Tác giả - tác phẩm

Những hoài niệm chất chứa niềm thương nhớ

Thụy Phương 06:48 14/07/2024

Khi nhận tập sách “Bóng người trên vách thời gian” (NXB Hội Nhà văn, 2024) mà nhà thơ Đinh Tiến Hải gửi tặng, tôi không quá bất ngờ bởi trước đó anh đã từng “trình làng” nhiều tản văn trên các ấn phẩm báo chí trung ương và địa phương bên cạnh sáng tác thơ vốn là sở trường của mình.

anh-bai-sach.jpg

29 tản văn được tập hợp trong cuốn sách, mỗi tản văn là một câu chuyện kể, với mạch nối từ quá khứ đến hiện tại mà ở đó hồn làng, hồn quê đan xen cùng những chiêm nghiệm, trở trăn trước sự đổi thay của không gian văn hóa làng cùng những biến chuyển của cuộc sống.

Quê Đinh Tiến Hải ở Mỹ Đức, (Hà Nội). Dẫu xa quê nhiều năm nhưng bóng dáng của quê hương luôn hiện hữu trong anh. Bức tranh quê trong “Bóng người trên vách thời gian” được tác giả phác họa từ nỗi nhớ, niềm yêu, từ sự trân trọng, tự hào và cả những luyến tiếc, ngậm ngùi.

Xuyên suốt tập sách, độc giả bắt gặp những không gian xưa cũ của làng. Nào ngõ quê với hàng rào hoa dâm bụt, lũy tre rì rào gió hát bên chiếc cổng làng thân thương, chợ Điếm bên dòng sông Đáy, rồi cỏ mật, khói chiều, đồng thơm hương lúa… Anh viết về ngõ quê với bao kỷ niệm: “Tôi xa quê đã hơn hai mươi năm có lẻ, nhưng lần nào trở về con ngõ nhỏ lòng cũng run lên bùi ngùi thương nhớ, tôi thường đứng lặng một mình trước con ngõ mà tuổi thơ tôi đã bao lần ngang qua đó. Con ngõ nhà tôi chứa đựng cả một trời thương nhớ. Con ngõ với những bước đi chập chững đầu đời, với hàng rào dâm bụt ông trồng, hàng hoa tóc tiên bà dặm thường nở hoa đỏ thắm vào những buổi trưa hè. Con ngõ mà sáng nào mẹ cũng dậy sớm quét những chiếc lá vàng rơi từ đêm hôm trước” (Ngõ quê thương nhớ). Anh viết về cỏ mật với bao thương nhớ: “Cỏ mật quê tôi mọc quanh năm, mọc rải rác trên những bãi bồi cao và những thửa ruộng chạy quanh thân đê. Cỏ mật thơm nhất là khi tiết trời lành lạnh chuyển từ thu sang đông, khi những ngọn gió heo may bay về, nắng vàng qua kẽ lá. Đi dọc triền đê ta dễ dàng cảm nhận một mùi hương thuần khiết, thơm thoảng trong gió đến nao lòng” (Cỏ mật thương nhớ hồn quê).

Trong số những tản văn Đinh Tiến Hải viết về quê hương, tôi đặc biệt ấn tượng với “Xuân về chợt nhớ rừng mơ” - một tản văn đã được tạp chí Người Hà Nội giới thiệu cách đây vài năm. Rừng mơ trong ký ức của Đinh Tiến Hải gắn với thung lũng Tuyết Sơn nơi có quần thể núi non, sông suối, chùa chiền, hang động đẹp như cổ tích; gắn với những kỷ niệm tuổi thơ theo chân bà vào thung lũng, lẻn ra sau chùa ngắm hoa mơ nở. Đan xen trong ký ức quê làng, gia đình; đan xen trong câu chuyện về loài hoa thanh tao thoát tục nơi rừng sâu núi thẳm là những ngẫm ngợi về cuộc đời, là những trở trăn về môi trường sinh thái...

