Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: Hà Nội vẹn nguyên kho tàng văn hóa đồ sộ, nghệ thuật sáng tạo

Quỳnh Chi 16/07/2024 14:20

Đây là đánh giá của ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trong dịp Hà Nội kỷ niệm 25 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình.

Ngày 16/7/1999, tại La Paz (thủ đô của Bolivia), Hà Nội vinh dự được UNESCO trao danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Cùng với Hà Nội, có 4 thành phố khác được vinh danh là: Zuk Mikael, Lebanon (khu vực Trung Đông - Arab); Timbuktu, Mali (châu Phi); Quito, Ecuador (châu Mỹ Latin và Caribbean); Delft của Hà Lan (châu Âu).

khue-van-cac.jpg
Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) lung linh về đêm. Đây cũng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, 25 năm qua, Hà Nội đã có sự chuyển mình về tất cả mọi mặt, kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội không ngừng phát triển và Hà Nội đang hiện thực hóa khát vọng trở thành Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

“Chúng ta vẫn thấy còn đó những giá trị của 25 năm về trước, đó là kho tàng văn hóa đồ sộ, những thực hành văn hóa, nghệ thuật sáng tạo được tiếp diễn liên tục qua các thế hệ, đó là tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể của người dân Thủ đô, và cả những gương mặt rạng rỡ, tươi sáng của công dân ngày nay” - ông Jonathan Wallace Baker đánh giá.

roi-can.jpg
Thực tế, riêng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, Hà Nội đã có những chính sách cụ thể nhằm gìn giữ, phát huy giá trị này. Với rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) đây là di sản phi vật thể có những nét tinh hoa "độc nhất vô nhị" được gìn giữ qua hàng trăm năm.
keo-mo-2.jpg
Nghi thức kéo mỏ của trai làng thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn). Trò chơi kéo mỏ tại thôn Xuân Lai cùng các nghi lễ và trò chơi kéo co tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh đã được vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
ca-tru.jpg
Ca trù đã gắn bó cùng đất và người Thăng Long - Hà Nội nhiều thế kỷ nay. Những ngày xuân, hội làng... tiếng phách, tiếng trống chầu, tiếng hát của ca nương vẫn ngân lên dập dìu.
mua-roi-1-(1).jpg
Múa rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) trải qua 300 năm tồn tại và phát triển, đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
hatdo2.jpg
Hát Dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) từng đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền nhưng nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành văn hóa, nỗ lực của nghệ nhân, hát Dô nay đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, lan tỏa và trao truyền cho thế hệ trẻ.
cheo-tau-1-.jpg
Chèo tàu Tân Hội (huyện Đan Phượng) là hình thức trình diễn hát chèo trên cạn cùng với tàu (thuyền). Đây là một nghi lễ diễn xướng dân gian không giống làn điệu nào khi chỉ có nữ hát.
tuong-co.jpg
Nghệ thuật tuồng cổ...
cheow.jpg
...đến những tích chèo cổ của Hà Nội vẫn hiện hữu, được nghệ sĩ chuyên và không chuyên bảo tồn.
trong-hoi.jpg
Tiếng trống hội trong hội xuân, hội làng vẫn vọng vang ở mọi miền quê của Thành phố Vì hòa bình - Hà Nội.
ai-lao-2.jpg
Hát múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được các vị cao niên ở địa phương trình diễn trong Hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm).
muong-quoc-oai2.jpg
Đồng bào dân tộc Mường (huyện Quốc Oai) rộn ràng trong điệu múa, tiếng cồng chiêng tại Lễ hội truyền thống của quê hương.
dao-quan-chet.jpg
Đồng bào dân tộc Dao quần chẹt (huyện Ba Vì) tấu lên khúc nhạc lúc nông nhàn hoặc biểu diễn phục vụ du lịch.
nhac-moi.jpg
Cùng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Qua đó, những loại hình nghệ thuật mới tại Thủ đô đã, đang phát triển không ngừng...
ket.jpg
Những gương mặt rạng rỡ, tươi sáng của nghệ sĩ trẻ - công dân Thủ đô ngày nay khi vừa gìn giữ và phát huy giá trị di sản, vừa kết hợp cái mới, sáng tạo liên tục trong hoạt động nghệ thuật.

Sau 25 năm kể từ khi nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Thành phố Hà Nội đã nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng so với những tiêu chí của UNESCO, Hà Nội đã thực hiện tốt và được bạn bè quốc tế công nhận xứng đáng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình./.

Quỳnh Chi