Hoạt động hội

Thi ca đương đại và các nhà thơ cách tân

Mai Anh 16:17 10/07/2024

Sáng ngày 10/7/2024, tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội (Số 19 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Thi ca đương đại và các nhà thơ cách tân”.

Mở đầu buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà thơ Đỗ Anh Vũ đã khái lược sự phát triển của thi ca cũng như tiến trình cách tân thơ. Theo nhà thơ Đỗ Anh Vũ, tiến trình cách tân thi ca được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn tiền hiện đại với việc lấy nghĩa làm cơ sở quan trọng nhất, thơ ca chú trọng về mặt nội dung và tư tưởng biểu đạt. Tiếp đó là giai đoạn hiện đại với mô hình từ chữ đến nghĩa, có những sự sáng tạo mới lạ trong hình thức và ngôn ngữ thơ. Cuối cùng là giai đoạn hậu hiện đại bắt đầu từ phương Tây vào thế kỷ XX, và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam từ thập niên 90. Hạt nhân của thi ca hậu hiện đại là tâm trạng của con người luôn trong trạng thái hoài nghi, chông chênh và đổ vỡ.

1111111.jpg
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà thơ Đỗ Anh Vũ chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cách tân chính là sự sáng tạo đích thực cao nhất của thi ca. Không có sự sáng tạo sẽ không có thơ, vì lúc đấy thơ chỉ là sự sao chép hình ảnh thiên nhiên và tâm trạng con người. Sự sáng tạo trong thơ đòi hỏi quá trình lao động nghệ thuật một cách có ý thức và chủ động. Người viết thông thường chỉ chú ý đến một vài hình ảnh, cảm xúc ban đầu, chính điều này gây ra lầm tưởng rằng thơ rất dễ làm, và ai ai cũng có thể làm thơ. Cái mới trong thơ không cần đến sự trình diễn cầu kỳ, mà hướng tới sự đổi mới nội dung đời sống.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà thơ Đỗ Anh Vũ đã dẫn chứng một số tác giả tiêu biểu cho cách tân thi ca đương đại, tiêu biểu là Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Thi Hoàng…

toan-canh-buoi-noi-chuyen-chuyen-de(1).jpg
Buổi nói chuyện chuyên đề thu hút đông đảo các hội viên tham gia.

Thơ của Lê Đạt là một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự cách tân thơ đầy sáng tạo. “Lê Đạt là một thi sĩ dày công chăm bón chữ nghĩa, tôi có cảm giác trước khi gieo trồng mỗi câu thơ của mình, ông làm chữ kỹ càng tới mức “xới đất, lật cỏ” như một nông phu cần mẫn làm đất chuẩn bị mọi thứ cho một vụ mùa gieo trồng mới của họ. Nhưng khác với công việc cày ải, gieo trồng của các nông phu, công đoạn làm chữ của một nhà thơ theo kiểu phu - chữ luôn cần tới một tố chất thiên bẩm khác, đó là khả năng khơi dậy sự sống động của cảm xúc và trí tưởng tượng từ những con chữ vô tri vô giác theo một cấu trúc ngôn ngữ thơ”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ.

Cách tân có thể xem như một tiến trình tất yếu của sáng tạo nghệ thuật. Với thi ca, vấn đề đổi mới được đặt ra như một nhu cầu bức thiết của mỗi người viết nhất là trong bối cảnh đương đại. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, cách tân cũng chính là một nỗ lực khám phá nội tâm con người, khiến cho độc giả đồng cảm được với những điều bài thơ biểu đạt, bởi ẩn chứa bên trong đó là mảnh ghép cuộc sống mà họ hằng quen thuộc. Cách tân thi ca không phải là một sự đánh đố độc giả, mà là diện mạo, bản sắc riêng của chủ thể sáng tạo, đồng thời phản ánh đặc trưng thời đại và là nỗ lực để thiết lập những giá trị mới về nghệ thuật thi ca hiện đại.

“Thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói của thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác, hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề, nhiều ý kiến phát biểu đều đồng tình cho rằng việc sáng tạo, đổi mới về mặt hình thức, ngôn ngữ là cần thiết, tuy nhiên người viết cũng không thể chỉ chú trọng cách tân mà lãng quên nội dung cần được truyền đạt trong tác phẩm. Theo GS. Trần Đăng Suyền, văn học là tấm gương phản chiếu đời sống, văn học chỉ có hình thức và câu chữ không thôi thì không thể là văn học. Mỗi tác phẩm đều cần phải có tư tưởng. Nhà văn lớn vừa phải là bậc thầy ngôn ngữ nghệ thuật, vừa phải chú ý đến nội dung tư tưởng. Còn nhà văn Linh Chi thì khẳng định, thơ ca là nơi chứa đựng những gì tinh túy nhất của ngôn ngữ, và dù sáng tạo đến đâu, người viết cũng nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt./.

Mai Anh