mỗi nơi múa bồng lại có dáng vẻ riêng. Tuy nhiên đến nay chỉ duy nhất ở làng Triều Khúc điệu múa này còn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.

b399f601b9ef66f25e78a42979f0d62a.jpg
Điều làm nên sự đặc biệt của điệu múa bồng đó là hình ảnh các chàng trai trong trang phục nữ giới với áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ và nhảy điệu múa truyền thống của làng.

Làng Triều Khúc có tên cổ là Trang Khúc Giang, tên Nôm là Đơ đồng, sau có nghề dệt thao gọi là Đơ Thao. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, làng Triều Khúc xưa là xã Triều Khúc thuộc Tổng thượng Thanh Oai, phủ Ứng Hòa (trước là phủ Ứng Thiên), trấn Sơn Nam Thượng. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ tháng 6 năm 1961, làng nhập với làng Yên Xá thành xã Tân Triều.

Qua các hiện vật được khai quật ở di chỉ gò Cây táo và giếng Liên, các nhà khảo cổ học nhận định từ thuở Hùng Vương dựng nước trên đất làng Triều Khúc đã có người Việt cổ sinh sống.

z4963889962769_ef650dda466c54d97ea7fa1e219769e6.jpg

Triều Khúc sát đường lai kinh, con đường huyết mạch nối trấn Sơn Nam Thượng với kinh thành, còn có vị trí đặc biệt hiểm yếu vì phía Bắc có sông Tô Lịch thuận tiện cho việc bố phòng. Vì vậy từ thế kỷ thứ VIII, vị thủ lĩnh nghĩa quân ở Đường Lâm là Phùng Hưng đã đến làng Triều Khúc chọn làm nơi đặt Đại bản doanh để thao lược, chiêu quân mộ sĩ chuẩn bị lên đường tiến đánh quân xâm lược phương Bắc nhà Đường. Để khích lệ ba quân tướng sĩ và cũng là nhu cầu giải trí cho nghĩa quân trước khi ra trận, ngài đã cho binh sĩ giả trai làm gái và đeo bồng để múa. Điệu múa bồng ra đời từ đó. Trải qua hơn 13 thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, điệu múa bồng vẫn được dân làng gìn giữ, lưu truyền và trở thành điệu múa cổ nổi tiếng của Thăng Long Hà Nội mang đậm nét dân gian và này sau được diễn tấu trong lễ hội của làng. Điệu múa này cũng có quãng thời gian bị gián đoạn bởi chiến tranh, lễ hội không được tổ chức. Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất điệu múa này đã được khôi phục, nhờ sự nỗ lực nhiệt tình và đam mê của giữ lửa như Văn Lục, Triệu Đình Vạn, Cao Xuân Năm, Triệu Đình Hồng...

Điệu múa bồng làng Triều Khúc hay và độc đáo ở chỗ các vũ công tham gia phải là con trai đóng giả con gái. Họ thực hiện vũ điệu với nỗ lực thể hiện rõ nét lẳng lơ, lúng liếng, uyển chuyển của người con gái, lại phải toát ra được phong thái nam nhi cùng tinh thần thượng võ qua các động tác của vũ điệu yêu cầu. Bởi vậy mới có câu “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”, dân gian thường gọi là điệu múa con đĩ đánh bồng.

Tục danh mà dân gian đặt cho điệu múa là “con đĩ đánh bồng”, dù nhắc đến ở bất kể thời gian nào, người nghe vẫn có thể cảm nhận được sự ưu ái, nôm na, gần gũi với thế tục bởi giọng điệu dí dỏm chất phát từ người quê, và truyền tải hàm nghĩa vui vẻ ngợi khen chứ không phải tục tĩu, hoặc khinh khi miệt thị.

Thứ nữa theo lệ tuyển vào đội múa bồng còn truyền đến ngày nay, vũ công tham gia phải là thanh niên chưa vợ, chính gốc người làng Triều Khúc, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, học hành giỏi giang, con nhà gia giáo, có khổ người dong dỏng cao, và chiều cao bằng nhau để hóa trang thành các cô thôn nữ.

