Đời sống văn hóa

Kỳ 3 : Nhà nghiên cứu nói gì về "Thiên Cẩu" và "Thần Cẩu"

Hà Oai 01/07/2024 08:35

Nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng sở dĩ có sự khác nhau giữa hai cách thờ "Thiên cẩu" và "Thần cẩu" bởi: Miếu thờ “Thần Cẩu” ở làng Bao La – Đức Nhuận là sản vật của văn hóa Chămpa và 2 miếu thờ “Thiên Cẩu” ở TDP Trung Đông là sản vật của văn hóa Việt chịu sự ảnh hưởng của đạo giáo.

Trong thế giới muông thú, chó là một trong những loài động vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm và trở thành vật nuôi quen thuộc trong mỗi gia đình với nhiệm vụ trông coi tài sản, bảo vệ chủ và trấn áp kẻ xấu. Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và quan niệm của người Việt nói riêng, chó là loài vật trung thành và đem lại may mắn nên dân gian ta có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Tục thờ chó đá được biểu hiện dưới nhiều hình thức khá phổ biến trên thế giới và người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ coi như một bậc thần linh.

z5575677646757_8bf3d3a2dded1ffe85f035433f5865ef.jpg
Thờ chó đá ở làng Bao La - Đức Nhuận.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đại Vinh, đạo giáo (Trung Quốc) quan niệm “Thiên cẩu” là “con chó trời” và là linh vật có thể trấn yểm những hung khí xấu ác ở phía trực diện của không gian lưu trú mà con người sinh sống. Tại Việt Nam có ảnh hưởng của đạo giáo Trung Quốc, nên ở Phổ Trung người dân dựng tượng chó đá thờ gọi là “Thiên Cẩu” để chế ngự khí xấu từ nghĩa địa (khoảng 5 – 7 ngàn ngôi mộ) của làng Phú Khê nằm phía trực diện. Trong khi đó thì làng Phổ Đông cũng dựng chó đá gọi là “Thiên Cẩu” để chế ngự đình làng Phú Khê (trước đây nơi thờ chó đá có đình làng Phú Khê).

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết, “Yểm hay chế ngự đó là tâm lý của người Việt nói chung và chịu sự ảnh hưởng của đạo giáo Trung Quốc và “Thiên cẩu” là một con linh vật hóa thần để trấn, yểm, chế ngự và đem lại sự an lành”. Để nói rõ hơn về “Thiên Cẩu”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết thêm, “múa lân vào dịp rằm tháng 8 hàng năm từ Thừa Thiên Huế vào đến Hội An (Quảng Nam) trước đây được gọi là múa “Thiên Cẩu”, còn múa lân là mới du nhập sau này”.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đại Vinh, miếu thờ chó đá ở làng Bao La – Đức Nhuận thường được gọi chó đá. Nhưng người Việt gọi “Thần Cầu”, “Thiên Cầu” ý nói về 2 con chó đá ở Phổ Trung – Phổ Đông bởi là linh vật chế ngự hung khí phía đối diện. Tượng “Thần Cẩu” ở làng Bao La – Đức Nhuận là sản vật của văn hóa Chămpa, còn 2 tượng “Thiên Cẩu” là sản vật của văn hóa Việt chịu sự ảnh hưởng của đạo giáo Trung Quốc”.

z5575672828167_b3014e476bd68371f455e0930f10fc9d.jpg
Thờ chó đá hay là "Thiên Cẩu" ở thôn Phổ Trung.
z5575672830551_79146c5fb21dcc04262e1f9a9d7a2070.jpg
Thờ chó đá hay là "Thiên Cẩu" ở thôn Phổ Đông.

“Trước đây, hai tượng “Thiên Cẩu” ở TDP Trung Đông làm bằng vật liệu đá và nhìn vào linh thiêng hơn nhưng đã bị lấy mất nên sau này chó đá làm bằng gốm thì ý nghĩa thiêng ít. Những người trẻ bây giờ đến thắp hương không phải tôn sùng mà đó là thói quen ứng xử với các am miếu, những người tham gia công việc trong xóm hiện nay có thể thắp hương 30, mồng 1 và rằm, có thể đặt hoa quả để cúng với “tâm lý có thờ có kiêng có thiêng có lành”” – ông Trần Đại Vinh nhấn mạnh./.

(Hết)

Hà Oai