Chuyển động Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi): Thêm nguồn lực phát triển di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội

Phạm Quỳnh 30/06/2024 16:29

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, với nhiều chính sách đặc thù tạo động lực cho Hà Nội phát triển thành Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) có chính sách về phát triển văn hóa, sẽ góp phần bảo vệ và phát triển văn hóa phi vật thể Hà Nội nói riêng xứng với truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

Sự chủ động làm nền tảng…

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến Thành phố di sản, Thành phố Sáng tạo, Thành phố vì hòa bình. Đặc biệt, trải qua lịch sử nghìn năm hình thành và phát triển, Thủ đô Hà Nội quyến rũ, đặc sắc hơn so với những thành phố khác trên thế giới bởi hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn.

cheo-tau.jpg
Câu lạc bộ chèo tàu Tân Hội (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) tập hát tại Lăng Văn Sơn.

Đến nay, Hà Nội đã kiểm kê được 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đa dạng các loại hình, từ lễ hội, tập quán xã hội đến tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ngữ văn dân gian… Trong đó một số di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như ca trù, kéo co ngồi và rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận. Đặt chân đến vùng đất nào của Hà Nội đều bắt gặp di sản văn hóa phi vật thể nổi bật, đó không chỉ là những lễ hội truyền thống đặc sắc mà còn là lời ca, tiếng hát của hò cửa đình, hát dô, hát ví, chèo tàu, dân ca, hát trống quân…

Xác định “Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”, Thành phố Hà Nội thời gian qua đã huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Điển hình, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Trong đó, mỗi năm, Hà Nội sẽ xây dựng 3 - 4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng đó, thành phố biên soạn các đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố Hà Nội đồng thời tổ chức từ 2 - 3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thành phố huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước trong việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đa dạng nguồn lực thực hiện kế hoạch qua các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

ca-tru-7.jpg
Nghệ nhân ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà) truyền dạy ca trù cho các em thiếu nhi.

Trước khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Thành phố Hà Nội đã có những chính sách quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Hà Nội đã vinh danh các nghệ nhân, những người sáng tạo, gìn giữ, phát huy và trao truyền lại cho các thế hệ kế tiếp để các loại hình di sản văn hóa truyền thống được tồn tại, phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội. Đây thể hiện sự quan tâm của Hà Nội, đồng thời cũng thực hiện đúng tinh thần của Công ước quốc tế 2003 “Nghệ nhân dân gian là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy của mọi hiện tượng văn hóa phi vật thể. Không có nghệ nhân dân gian thì cũng không có văn hóa dân gian”.

Đến sự đột phá của Luật Thủ đô (sửa đổi)

Không thể phủ nhận, Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có thêm chính sách đặc thù, vượt trội mà nổi bật là các chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân. Số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian tại Hà Nội chưa được phong tặng danh hiệu rất lớn, vì thế nếu có chính sách chăm lo cho đối tượng này sẽ giúp công tác gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội tốt hơn.

Trong chính sách phát triển văn hóa, Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Bên cạnh đó, HĐND Thành phố Hà Nội quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Qua gặp gỡ với nhiều nghệ nhân ca trù, hát dô, hò cửa đình và múa bài bông, hát trống quân, múa “con đĩ đánh bồng”, múa rối cạn và rối nước, chèo tàu…, rất nhiều nghệ nhân chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, mong muốn cơ quan chức năng, ngành văn hóa có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần để các nghệ nhân có thêm động lực gìn giữ, trao truyền di sản tới thế hệ sau.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền – “chị cả” của ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh), chia sẻ, nhiều năm qua tự bỏ kinh phí và biến ngôi nhà của mình thành lớp học truyền dạy các lời ca, tiếng phách, trống chầu của nghệ thuật ca trù cho các bạn trẻ tại địa phương. Tuổi ngoài 80 nhưng nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền vẫn tâm huyết, đem hết những tinh hoa của ca trù còn lưu giữ được để truyền lại cho lớp trẻ, với tâm niệm sống chết với ca trù.

hat-do2.jpg
Các hạt nhân trẻ hát Dô xã Liệp Tuyết trình diễn tại Lễ hội Chùa Thầy (huyện Quốc Oai) năm 2024.

Tương tự, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) – người phụ nữ từng bị dân làng nói “bị ma làm” và “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi dành nhiều thời gian, tâm sức khôi phục, sưu tầm về nghệ thuật hát dô, bà Lan vẫn vượt lên tất cả để giữ lại di sản văn hóa phi vật thể nức tiếng của xứ Đoài và Hà Nội. Qua gian nan và thử thách, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan mở nhiều lớp truyền dạy, ươm mầm được hàng ngàn thanh thiếu nhi biết hát dô, qua đó lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể này đến cộng đồng xã hội và hát dô hôm nay đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ.

Nỗ lực của Thành phố Hà Nội thời gian qua đã giúp Hà Nội lưu giữ, bảo vệ được các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Lại càng có thêm sức bật bởi Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua, đã có quy định đặc thù, đó là HĐND Thành phố quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Những chính sách này trong Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện tính đột phá, sẽ tạo nên làn gió mới cho việc bảo vệ, phát triển văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật hơn trong tương lai. Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thi hành, Luật sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó phải kể tới sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến./.

Phạm Quỳnh