Đội múa gồm 4 thanh niên mặc quần áo ta trắng, đi tất trắng, hai vạt lụa đen tượng trưng cho váy lĩnh, được thắt ra ngoài bằng một chiếc bao tượng màu hổ thùy. Đầu vấn khăn lượt chít khăn mỏ phượng màu đỏ, má phấn môi son, đeo yếm cổ sây cách điệu hình lá sen gắn kim sa kim tuyến.Trước bụng đeo chiếc trống bồng sơn đỏ có dây buộc chặt ra sau lưng, trống bồng dài khoảng 50cm, đường kính chừng 15cm. Vai và hông choàng dải tua ngũ sắc, vắt chéo từ cổ xuống là dải lụa màu thiên thanh sang hai bên thắt lưng.
Những dải tua ngũ sắc: Đen, đỏ, xanh, trắng, vàng tượng trưng cho ngũ hành, mang 6 yếu tố bao hàm cả vũ trụ. Đầu là bầu trời, mắt là mặt trời, lưng là mặt trăng, cánh là gió, chân là đất và đuôi là các hành tinh. Sự kết hợp màu này dựa trên quy luật truyền thống rực rỡ nhưng không lòe loẹt. Khi múa những giải ngũ sắc tung bay tạo thành đường nét bay bướm, khiến cho điệu múa càng thêm sinh động và huyền ảo.

Khi trình diễn chỉ có 2 người được múa, 4 người thành hai cặp thay phiên nhau, múa trong đội hình trống gồm 6 người đứng xung quanh, theo quan niệm người xưa đó là hình tượng trời đất (trời tròn - đất vuông). Đến cao trào của buổi lễ thì cả 4 người mới vào cùng để múa, để tạo bầu không khí vừa rộn ràng, vừa náo nhiệt, vừa linh thiêng thần bí. Tuy nhiên hiện nay số người thực hành nghi lễ khi rước kiệu Thánh đã nhiều hơn, và để tăng thêm sự hoạt náo thì số lượng cặp múa có thể từ 3 - 6 cặp, có khi đến 10 cặp cùng vào múa.

Nhạc công đệm cho vũ điệu này gồm 6 người, 1 người đánh thanh la nhỏ bằng đồng, 1 người đánh trống khẩu có cán cầm tay, 4 người đánh trống bản đeo trước bụng có dây quàng cổ. Người đánh thanh la gọi là người cầm trịch của đội múa, múa nhanh hay chậm đều do người đánh thanh la. Người đánh thanh la tay trái lồng ngón trỏ vào dây buộc thanh la và giơ ngang trước ngực, tay phải cầm dùi gỗ nhỏ để đánh mạnh theo nhịp vào mặt tròn của thanh la. Với tiết tấu nhanh theo nhịp 1/4, toàn dùng phách mạnh, vừa dồn dập vừa thôi thúc tưng bừng rộn ràng.

Điệu múa lúc uyển chuyển, lúc dũng mãnh lại pha chút lả lơi, qua ánh mắt lúng liếng nhập thần và nụ cười luôn đỏ trên môi của các vũ công. Bước múa nhịp nhàng, vòng tay khoáng đạt, những bước chân nhún thẳng người kết hợp với cổ tay, ngón tay tạo thành vòng tròn hướng tâm. Cánh tay giật mạnh tạo thành những mô típ múa khỏe khoắn, khoái hoạt và độc đáo.

Chính điệu múa bồng đã làm nên ấn tượng cho lễ hội đầu xuân của làng Triều Khúc, mà chắc chắn du khách nếu đã được thưởng thức một lần sẽ khó có thể quên. Với tiết tấu dồn dập sôi nổi, điệu múa bồng đã làm cho lễ hội vui tươi đầy xúc động. Từng cặp nhảy múa lả lướt, duyên dáng theo nhịp tiếng thanh la, trống khẩu và trống bản. Mặt lúc nào cũng tươi cười mắt liếc đưa tình, tay nhịp nhàng đánh trống bồng trước bụng. Động tác dựa lưng và giáp mặt vào nhau, e thẹn yểu điệu đầy hạnh phúc làm say đắm lòng người. Các vũ công mặc trang phục và múa, tượng trưng cho chim phượng hoàng bay nhảy, là biểu tượng của vũ trụ đang vận hành.

Điệu múa bồng giờ đây không chỉ còn bó hẹp trong lễ hội của làng, mà còn được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Không chỉ người dân Triều Khúc tự hào về truyền thống văn hóa nói chung, và điệu múa bồng nói riêng, mà ngay cả những nhà nghiên cứu văn hóa cũng đánh giá cao giá trị nghệ thuật và giá trị tinh thần của điệu múa này, điệu múa “con đĩ đánh bồng”./.

Giang Nguyên Bồi