Chủ nhân Giải thưởng Lớn Bùi Xuân - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2018) qua đời ở tuổi 103
Ông Nguyễn Bá Đạm - chủ nhân Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2018, “kỳ nhân tiền cổ Hà thành” và cũng là một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội vừa qua đời ở tuổi 103. Lễ tang ông được tổ chức vào 8h15 ngày 17/7/2024 tại Nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Ông Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông từng là giáo viên dạy sử của trường THPT Phan Đình Phùng. Sau khi nghỉ hưu, ông giáo Đạm dồn nhiều tâm huyết cho việc viết sách, viết báo về Hà Nội, trong đó tiêu biểu là 2 tập sách “Hà Nội thuở ấy” và “Hà Nội những câu chuyện kể cuối thế kỷ XIX - XX”.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, lúc còn sống khi đọc những trang viết của Nguyễn Bá Đạm trong cuốn “Hà Nội thuở ấy” từng nhận xét: “Bằng lối viết dung dị, hồn hậu, tác giả như dựng lại một bộ phim ký sự về Hà Nội thế kỷ XX với một tình cảm thân thiết, trìu mến”.
Cùng với những cuốn sách viết về Hà Nội, Nguyễn Bá Đạm còn dành nhiều tâm sức cho việc chép sử làng, về các dòng họ trong làng Giáp Nhất, về sự biến đổi của cư dân nơi đây và cả những câu chuyện về những nhân vật nổi danh của làng như nhà tư sản Ba Thục, nhà văn Vũ Trọng Phụng…
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung - nguyên Trưởng ban biên tập Văn hóa - xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho hay, sinh trưởng ở làng Mọc, song cụ Đạm trước đây đã có một thời gian dài lập nghiệp ở trên phố. Hàng Bạc và Ngọc Hà là nơi gia đình cụ đã từng cư ngụ. Lúc về già, cụ mới quay trở lại Giáp Nhất sinh sống.
“Khi cụ trở về sinh sống tại làng, ấy là vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, cụ đã dành nhiều thời gian cho việc trò chuyện với bà con làng nước, ghi chép hệ thống lại các tư liệu văn hóa lịch sử của làng quê. Kể cả danh lam thắng cảnh, phong tục, nếp sống cùng những biến động về địa lý, tài vật của Giáp Nhất trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20 đến nay. Song công tích lớn nhất mà xóm làng ghi ân cụ Nguyễn Bá Đạm, đó chính là việc vận động bà con địa phương tham gia đóng góp tu sửa cụm di tích văn hóa lịch sử của làng, đặc biệt là ngôi chùa Giáp Nhất có tên chữ là Phúc Lâm tự cho khang trang đường hoàng như ngày nay.
Trong vai trò người trưởng ban quản lý di tích Giáp Nhất, cụ Nguyễn Bá Đạm đã lần giở nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy, làm lại hồ sơ các di tích để tiến hành xin các cơ quan chức năng xếp hạng cho cụm di tích làng Giáp Nhất. Hồi tôi làm cuốn phim tài liệu nhan đề “Người ở làng Giáp Nhất”, đã có thời gian tìm hiểu tư liệu rồi viết kịch bản, tổ chức quay phim hàng tuần, với sự giúp đỡ chí tình của cụ Đạm”, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung nhớ lại.
Ngoài dạy học, viết sách cụ Nguyễn Bá Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, tiền cổ ngay từ nhỏ và được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Trong một lần trò chuyện với phóng viên Người Hà Nội, ông Đạm từng chia sẻ thú chơi này đã nhen nhóm trong ông từ khi còn nhỏ, ấy là khi được anh cho đi thăm Bảo tàng Lịch sử, thấy những đồng tiền cổ trưng bày trong tủ kính cậu bé Đạm mê mẩn.
Lúc đầu, bộ sưu tập của ông Đạm chỉ có vài ba đồng trinh thời Gia Long - Minh Mạng, rồi ông gom nhặt, trao đổi để bộ sưu tập ngày một nhiều thêm. Có thời kỳ, ông còn bán hết cả những đồ quý giá trong nhà để đổi lấy những bộ sưu tập tiền cổ mà mình yêu thích. Với Nguyễn Bá Đạm, sưu tầm tiền cổ cũng là để hiểu thêm về những thăng trầm của lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. Cũng từ thú chơi đồ cổ, sưu tầm tiền cổ, cụ Đạm đã có không ít những nghĩa cử cao đẹp.
Là một nhà giáo, nhà sưu tập, Nguyễn Bá Đạm kết bạn và thân thiết với nhiều danh sĩ thuở đó. Nguyễn Bá Đạm được coi là người bạn tri kỷ tri âm của họa sĩ Bùi Xuân Phái và là bạn tâm giao của 3 danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái... Ông cũng kết thân với họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, kết giao như anh em với nhà văn Nguyễn Tuân... và giữ nhiều kỷ vật về họ. Từ thập nhiên 60,70 của thế kỷ trước, ông Đạm đã được Bùi Xuân Phái vẽ hơn 200 bức chân dung với đủ các chất liệu. Đặc biệt và ấn tượng nhất là bộ tranh chân dung 12 bức được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên 12 vỏ bao diêm.
Sống gần trọn một thế kỷ trong lòng Hà Nội, ông Nguyễn Bá Đạm được coi là hiện thân của một “tâm hồn Hà Nội”. Năm 2018, khi ở tuổi 96, ông Nguyễn Bá Đạm vinh dự được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Nhà thơ Bằng Việt khi đánh giá về những cống hiến của ông Nguyễn Bá Đạm từng chia sẻ: “Những ai biết ông đều rất ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, để rồi từ những ký ức, trải nghiệm của bản thân ông đã lặng thầm đưa vào trang viết”./.