Tản văn

Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?

Tản văn của Nguyễn Minh Hoa 06:31 15/07/2024

Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.

rang-den.jpg

Nhưng có những hôm trời quang, gió mát, ai quẩy gánh cũng vội mà vẫn nhận ra người thắt đáy lưng ong, quẩy đôi quang gánh với đôi thúng cái rõ to và ít khi phải đổi sang vai khác thì đó đúng là cô, là chị hàng xén rồi. Chả biết việc kén người thế nào mà những bà, những cô, những chị hàng xén thường mỏng mày hay hạt, đẹp và duyên dáng lắm. Chẳng thế mà thi nhân đã viết:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng.

Xưa, vẫn là chuyện xưa, dẫu là chợ tổng có cầu chợ hẳn hoi hay chợ làng dưới chân đê họp có phiên thì những cô hàng xén luôn đúng hẹn. Chả biết cô chờ khách, hay khách ngóng cô. Buổi chợ đông, những tưởng chỉ có những người buôn to bán lớn đắt hàng, thì những cô hàng xén, những bà những chị hàng xén cũng luôn tay không hết việc.

Những thúng, mẹt, quang, đòn theo thời gian mà cũ mèn, mòn vẹt in dấu những nắng mưa, mùa vụ, in dấu buồn vui đời người. Không ít đứa trẻ kĩu kịt theo mẹ đi chợ từ sớm, sương gió, mẹ cúi xuống che cho con làn gió lạnh. Có những em bé “chiếm’’ luôn 1 bên quang gánh của mẹ. Bao nhiêu thứ mẹ em phải chất cả sang cái thúng kia, rồi mẹ con cứ thế mà kĩu kịt suốt những phiên chợ làng. Những lời chào nhau buổi sớm, những tia nắng mai, những đung đưa theo nhịp bước chân mẹ và cả một thế giới mở ra trước mắt em bé. Em thức, em ngủ sau cữ bú vội vã thì cũng đã đến chợ. Đương buổi chợ đông, có cái mẹt, mẹ để em ngồi… trông mẹ bán hàng.
Và rồi, những đứa trẻ lớn lên như thế, buồn vui thấm những buổi chợ phiên, thấm những cái vuốt má của người đi chợ, nhớ những lời nhắc thuở nào… Những đứa trẻ lớn lên, gắn bó với quê nhà, chợ búa, đồng đất, nhớ lời ông bà, mẹ cha, biết tu chợ từ tấm bé...

Lại nói về đôi thúng cái của cô hàng xén, mấy ai biết rằng trong đôi thúng cái này, dưới những vỉ buồm hay tấm khăn lót là đủ thứ trên đời chứ không riêng những đồ khâu vá thông thường như kim, chỉ, đê, kéo bấm... Cũng không phải qua bao nhiêu năm thì những người hàng xén vẫn chỉ bán mấy món đồ như vậy mà biến đổi theo năm tháng. Vẫn cái túi ni lông cũ đựng kim, kim khâu, kim thêu vải, thêu áo, lại kim thêu ren. Trong các kim làm ren thì kim lược, phải khác kim bô đê. Người không làm nghề đố mà biết được cô hàng xén xếp sắp như thế nào.

Món hàng này có lẽ nhỏ nhất chợ, còn gì nhỏ hơn cái kim được nhỉ? Thế nhưng ai dám nói cái kim sợi chỉ không quan trọng. Cái kim thêu làm nên làng nghề thêu, nghề ren. Hoa thêu như đang nở, chim thêu như đang hót, giọt mưa thêu như đang bay, người làng thêu sống được, đương nhiên cô hàng xén bán kim, bán chỉ này đủ tiền nuôi con. Có khi nuôi được cả anh chồng ăn học, thoát ly thành tài.

Hàng xén lại có cả đôi gối thêu mà người làng gửi bán. Người đi sắm đồ cưới ở chợ phiên đôi khi phải vãn chợ mới dám hỏi, vì rằng con trai nhà mình mới tuổi cập kê, bà mẹ hay lo, sắm trước, nói ra lại sợ có sự gì thì không nên.

Hàng xén cũng có cả xâu những cái gương trang điểm, cái to, cái nhỏ. Cái bọc kim loại, cái lại bọc nhựa màu. Con gái đến tuổi cập kê kiểu gì chẳng sắm một chiếc gương này, kèm cái nhíp. Đám trẻ con đi học về mua bút chì hay kẹo kéo, quế cay cứ đứng xem các chị thử nhíp, nhiều khi chật cứng.

Hàng xén có khi bán cả những vuông vải thô người làng dưới dệt, đem chợ phiên bán chẳng biết ngồi đâu, nên chịu khó thiệt chút bán buôn cho cô hàng xén, được tiền ngay lại có thời gian chơi chợ, mua mấy món hàng.

