Đọc tập thơ “Người tha hương” của Khuất Bình Nguyên
Tâm trạng “tha hương” và “sầu xứ” vốn là một đề tài được nhiều nhà thơ đồng cảm và chia sẻ, dù ở bất cứ đâu trên thế giới.
Nhà thơ lớn của Đức Bertolt Brecht cũng đã từng viết về nỗi tha hương và lưu lạc của các nhà thơ: “Hôme vốn không nhà/ Đantê thì lại rời bỏ nó/ Lý Bạch và Đỗ Phủ/ Vì chiến tranh đều phải sống giang hồ/ Giữa ba mươi triệu sinh linh chết chóc!”. Cả Nazim Hikmet, nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ cũng vô cùng đau đớn khi phải sống lưu vong suốt cả đời: “Tổ quốc ơi…/ Trên trán tôi chỉ còn vết nhăn sâu/ Cùng một vết thương mưng sâu trong ngực/ Và cả mái đầu bạc tóc/ Tổ quốc ơi Tổ quốc/ Tổ quốc trong tôi còn bấy nhiêu thôi!”. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật sau khi viết xong “Những vùng rừng không dân” từng tâm sự với tôi là rất muốn viết một trường ca về “Những vùng đất di dân”. Và anh đọc cho tôi nghe một đoạn trường ca mà lúc đó anh mới phác thảo. Tôi chỉ còn nhớ được loáng thoáng mấy câu: “Bỏ lại đất đai, bỏ lại cha ông/ Họ cắm cúi đi, đâu là đích đến?/ Đi khắp đất, giống những sọc đen trên quả dưa/ Đi khắp biển, thành những luồng hải lưu cuộn xoáy...”. Đáng tiếc, bản trường ca hứa hẹn tràn đầy tính nhân văn ấy, Phạm Tiến Duật còn chưa kịp hoàn thành.
Nhà thơ Khuất Bình Nguyên, trong tập thơ mới “Người tha hương” (NXB Hội Nhà văn, 2024) cũng đồng điệu với những nỗi đau đời này của nhân loại, khi người ta luôn phải khắc khoải vì nỗi nhớ quê hương. Vì sao mà nhớ? Người ta chỉ phải quá nhớ, khi luôn cần đến một điều gì đang khuyết, đang hụt. Vậy Khuất Bình Nguyên khuyết hay hụt điều gì trong cuộc đời này? Anh có một cách nhìn rất khác biệt về mọi sự vật quanh mình: “Lên Ba Vì không gặp mùa thu/ Năm cũ, đi tìm mình chưa tới/ Bao nhiêu tha hương nhuộm cũ mái đình làng!”. Đừng vội hỏi, vì sao không gặp mùa thu mà lại không tìm ra mình. Tôi nhớ, trong tập thơ trước đây của Khuất Bình Nguyên “Hoa hoàng đàn nở muộn”, có một câu thơ rất hay: “Tôi sợ chiều thu rơi hết lá/ Còn đâu vàng nữa để bâng khuâng!”. Hóa ra cái mùa thu ngập lá vàng ấy quan trọng với tâm hồn nhà thơ đến vậy, thảo nào, không gặp được mùa thu, thì cũng không thể tìm ra cái Tôi đích thực!
