Lý luận - phê bình

Mở cánh cửa trong kỷ nguyên số

Nguyễn Toàn Thắng 20:43 14/07/2024

Trong tình hình ảm đạm của sân khấu hiện nay, lý luận phê bình (LLPB) cũng thưa thớt theo. Vẫn còn đó những nhà lý luận sắc sảo và có đầy đủ kiến thức chuyên sâu trong nghề, nhưng họ gần như không còn đất để dụng võ.

Chưa nói đến việc rất hiếm tác phẩm sân khấu có tính đột phá, có sáng tạo mới lạ về nghệ thuật, hay chủ đề tư tưởng khác hẳn với những tác phẩm đã có, bởi đó chính là nguồn kích thích cho các nhà sáng tạo, mà chỉ cần dạo quanh các phương tiện truyền thông hiện tại, chúng ta đã thấy còn rất ít đất cho LLPB. Trước kia, các báo còn có mục riêng dành cho sân khấu, sau thì co vào mục văn hóa nói chung, thậm chí bây giờ còn đặt vào mục giải trí. Vẫn còn đó những bài báo viết về một vở diễn sau khi ra mắt, nhưng do dung lượng quy định, mà chỉ còn chút ít. Khen chỗ này một tí, chê chỗ nọ một tí. Khen thì cũng cố khen sao cho khỏi vống lên, còn chê thì cũng chê làm sao cho hài hòa. Thế là cứ dần dần, khán giả cũng chẳng mặn mà gì với những dạng bài kiểu ấy bởi nó chẳng ra phê bình cũng chẳng ra lý luận, nó chỉ đơn giản là một bài báo.

khan-gia-thuong-thuc-vo-kich-_nhung-nguoi-khon-kho_-do-nha-hat-nhac-vu-kich-viet-nam-thuc-hien.jpg
Khán giả thưởng thức vở kịch “Những người khốn khổ” do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện.

Trong kỷ nguyên số, nhờ vào sự nở rộ của các nền tảng mạng xã hội, nhiều người làm sân khấu cũng đã tận dụng để thực hiện công việc phê bình lý luận một cách không hẳn là chuyên nghiệp nhưng rất có tính nghề nghiệp. Đơn giản bởi họ vẫn còn tình yêu sân khấu, và họ có những chuyên môn khác ngoài LLPB. Tuy nhiên, vì không phải những bài LLPB chuyên nghiệp, nên đôi khi sa đà vào cảm xúc cá nhân, vào tình cảm và quan hệ riêng với nhà hát cũng như các nghệ sĩ. Nhưng dù sao, đó cũng là những hoạt động nghề nghiệp tiệm cận đến LLPB đáng trân trọng. Có điều, do sức ảnh hưởng của những người ấy với công chúng không lớn, nên cũng không thể tạo sức hút kéo khán giả đến rạp. Bởi vì, đó mới là điều quan trọng nhất mà LLPB đem tới cho sân khấu.

Từ vài trăm năm trước, những khán giả ở một số nước Tây phương có nền sân khấu phát triển bao giờ cũng đợi bài viết của các nhà phê bình hàng đầu. Họ khen hay, là người ta đi xem, và xem xong thấy là hay thật, vở diễn y như những gì các nhà phê bình ấy viết. Còn khi nhà phê bình ấy chê, thì ngay lập tức ông chủ rạp hát cho sửa lại, bao giờ thấy tốt mới mời nhà phê bình ấy đi xem lại. Bởi đương nhiên nếu cứ đem cái bản diễn bị chê ấy ra, nguy cơ không bán được vé là điều không còn phải bàn cãi. Điều này để rút ra một kết luận rằng, LLPB chính là một dạng thức của nghệ thuật quảng cáo, của kỹ thuật PR sản phẩm ở một mức độ tinh vi với trình độ cao.

mot-canh-trong-vo-kich-_nhung-nguoi-khon-kho_-do-nha-hat-nhac-vu-kich-viet-nam-thuc-hien.jpg
Một cảnh trong vở kịch “Những người khốn khổ” do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện

Tất nhiên ngày hôm nay, vẫn có tình hình như thế ở mọi lĩnh vực. Một chuyên gia ẩm thực khen, lập tức món ăn của nhà hàng đó được quan tâm. Một người làm Tik Tok sản xuất clip review phim, từ đó phim này đông khách đến nghẹt thở dù rằng nó cũng không quá đặc sắc so với các phim khác. Nhưng để LLPB sân khấu đứng vững chân được trong thời đại công nghệ số này, người làm lý luận không còn cách nào khác ngoài việc thay đổi chính mình.

