Văn hóa – Di sản

Di tích Trung Giã: "Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Hải Truyền 09:59 04/07/2024

Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã (thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) là nơi diễn ra cuộc hội đàm giữa Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và phái đoàn quân đội Pháp từ ngày 4/7-27/7/1954 để bàn về tất cả các vấn đề mà cuộc đàm phán ở Genève đặt ra. Di tích đang được huyện Sóc Sơn và TP. Hà Nội lên kế hoạch tôn tạo, tu bổ trở thành không gian giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Thủ đô cho thế hệ trẻ.

dsc02645.jpg
Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã hiện nay có tổng diện tích gần 1,5ha.

Khu Di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã (còn được gọi là khu Di tích Hội nghị quân sự Trung Giã) là nơi diễn ra Hội nghị quân sự đặc biệt quan trọng giữa Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và phái đoàn Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các lực lượng Pháp tại Việt Nam từ ngày 4/7 đến ngày 27/7/1954.

dsc02721.jpg
Biển chỉ dẫn vào khu di tích trên Quốc lộ 3 tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Nằm cách Quốc lộ 3 chỉ khoảng 200m, trên một quả đồi với không gian rộng rãi, yên tĩnh, di tích hiện đang được chính quyền địa phương bố trí nhân lực trông coi, chăm sóc.

dsc02687.jpg
Không gian phòng họp của Hội nghị quân sự Trung Giã được phục dựng.

Theo tư liệu lịch sử, Hội nghị quân sự Trung Giã được tổ chức để bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Genève đang đồng thời diễn ra.

dsc02714.jpg
Tấm biển giới thiệu về Hội nghị quân sự Trung Giã từ ngày 4/7-27/7/1954 gắn ở lối vào khu di tích.

Năm 2002 công trình đã được xếp hạng di tích cấp thành phố. Tuy nhiên đến nay di tích này vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi đến thế hệ trẻ bởi những hạn chế về cơ sở vật chất, không gian bảo quản, trưng bày tư liệu.

dsc02676.jpg
Nhà trưng bày tại khu di tích.

Do hoàn cảnh chiến tranh nên cơ sở vật chất chuẩn bị cho Hội nghị quân sự Trung Giã lúc bấy giờ chỉ là các dãy nhà tạm bằng lều bạt, tre nứa. Riêng khu vực phòng họp là được phía Pháp dựng bằng khung thép lợp mái tôn. Tuy nhiên, sau 70 năm những cơ sở vật chất đó phần lớn đã hư hỏng.

dsc02669.jpg
Quang cảnh hiện tại của đồi Xuân Sơn nơi diễn ra Hội nghị quân sự Trung Giã cách đây tròn 70 năm.

Năm 2017 công trình đã được tu bổ nhưng mới chỉ dừng lại ở bước khôi phục một số hạng mục theo tư liệu lịch sử như khu phòng họp, các dãy nhà ở của hai phái đoàn, xây dựng tường rào, nhà trưng bày ảnh tư liệu,…

z5594245246592_2889a26905f84c2619259d87d025cc39.jpg
Di tích Hội nghị quân sự Trung Giã là 1 trong 25 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và địa điểm lưu niệm sự kiện của Hà Nội tiêu biểu đang được gới thiệu, trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò từ ngày 1/7 đến 15/9/2024.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của di tích, UBND huyện Sóc Sơn đã có báo cáo đề xuất chủ chương đầu tư dự án tôn tạo, tu bổ công trình này. Theo kế hoạch, công tác khảo sát, thẩm định sẽ được tiến hành ngay trong tháng 7.

dsc02694.jpg
Ảnh tư liệu về Hội nghị quân sự Trung Giã tại nhà trưng bày trong khu di tích.

Trao đổi với phóng viên Người Hà Nội đồng chí Ngô Thế Bích, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã cho biết, đây là địa danh lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn liền với thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trung Giã mong muốn di tích sẽ sớm được tôn tạo, tu bổ trở thành không gian giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Thủ đô cho thế hệ trẻ./.

Hải Truyền