Văn hóa – Di sản

Vẻ đẹp của ngôi chùa thờ vị thiền sư đầu tiên được phong hiệu Quốc sư

Đình Vũ 15:41 07/07/2024

Chùa Non Nước tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) không chỉ là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

z5609264740505_eca18fd4e62917584023805eb16c09d5.jpg
Chùa Non Nước nằm ở độ cao 110m trên dãy núi Sóc , có tầm nhìn rộng và không gian kỳ vĩ.

Nằm trong quần thể khu di tích Đền Sóc, chùa Non Nước là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Hiện nay, sau nhiều lần phục dựng, trùng tu ngôi chùa là một công trình đồ sộ, mang những nét đẹp kiến trúc độc đáo.

Theo sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” và sách “Thiền Uyển Tập Anh” thì vị thiền sư đầu tiên trụ trì Sóc Thiên Vương Thiền Tự tên là Ngô Chân Lưu (933 - 1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Đó là vị thiền sư đầu tiên được nhà nước phong kiến của Việt Nam phong tặng danh hiệu Quốc sư - Tăng Thống - Danh hiệu tôn quý nhất của Đạo và đời.

chua_non_nuoc_-_nks.jpg
Chính điện chùa Non Nước được dựng từ 80 cột lim có chiều dài khoảng 13m, đường kính mỗi cột khoảng 35cm. Đây cũng là ngôi chùa có số cột gỗ lim trong chính điện nhiều nhất nước ta.

Cũng theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, Khuông Việt Quốc sư và Vạn Hạnh thiền sư đã có công rất lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, mở đầu cho một trong những thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử phong kiến nước ta. Khuông Việt Quốc sư cũng là vị thiền sư duy nhất trở thành “Việt Nam tam triều Quốc sư” (Đinh - Tiền Lê - Lý).

z5609265797063_d9ebf14f8460125cb324fda701a736a4.jpg
Ảnh và bài vị của các cao tăng được thờ tại chùa Non Nước.

Tương truyền, đến cuối đời Lý ngôi chùa này xuất hiên hai vị cao tăng xuất chúng là Trường Nguyên Thiền sư (1110-1165) và Nguyện Học Thiền sư (? - 1181), cả ba vị cao tăng này đều thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, một dòng thiền có nguồn gốc từ Trung Quốc được truyền bá vào Việt Nam năm 820 và phát triển ực rỡ nhất vào thời Lý.

snapedit_1720323960065.jpg
Pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng liền khối tại chùa Non Nước được nghệ nhân Vũ Duy Thuấn thực hiện tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định năm 2001. Pho tượng được đánh giá là một công trình nghệ thuật xuất sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của nước ta.

Năm 2001, chùa đã đúc thành công tượng Phật tổ bằng đồng liền khối cao 6,5m nặng 30 tấn. Đây là pho Đại Phật tượng liền khối lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Trải qua thời gian hàng nghìn năm, nhiều kiến trúc cổ của ngôi chùa đã đã biến mất. Những năm gần đây công trình này được phục dựng, tôn tạo trở thành một trong những ngôi chùa đẹp và lớn nhất miền Bắc.

Những nét độc đáo trong kiến trúc của chùa Non Nước.

z5603231409045_8b4b501dbaf763e81d7834c64ee184ab.jpg
Một trong hai lối lên nơi thờ các vị cao tăng tại chùa Non Nước.
z5609263952109_f128132c69d68158a9c00d07196ab989.jpg
Nơi thờ các vị cao tăng tại chùa Non Nước.
z5609626367533_241dfc377fb8c180c348cc4a9a4f6002.jpg
Không gian bên trái theo hướng của chùa.
z5609625623121_7960cf67fe3c265a66524e6cda948682.jpg
Không gian bên phải theo hướng của chùa.
z5609261718327_2431efaa465a7557bcb5c294c406e74b.jpg
Chiếc chuông lớn tại chùa được treo ở cổng của chính điện, phía bên phải theo hướng của chùa.

Đình Vũ