Văn hóa – Di sản

“Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ

Giang Văn Hồi 06:44 07/07/2024

Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.

nghi-le-ruoc-bat-huong-duc-thanh-phu-dong-thien-vuong-ve-ha-ma-mo-hoi-den-tam-tong-cua-thon-phu-ma-xa-phu-linh-huyen-soc-son-ha-noi.jpg
Nghi lễ rước bát hương Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương về Hạ Mã mở hội đền Tam Tổng của thôn Phù Mã, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Từ lúc đó, cậu lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Dân chúng tứ xứ cùng nhau góp của, góp công đáp ứng mọi yêu cầu của cậu. Bữa ăn hằng ngày của cậu là:

Ba nong cơm bảy nong cà,
Uống một hớp nước cạn đà khúc sông.

Cơm nấu từ gạo của muôn dân bách tính, còn cà nhiều vậy thì lấy ở đâu ra?

Từ xa xưa, làng Bẽ ở huyện Đông Ngàn (tên cũ của huyện Đông Anh) có nghề trồng cà. Nghe tin ông Gióng ăn khỏe, ăn nhiều cà nên dân làng mang đến để ông dùng.

Làng Bẽ ban đầu gọi là Vùng Lầm, nằm ở bờ Nam sông Nguyệt Đức, sau đổi thành làng Xuân Non (mùa xuân non trẻ) và dần biến âm là Xuân Nộn. Làng Xuân Nộn nay thuộc xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.

img_3515.jpg

Mặc dù tên làng đã thay đổi nhiều lần nhưng quả cà ở nơi đây vẫn luôn gọi là cà Bẽ. Cà làng Bẽ là loại cà bát, quả chọn làm giống to bằng cái bát ăn cơm, gồm ba loại: cà trắng, cà tím, cà da ếch. Cà Bẽ được trồng vào đầu tháng Hai và thu hoạch vào đầu tháng Tư âm lịch hằng năm. Ca dao có câu:

Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà.

Lại nói, sau khi đánh tan giặc Ân và trở thành Thiên thần, được người dân thờ cúng và mở hội tưởng niệm, ngài vẫn nhớ món cà ghém của làng Bẽ mà ngài đã ăn. Vì thế mà hằng năm, hồn thiêng của ngài về quê giáng hội Phù Đổng, rồi ngài lại cưỡi mây lướt gió băng qua cánh đồng làng Bẽ vào tối ngày 8 tháng Tư. Kỳ lạ thay, đêm ngày mồng 8 tháng Tư năm nào cũng có giông bão. Năm nào ngài bay từ quê nhà lên Từ Sơn qua làng Bẽ về đền Sóc thì năm ấy bão nhẹ. Năm nào ngài bay theo ven sông Hồng lên làng Bẽ qua đất Chèm, huyện Từ Liêm, gặp vua Chèm (tức Lý Ông Trọng), hai thánh (Thánh Đổng vua Chèm) gặp nhau thì màn chào hỏi trở thành bão tố nghiêng cây, trốc nhà. Trận giông bão đêm mồng 8 tháng Tư đến nay vẫn còn diễn ra, dân gian gọi là trận bão “Thánh Gióng hái cà”.
Truyền đời, từ rất xa xưa, dân làng Bẽ trồng cà vào đầu tháng Hai. Dân làng dành 5 sào ruộng tốt ngay trước cửa đình làng để giao cho các giáp trong làng thay phiên trồng cà tiến. Ruộng cà tiến được chăm sóc cẩn thận, không có sâu bệnh, cây lá tốt tươi, hoa sai, quả đẹp.

Để tiến cà, người làng Bẽ lại đan thúng riêng để đựng gọi là thúng Bẽ. Thúng bình thường đựng khoảng 16kg thóc thì thúng Bẽ đựng cà khoảng 20kg, miệng thúng rộng hơn để cà khỏi lăn ra ngoài.
Sau trận “bão hái cà” mồng 8, sáng mồng 9 tháng Tư là ngày khai hội Phù Đổng hằng năm ở huyện Gia Lâm thì dân làng Bẽ sẽ đồng loạt đi nhặt và hái cà. Cà hái ở ruộng cà tiến đem rửa sạch, xếp lại cho đầy các thúng rồi các chị các cô gánh về sân đình để làm lễ trình Thành hoàng làng. Sau đó cà được gánh lên đền Sọ Tam tổng tiến lễ. Kể từ giờ phút đó về sau, cà làng Bẽ mới được thu hái và đem bán ở các chợ trong vùng.

