Lý luận - phê bình

“Phê” cho hợp tình, “bình” cho thấu đáo

NSND Bùi Thanh Trầm 17:30 14/07/2024

ghệ thuật biểu diễn gồm các loại hình nghệ thuật phong phú như: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, ảo thuật…

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những nội dung quan trọng của văn hóa tinh thần, là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, là sự biểu hiện tinh tế nhất của văn hóa thẩm mỹ. Nó được hình thành và có sức tác động lớn đến tâm hồn, cảm xúc, trí tuệ, tình cảm của con người xã hội. Những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn sẽ chuyển tải thông điệp, giá trị nghệ thuật tới công chúng một cách sâu sắc và hiệu quả.

mot-canh-trong-vo-_linh-quoc-tu-mau_-cua-nha-hat-cheo-ha-noi.jpg
Một cảnh trong vở “Linh quốc từ mẫu” của Nhà hát Chèo Hà Nội

Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Lý luận là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu. Phê bình là sự thẩm định, đánh giá, giải thích, phát hiện, định hướng… những giá trị sáng tạo của một tác phẩm, một tác giả, một giai đoạn, một khuynh hướng, một trào lưu cụ thể.

Mặc dù LLPB sân khấu với nghệ thuật biểu diễn có mối quan hệ mật thiết, song hành với nhau với nhau nhưng hiện nay, không có nhiều bài viết chất lượng theo đúng yêu cầu, trách nhiệm của LLPB sân khấu. Hiểu chữ phê bình đủ nghĩa, không chỉ là “phê” cho người ta thấy cái dở, sự thiếu sót của tác phẩm mà còn phải “bình” đến nơi đến chốn sự thành công, cái hay, cái đẹp, không chỉ về nội dung tác phẩm mà cả hình thức thể hiện theo đặc thù ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm cũng như giá trị của tác phẩm trong bối cảnh xã hội và của sự phát triển ngành đó nếu có. Soi chiếu tiêu chí đó vào thực tế, có thể thấy vẫn còn nhiều bài viết “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” cũng chẳng thấu đáo.

mot-canh-trong-vo-dien-_vuong-nu-me-linh_-cua-nha-hat-cheo-ha-noi-1.jpg
Một cảnh trong vở diễn “Vương nữ Mê Linh” của nhà hát chèo Hà Nội

Nói rằng không có những bài viết phê bình đúng nghĩa và giá trị thì không đúng nhưng thực sự rất ít, đang là khuynh hướng chung của những người có điều kiện cầm bút (những người đang hoạt động trong các tòa soạn báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình). Những người viết phê bình tự do ít được đặt viết bài nếu bản thân biên tập viên và “sếp” của cơ quan ngôn luận đó không chú ý đến tính khách quan, đa chiều của phê bình. Vì vậy, xuất hiện tình trạng viết theo kiểu “điểm báo, điểm phim, điểm vở diễn”... nghĩa là tóm tắt nội dung là chính, may ra thì có thêm vài nhận xét hay, dở và vài ba câu về đạo diễn hoặc diễn viên... Và cách điểm cũng na ná như nhau.

Ở một số tòa soạn, bài của cộng tác viên được xử lý có nhiều lúc tùy tiện. Đối với những tạp chí chuyên ngành và người phụ trách có xu hướng theo học thuật thì khi thay đổi hoặc sửa chữa câu chữ, biên tập viên trao đổi với tác giả. Đó là cách làm đúng luật và thể hiện sự tôn trọng người viết. Sự cắt cúp chủ quan dẫn đến có những bài LLPB mang tính khách quan nhưng hời hợt. Không ít trường hợp có những bài viết theo kiểu quảng cáo tiếp thị, khen vống lên vì mối quan hệ cá nhân của người viết với người có tác phẩm hoặc có khi theo cách áp đặt chủ quan của người viết phê bình. Vậy còn đâu tính khách quan của ngòi bút phê bình?

Một trong những điều thiếu hụt trong phê bình văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình sân khấu ở nước ta nói riêng là thiếu sinh hoạt phản biện đầy đủ của người viết. Khi một tác phẩm mới được xuất bản, trên công luận hiếm có sự trao đổi, đối thoại đến nơi đến chốn của các luồng ý kiến trái chiều qua các bài viết để công chúng biết được những tác phẩm ấy hay ở chỗ nào, dở như thế nào. Những cuộc tranh luận có tính trao đổi hoặc phản biện sẽ tạo nên sự hấp dẫn của phê bình văn nghệ, cuốn hút những người cầm bút, những người có thể theo nghề và độc giả.

Ngoài ra, thực trạng người viết LLPB sân khấu còn thiếu tinh thần phản biện cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự “yếu và thiếu”, sự trầm lắng của LLPB sân khấu nước ta hiện nay. Bởi nếu thiếu tinh thần phản biện thì không thể “phê” cho hợp tình hợp lý, “bình” cho đến nơi đến chốn; không thể chỉ ra cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của tác phẩm một cách thuyết phục. Và như thế thì không thể làm tròn trách nhiệm định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mĩ cho công chúng tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Chế độ nhuận bút dành cho phê bình văn học, nghệ thuật cũng là một trong những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công tác phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay. Một bài viết phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật, nếu đặt trong mối tương quan giữa sự đầu tư trí tuệ và cảm xúc, thời gian hoàn thành bài viết với số tiền thù lao (nhuận bút) ít ỏi thì rất dễ lý giải vì sao lĩnh vực phê bình không hấp dẫn người cầm bút.

Từ thực tế này, thiết nghĩ các cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của LLPB văn học nghệ thuật có giá trị, có chất lượng, từ đó tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chất lượng đào tạo sinh viên, nhất là sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật; có quy chế đào tạo, nâng cao trình độ đối với các phóng viên, biên tập viên phụ trách mảng văn học nghệ thuật tại các cơ quan báo chí; thay đổi chế độ nhuận bút đối với các bài phê bình, nghiên cứu văn học, nghệ thuật hiện nay để khích lệ người viết LLPB./.

NSND Bùi Thanh Trầm