LLPB sân khấu hiện nay không thể chỉ mãi bó hẹp trong những dạng thức cũ, là những bài viết viện dẫn hết lý luận cao siêu nọ đến trường phái kia. Những cái ấy rất hay vì tính hàn lâm của nó, nhưng rõ ràng muốn để công chúng hiểu được, người làm lý luận phải “xào nấu” để đại chúng hóa, nhằm mục đích đưa tới gần công chúng hơn nữa. Ngay cả ở nước ngoài, nghệ sĩ biểu diễn đã phải phối lại những hợp xướng, những tác phẩm âm nhạc cổ điển gần với công chúng hơn, và đem lại thành công mỹ mãn. Và từ đó, khán thính giả có thêm hiểu biết, có nhu cầu đến rạp hát nghe hòa nhạc nhiều hơn. Đây không phải là vấn đề giữa lý luận cao siêu và những bài review đơn giản, mà là chuyện làm sao cho các nhà lý luận tìm thấy tiếng nói chung giữa mình và công chúng. Chứ cứ giữ cách viết như trước, e rằng đọc tít bài thấy những bài có tính chất lý luận là người ta lập tức bỏ qua. Cuộc sống số hôm nay quá nhanh, muốn giữ được chân người đọc là cả một vấn đề. Tất nhiên không phải cứ câu khách giật gân là hút được khán giả, thậm chí còn phản cảm. Nhưng cũng không thể cứ giữ cách làm như trước. Đôi khi, chúng tôi cũng tìm đọc những bài phê bình sân khấu trên các báo và tạp chí, nhưng thú thật là cảm giác như đọc những bài của nhiều thập kỷ trước. Nó vẫn hay theo tính chất học thuật, nhưng nó không cuốn hút và nói thật tình, khen cũng chẳng có gì để khen mà chê lại càng không, vì nó quá mẫu mực rồi.

Đã có lần chúng tôi thử tìm cách review (nôm na là đánh giá) một vài vở diễn bằng cách chen giữa tóm tắt vở diễn bằng những câu văn bình luận mang tính chất hài hước một chút rồi đưa lên mạng xã hội Youtube sau khi dàn dựng sơ sài bằng cách ghép các cảnh diễn và hình ảnh nhân vật, và nhận được rất nhiều ý kiến của khán giả. Người thì bảo ôi vở này hay quá giờ mới biết, người thì hỏi bao giờ có để đi xem, rồi bàn luận hăng hái, xôm trò lắm. Tiếc rằng chúng tôi sau đó phải bỏ đi vì không xin được bản quyền hình ảnh. Sau này có cách lấy được bản quyền thì lại phải bỏ vì chúng tôi có dự án khác. Nhưng đây cũng là một kinh nghiệm trong việc sử dụng LLPB để đưa sân khấu đến với công chúng, dù chỉ là ở mức độ nhỏ.

Như đã nói ở trên, đất cho LLPB trên báo, trên đài bây giờ không còn nhiều. Nhưng rõ ràng ở kỷ nguyên số này, còn nhiều đất khác. Một cánh cửa đóng lại, hàng chục cánh cửa khác mở ra. Từ kinh nghiệm của những người làm nội dung trên nền tảng mạng xã hội, chúng ta thấy rõ ràng họ sống được khá tốt từ việc phê bình phim, review phim bằng cách lấy quảng cáo từ lượt xem, rồi có tài trợ của nhãn hàng. Trong khi đó, họ cũng chỉ phê bình, review lại những tác phẩm xưa cũ, hoàn toàn không cần chạy theo trend (xu thế). Và rõ ràng, kho tàng sân khấu Việt Nam từ những tác phẩm kinh điển của đủ thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân gian, cho đến kịch nói, ca kịch… là cả một bầu trời đề tài. Đấy là chưa kể đến việc, dù cho nhiều đoàn nhiều nhà hát đã sáp nhập hay tan rã, thì một năm trên lãnh thổ Việt Nam vẫn có hàng chục tác phẩm sân khấu đáng chú ý.

Vấn đề là, LLPB phải thay đổi. Để thúc cho con ngựa sáng tác “phi nước đại” thì bản thân LLPB phải có cách làm khác, cách tiếp cận khác. Còn tất nhiên, nếu cứ để như hiện nay thì cũng chẳng làm sao cả. Bởi vì bây giờ còn mấy ai sống được bằng nghề LLPB đâu, họ đều làm việc khác cả rồi. Cũng như nghệ sĩ, có mấy ai sống được bằng chính công việc ở nhà hát của mình đâu?

Nguyễn Toàn Thắng