Cũng kỳ lạ thay, từ đây cà Bẽ ăn mới ngọt, chứ trước ngày mồng 8 tháng Tư, cà Bẽ ăn còn chát.

Cà tiến lễ đền Sọ, làm lễ trình Thánh xong, được đưa về hai làng: Sọ Đông (Phù Lỗ Đông) và Sọ Đoài (Phù Lỗ Đoài) để các bà các cô làm cà ghém.

Để có quả cà ghém không mặn, không chua, giòn và có vị ngọt, người ta dùng dao thái quả cà theo chiều từ cuống xuống rốn, sâu độ ba phần tư quả cà, thái một quả làm 4 hoặc 6 miếng nhưng vẫn gắn với nhau. Sau đó, rắc muối lên cuống của quả cà sao cho đầy cả ngọn mà muối không vãi xuống. Người ta đặt nhẹ nhàng từng quả vào vại thành từng lớp, các lớp chồng lên nhau rồi nén lại.

Để có quả cà ghém còn nguyên màu trắng, tím hoặc da ếch, không bị đen hoặc có mùi lạ, thì không được nén cà bằng đá. Nếu nén bằng đá, một vài quả sẽ bị nổi, cà nổi là bị đen; và cả vại cà sẽ có mùi đá ngâm, không ăn được. Vì vậy vại nén cà phải là vại sành, cái trong chồng vừa khít vào cái ngoài. Loại vại này làm ở lò gốm Thổ Hà hoặc Hương Canh, ngày nay vẫn còn bán ở nhiều nơi. Khi đã xếp cà đầy vại, người ta đặt vại nhỏ vào trong và đổ đầy nước để tạo sức nén. Và như thế, toàn bộ cà được ngâm trong nước cà, vô cùng sạch sẽ, cà không đổi màu, khi chín lấy cà ở vại để sắp lễ, mỗi quả cà thành 4 miếng hoặc 6 miếng xòe nở như những cánh hoa. Khi thụ lộc, cà ăn giòn, ngọt và thơm.

Cà ghém được để nguyên tám tháng từ tháng Tư năm trước đến tháng Hai năm sau. Đến lễ hội tháng Hai của đền Sọ Tam tổng, những quả cà này được đem ra lễ thần vào ngày giã hội. Đó là tiệc khao quân của các làng khi kết thúc hội rước đền Sọ Tam tổng, với ba món chính là cơm nắm, muối vừng và cà ghém làng Bẽ.

Từ xa xưa, lễ hội Tam tổng đền Sọ được tổ chức quy mô. Đám rước của ba tổng: tổng Sọ, tổng Xuân Nộn, tổng Phù Xá gồm 16 xã. Mỗi xã rước 2 kiệu: kiệu bát cống, kiệu hậu bành, tổng cộng là 32 kiệu. Đoàn rước rất đông người, cờ hoa, đồ tế khí rực rỡ náo động một vùng rộng dài mấy cây số. Đoàn rước xuất phát từ các làng, rước lên đền Sọ trình Thánh, rồi từ đền Sọ, đoàn rước hàng tổng lên đền Mã, từ đền Mã vào đền Sóc, và sau đó lại rước về đền Sọ theo chiều ngược lại.

Trước đây, hội đền Sọ Tam tổng diễn ra suốt 12 ngày, từ ngày 8 đến 20 tháng Hai hằng năm, đến khi Pháp và Mặt trận Việt Minh đấu tranh vào hồi quyết liệt, từ năm 1944 trở đi, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi 21 năm chống Mỹ cho đến ngày 30/4/1975 không còn hội hè đình đám nữa. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, lễ hội ở các làng quê, trong đó có đền Sọ được mở lại, nhưng lễ vật và các nghi lễ đơn giản hơn trước rất nhiều.

Ngày nay, trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa, cánh đồng làng Bẽ rộng bạt ngàn năm xưa đã thành khu công nghiệp với các nhà máy lớn: nhà máy bi, nhà máy khóa, nhà máy xích líp, xí nghiệp thịt bò Úc, trường Việt - Hàn... Ruộng hết, cà Bẽ không còn, kéo theo lễ tiến cà đền Sọ cũng không còn nữa, nhưng hằng năm, vào ngày 8 tháng Tư vẫn có “bão hái cà”... Quý thay tấm lòng cao cả của Đức Thánh, những người đã giúp ngài thuở hàn vi, ngài chẳng bao giờ quên!

Giang Văn Hồi