Chưa hết, trong tập “Bỏ quên trong rừng thu”, tác giả còn một câu thơ gây bất ngờ nữa: “Bỏ quên trong rừng thu/ Những lối mòn cỏ rối...”. Những lối mòn cỏ rối ấy thì có quan trọng gì đâu với mọi người? Đúng thế, nhưng nó chỉ quan trọng với tâm hồn Khuất Bình Nguyên, mà không có nó, tâm hồn nhà thơ cũng có phần hụt hẫng. Cũng chính vì những cái ngỡ như “không có gì” ấy, mà khi ta xa nó, nhớ nó, là ta đã đủ rơi vào tâm trạng “sầu xứ” giống với một kẻ tha hương, bị lưu đày! Những điều này chỉ xảy ra đối với một tâm hồn rất nhạy cảm, hay nghĩ ngợi, và khi đã nghĩ thì luôn đưa mình đi rất xa, tới tận đáy những lý lẽ hoàn hảo, không khoan nhượng. Chính vì thế, khi không còn được trực diện tiếp cận với làng quê, nơi có cái “Cổng làng xưa/ Xa hơn cả thời xưa”, có mọi liên hệ máu thịt với một vùng trời vùng đất giàu ấn tượng và kỷ niệm từ bé, thì tác giả đã thú nhận ngay, rằng mình đã hóa kẻ tha hương: “Bước qua cổng làng, tôi thành người lớn/ Tha hương, học cách làm người...”. Và nhà thơ bùi ngùi: “Vẩn vơ tìm lại mình.../ Chỉ thấy trăng xứ Đoài/ Lặn sâu xuống các dòng sông ấy.../ Qua cổng làng xưa/ Tôi mơ thành đứa trẻ/ Trở về với mẹ/ Khao khát làm người nhà quê...”. Đấy là một cảm giác chân thật, không hề cường điệu.
Trong những hình ảnh quê hương dễ liệt kê ra những hình ảnh mây, núi, sông, trăng, mưa, những yếu tố hầu như lúc nào cũng khắc sâu trong tâm tưởng Khuất Bình Nguyên, và gây ấn tượng trong thơ anh: “Về làng, mở cổng làng ra/ Bao nhiêu xưa cũ, nhà nhà, trăng trăng”/ “Xứ Đoài, ngừng lại mà trông/ Kìa núi ba ngọn, kìa sông hai dòng”/ “Dọc bờ sông Đà, sông Tích, ngập đầy mây”/.../ “Trăng xưa mặc áo người quê cũ/ Lỡ gặp mùa trăng lúc bạc đầu”. Hay: “Ngày cuối cùng của một mùa ngâu/ Ròng rã mưa như không thể bao giờ dừng được nữa...”. Rồi: “Không biết về đâu mưa/ Không biết về đâu nắng/ Áo phong trần bạc trắng/ Thêm một lần cũ xưa!”.
Tuy nhiên, điều tác giả quan tâm nhất về quê hương mình là con người và số phận con người. Một vùng quê cổ xưa, biết bao nhiêu chùa chiền, tượng Phật. Mà Phật trong thơ Khuất Bình Nguyên lại không hề cao xa, trái lại, luôn “đồng cam cộng khổ”, cùng chung số phận với người. “Phật với người lưu đày, lận đận/ Gánh nặng đời người rạn cả hai vai”. “Phật là ai? Người hỏi: Phật là ai?/ Nắm đất lẫn đá ong xứ Đoài nặn thành ba vị Phật”. Ba vị Phật đó là Tam thế, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, Tam thế cũng chứa đầy uẩn khúc gian truân: “Thành Phật rồi, đời phải chia ba/ Quá khứ, Vị lai chưa làm tròn hạt mưa Sắc - Không nhà Phật/ Hiện tại chảy xót xa bờ sông Tích/ Chưa siêu hình, đời đã nổi can qua!”. Chúng ta lưu ý, từ “siêu hình” và “siêu thực” trong thơ Khuất Bình Nguyên luôn được dùng với một nghĩa riêng, ví dụ trong bài thơ “Sáng thế kỷ” cùng trong tập, có câu: “Ta siêu thực địa đàng không có thật/ Tưởng gặp rồi, lại tan thành bụi đất/ Cả nhân quần đắng cỏ mùa xuân!”.
Vẫn nối theo triết lý Phật pháp, nhưng trong bài “Nhị nguyên luận”, nỗi buồn của nhà thơ nhiều vân vi này còn lớn lao, bao quát hơn nhiều: “Người cố bơi sang Niết Bàn ở bờ bên kia/ Dập tắt sân si cõi đời dâu bể/ Sông Giác chảy thầm, mà sóng ngầm dữ thế/ Gần hết đời còn ở giữa nông sâu”.“Thế gian này, các dòng sông đều là sông Giác/ Chảy thầm thì, vì tiếng thở dài thôi/ Sông gột rửa bụi đời, thay đổi hết/ Kiếp chúng sinh đau đớn được làm người”.
