Mỹ thuật

Nhớ về họa sĩ Dương Bích Liên

Thụy Phương 13/07/2024 17:55

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên, sáng ngày 13/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình Art talk “Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng”. Art talk đã đưa công chúng đến với ký ức về họa sĩ Dương Bích Liên thông qua những tác phẩm của cố họa sĩ, những câu chuyện kể đầy xúc động của các vị khách mời, người thân trong gia đình của họa sĩ.

Phát biểu trong chương trình, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam may mắn có được tứ trụ cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đó là Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Họ chính là gạch nối quan trọng tạo sự phát triển cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Phẩm cách nghệ sĩ và tài năng của luôn được thế hệ sau trân trọng. Trong bộ tứ này, họa sĩ Dương Bích Liên là một người sống âm thầm nhưng ông đã có những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại đóng góp lớn cho mỹ thuật nước nhà.

z5628746344359_5d9aa140dfc9a5d3a038877347fbd72b.jpg
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ trong chương trình.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, từng có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với cả “bộ tứ huyền thoại” trong Tổ sáng tác của Hội thời đó, nên bà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là với Dương Bích Liên.

“Dương Bích Liên thuộc lớp sinh viên cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Bối cảnh của thời kỳ Pháp hóa đã ảnh hưởng đến tầng lớp thanh niên tiểu tư sản thành thị, và đặt họ giữa những khát khao và ưu tư canh tân - cách mạng. Dấn thân vào lý tưởng của mình, Dương Bích Liên tham gia kháng chiến, và cống hiến trọn đời cho cách mạng và nghệ thuật. Những kỷ niệm kháng chiến được ông lưu giữ, đặc biệt là những tháng ngày ở chiến khu, được nung nấu hàng thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế”, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho hay.

z5629853075706_f9501a3fc2deaf74d1dc52391bbe160f.jpg
Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về những kỷ niệm với họa sĩ Dương Bích Liên.

Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là cảm hứng lãng mạn, trữ tình của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Thế giới nghệ thuật của Dương Bích Liên là cả một sự tương phản, vừa như lánh đời, vừa cuồng nhiệt; vừa uyên thâm, lại vừa bình dị, cao thượng và bâng quơ. Ông như là một ánh sao, một tia chớp thầm lặng đi qua bầu trời nghệ thuật của thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi Đổi mới, và để lại những ánh hào quang lung linh…

Tại chương trình, công chúng yêu nghệ thuật còn được xem phim tài liệu về sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Dương Bích Liên, ngắm một số tác phẩm của ông và còn được lắng nghe những câu chuyện về họa sĩ qua những chia sẻ từ những người thân trong gia đình ông, người mẫu mà ông từng vẽ, và cả những nhận xét của giới chuyên môn về tài năng của danh họa.

Phát biểu trong chương trình, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cảm ơn chia sẻ của các vị khách mời cùng công chúng đã tới tham dự chương trình. “Art talk là dịp để giới mỹ thuật tưởng nhớ danh họa Dương Bích Liên, đồng thời để công chúng yêu nghệ thuật hôm nay hiểu thêm về những danh họa lớn của mỹ thuật nước nhà”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ./.

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Khoái Châu, Hưng Yên trong một gia đình trí thức nho học. Năm 16 tuổi, ông theo học khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940 – 1945). Trong sự nghiệp sáng tác ông ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm trên chất liệu sơn dầu và sơn mài, trong đó tiêu biểu là tác phẩm: “Hồ Chủ tịch qua suối”, “Hào”, “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”, “Mùa gặt”… Họa sĩ Dương Bích Liên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000.

Thụy Phương