Nhiều người cứ băn khoăn, cô ý chẳng vắng mặt phiên nào thì nhập hàng từ đâu cơ chứ. Những cước các màu, dây dù, phèn chua, thạch lãnh... toàn thứ trên tỉnh mới có. Không như suốt gỗ, lược sừng, lược bí làng xã bên có nghề để mà biết tông tích. Đấy cũng là “mánh’’ của người hàng xén, khi thì cuối buổi chợ người ta giao hàng, lúc thì người làng bên đem đến tận nhà cô hàng xén. Có những khi cô lại băng qua cánh đồng sang mãi tận xã bên để cất buôn hàng, người hàng chợ làm sao mà biết được, gom được đôi thúng cái hàng hóa này cũng phải có vốn có liếng chứ không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo thời gian, nắng mưa nhuộm mái đầu cô hàng xén năm nào màu bạc trắng. Người nhuộm răng đen cũng không còn nhiều. Những cái đê bằng đồng mua độ tóc bà hàng xén còn xanh giờ đã mòn vẹt. Bà cụ vẫn thúng mủng đi chợ tìm vui. Thúng hàng co lại, họa hoằn lắm mới có người hỏi lược bí. Cuộn dây dù, tập giấy bản cũng bán chậm, tập giấy màu hồng điều đã bạc. Xe máy đi lấy hàng ngoài tỉnh về kìn kìn. Bà cụ hàng xén xưa không còn quẩy gánh hàng được nữa, con cháu bảo cụ nhớ chợ thì cắp rổ đi ăn quà rồi mua gì thì tùy. Cầu chợ nơi cụ ngồi, người bán dép đã bầy chật chõng các loại dép nhựa các màu, có cả đôi “xăm bô’’ Sài Gòn cao đến 10 phân.

Không chỉ chợ này, mà nhãng đi vài phiên không ra nhà bà hàng xén tìm cái kim, con chỉ màu thì khi quay lại bà cũng đã nghỉ. Chỗ bà ngồi, cháu bà đã kê cái máy khâu và vải hoa, vải màu các kiểu được treo kín. Có lời hỏi thăm thì cháu bà bảo:

- Hàng xén hết thời rồi bà ơi, giờ lặt vặt cứ ra hàng tạp hóa.

Đúng là cửa hàng tạp hóa lợi hại thật, có thập cẩm trăm thứ hàng: Kim chỉ khâu, chỉ thêu, suốt máy khâu, chân vịt máy khâu. Có cả quận chỉ to bằng bắp tay, vải vóc, quần nhỏ, áo con, đăng ten không chỉ 1 loại, 1 cuộn màu trắng mà các màu đều có. Cặp tóc bây giờ thật đẹp, những cặp ba lá xưa chỉ còn trong kí ức. Dây buộc tóc cũng cả chùm, cả túi, đám trẻ thời này mê tít. Cánh thanh niên có xe máy, nó đi chợ tỉnh cất buôn về không thiếu thứ gì.

Chợ vẫn theo phiên, nhưng làng đã lên phố, chợ vãn vẫn buồn tênh nhưng những hàng tạp hóa đầu chợ thì vẫn bán cả ngày, rõ tiện. Từ mấy hàng này lan sang những nhà gần đó, hàng bán đồ ăn thức uống cũng bày bán theo, cả hàng hoa tươi, vàng mã cũng bán cho đến khi trời tối sập.

co-hang-xen-1-.jpg

Khi những biển hiệu mica chữ màu thắp sáng những hàng tạp hóa trong làng thì có lẽ những cô, những bà hàng xén đã chuyển nghề thực rồi. Chợ làng từ đây cầu bán nón, bán chiếu, cầu hàng khô vắt sang cầu hàng ăn, cầu hàng thịt chỉ còn những cô, những chú bán hàng tạp hóa. Cái bạt trải trên ra có 1 phần gánh hàng xén xưa, nào gương lược, chỉ khâu, cặp tóc, lại có dép guốc, quần áo, chăn ga... Chuyện về bà hàng xén, cô hàng xén thuở nào chỉ còn trong ký ức những người trung niên. Đôi khi nói đến chữ “hàng xén’’ với bọn trẻ, người lớn lại phải giải thích “hàng xén’’ là gì? Và với không ít người nhớ cái cặp tăm, cặp bấm, rồi phấn Bông Lúa, kem sâm, lọ nước hoa Tàu màu xanh, hoặc nhớ “dấm dúi’’ mua cái... “áo con’’.
Mới đó đã mấy chục năm, người già đã về trời, người đi chợ phiên bán mua ngày ấy đã lên ông, lên bà cả, chợ phiên giờ đã khác, không nhớ thì thôi, nhớ về hay nói với nhau là lòng lại rưng rưng./.

Tản văn của Nguyễn Minh Hoa