Triết lý trong thơ Khuất Bình Nguyên thường lắng sâu và giàu chiêm nghiệm. Anh khát khao những điều hoàn hảo trong cõi đời này, nhưng tiếc thay, những điều mong đợi ấy chưa thể đến, vì thế giọng thơ chủ đạo trong “Người tha hương” nhiều chỗ lặng lẽ và ngậm ngùi. Anh gửi gắm câu thơ cho Hàn Mặc Tử, mà cũng như để nói với mình: “Chàng sinh ra vào một đêm trăng khuyết/ Suốt đời mong mỏi gặp trăng tròn!”. Cho tới bài “Ở cuối con đường” gần cuối tập thơ, thì anh bình thản tự bạch: “Trăm năm qua, trăn trở cuộc vuông tròn/ Tôi đi cạn dưới đáy sâu, âm thầm cát đắng”. Thế đó, cái được và mất của một nhà thơ luôn trăn trở với niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời và của cả cộng đồng.
Trong tập “Người tha hương” còn khá nhiều bài viết đầy cảm thông và có suy tư sâu sắc về các văn nghệ sĩ và bạn bè đồng nghiệp, có thể kể như: Hàn Mặc Tử, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Thiệp… và một số bài thơ viết ở nước ngoài. Tôi chỉ xin dừng lại ở bài “Bình minh mưa” mà tác giả đề tặng cho tôi: “Tiếng mưa tí tách trong những bụi cây/ Cỗ xe xộc xệch với con ngựa gầy buồn bã/ Nhà thơ đánh xe ngủ quên/ Xe chở thơ đi qua thiên đường lúc nào chẳng rõ.../ Mọi điều tốt lành có phải chỉ đi lướt bên ta/ Giọt mưa mùa thu vô tình giữ lại.../ Bình minh mưa/ Không hẹn trước bao giờ...”. Như chúng ta đã hình dung, hình tượng “mưa” trong thơ Khuất Bình Nguyên bao giờ cũng tạo nên cảm xúc tốt lành, làm tươi mát hồn người, xoa dịu những vết thương. Thơ trên cỗ xe cũ kỹ từ xa xưa của nhân loại lướt qua bình minh mưa thật đẹp, cũng như chính cơn mưa kia, có những tác động tích cực không thể chối cãi đến tâm hồn con người. Nhưng phải chăng, nó cũng chỉ như một điều tốt lành lướt qua một lần rồi thôi, và không bao giờ quay trở lại. Lỗi ở thơ quá mong manh hay lỗi ở người quá thực dụng? Chưa thể phân tích rành rọt ra hết, nhưng hãy cứ nên vui rằng những câu thơ trong veo vang lên từ một bình minh mưa, dù một lần thôi, cũng đủ để làm ta nhớ mãi suốt đời. Thế chẳng phải đã là diệu kỳ lắm rồi sao?
Những câu thơ của Khuất Bình Nguyên tràn đầy nỗi ưu tư nhân thế, luôn muốn tìm ra sự tròn đầy trong cảm giác thiếu vắng và hụt hẫng, khi luôn khao khát có một mái ấm thân thương ở quê nhà che chở, cũng như mong ước hết lòng cho hạnh phúc toàn vẹn của quê hương, phải chăng, cũng xứng đáng là một “bình minh mưa” tươi mát cho những người yêu thơ chúng ta? Và cuộc sống hôm nay, bao gồm cả vật chất và tinh thần, phải phấn đấu làm sao để không còn ai phải bỗng dưng cảm thấy thiếu hụt và tiếc nuối điều gì, nhất là không bao giờ phải bị rơi vào cảm giác “tha hương” ngay trên đất nước mình./.