Nét mộc mạc, dung dị của quê hương còn được tác giả gợi nhắc qua những phận đời, phận người. Đó là hình ảnh người bà quê mùa, đức hạnh “lặng lẽ dần sàng cám bã, hái dâu, chăn tằm dệt vải”; là người mẹ tảo tần mà thời gian đã gội tóc “trắng hoa lau”; là người cha với đôi bàn tay gầy guộc lần giở những kỷ vật của chiến trường sau ngày giải phóng miền Nam... Ký ức luôn là điều đã cũ, nhưng với Đinh Tiên Hải ký ức bà, về mẹ, về cha, về những năm tháng tuổi thơ vất vả lam lũ, về tình yêu thương, nỗi buồn, sự tiếc nuối, luôn hiện hữu trong tâm trí. Nó như một thước phim, một cuốn nhật ký mà anh luôn mang theo bên mình. Những con người ấy đã là một phần của kỉ niệm, nhưng mỗi lần nhắc nhớ, trong anh lại chộn rộn bao thương nhớ. Có lẽ vì thế mà những trang viết về họ cũng là những trang viết xúc động nhất của tập tản văn này.

Bên cạnh một không gian đậm đặc làng quê, Đinh Tiến Hải còn có nhiều trang viết về nét văn hóa truyền thống như chợ Tết, dâng hương mùa xuân, thưởng trà...; về sông Thương - dòng sông của thi ca; về khu tập thể Nhà máy phân đạm Hà Bắc - nhân chứng lịch sử một thời vàng son mà tuổi thơ anh từng gắn bó; về thảo nguyên Đông Cao với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ và cũng rất nên thơ; về mùa thu ở xứ Tuyên; về những mùa hoa trên phố; và cả thanh âm tiếng còi tầm, tiếng xe goòng vọng về từ ký ức của một thời huy hoàng và gian khó.

Với một giọng văn trữ tình thấm đậm chất thơ, Đinh Tiến Hải dẫn dắt người đọc từ quá khứ đến hiện tại, từ làng đến phố, từ thơ ấu đến trưởng thành... Mỗi kỷ niệm, mỗi không gian, thời gian được nhắc nhớ đều khơi gợi những suy nghĩ về cuộc sống, thăng trầm của cuộc đời. Trở về quê hương, nhìn những rừng mơ cổ năm xưa ngày càng thu hẹp, anh đau đáu “loài mơ cổ như thế nếu không bảo tồn rồi sẽ mai một và rơi vào quên lãng... sẽ là một tổn thất lớn cho môi trường sinh thái”. Về lại làng xưa ven sông Đáy, anh tiếc nuối “khi ngọn gió đô thị hóa thổi về, khu công nghiệp vừa và nhỏ mọc lên, dòng sông xưa đã có dấu hiệu ô nhiễm bởi khói bụi và rác thải”. Và anh cũng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối khi những cổng làng cũ bị phá bỏ, cây đa cổ thu bị chặt đi: “Làng đã khoác lên mình tấm áo mới mang tên làng văn hóa, nhưng giá trị kiến trúc của làng đã bị đô thị hóa. Chợ Sêu vẫn còn đấy mà sao trống trải, tan hoang...”. Phía sau trang viết là cả niềm đau đáu của người cầm bút.

Cũng sẽ thật chưa trọn khi không nhắc tới cách đặt tựa rất thơ của Đinh Tiến Hải trong tập sách này. Nhiều tản văn trong tập sách, chỉ mới đọc tựa thôi đã thấy đầy sức gợi, ví như: “Bóng người trên vách thời gian”, “Cỏ mật thương nhớ đồng quê” “Nắng từ quê ngoại”, “Mây trắng về trời”, “Mưa qua miền ký ức”, “Xa xăm vọng về”, “Đường xa áo mỏng đồng cao”, “Đồng thơm hương lúa trổ đòng”, “Thưởng trà trong nắng chiều buông”... Tất cả cùng kết nối, giao hòa theo cung bậc cảm xúc của tác giả, để rồi gieo trong lòng bạn đọc những yêu thương về cội nguồn, văn hóa, con người...

Thụy Phương