Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - Huế- Sài Gòn
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:21, 03/10/2020
Ngày 3/10, tại Hà Nội, Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - Huế- Sài Gòn (8/10-1960-8/10/2020).
Dự tọa đàm, gặp mặt, về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phốChu Ngọc Anh; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế dự tọa đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Cái Vĩnh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thái Sơn.
Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh tham dự có Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức…
Các đại biểu dự buổi Tọa đàm |
|
Hà Nội – Huế - Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, lịch sử dân tộc ta đã khẳng định Hà Nội – Huế - Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”, trải qua các thời kỳ lịch sử đã hợp sức cùng nhau trong lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi dân tộc đã được thể hiện sinh động trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Cách đây 60 năm, theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đầu tháng 10-1960, do Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội làm Trưởng ban. Vào tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn. “Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế - Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về Hà Nội, Huế, Sài Gòn trước buổi Tọa đàm |
|
Phong trào kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn từ đây đã phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả to lớn trên địa bàn Thủ đô. Nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đều hướng về miền Nam ruột thịt. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.560 người con ưu tú của Thủ đô đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, với những năm tháng đầy khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội cùng Huế, Sài Gòn từng bước vượt qua khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới…
Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế- Sài Gòn (8/10-1960-8/10/2020) |
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng vui mừng thông báo đến các đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, các nhân chứng những thành quả của Đảng bộ thành phố Hà Nội sau 35 năm đổi mới: kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại; sự nghiệp văn hóa, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ tiếp tục phát triển. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Thủ đô có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng…
Qua buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tin tưởng, mối quan hệ đặc biệt giữa ba thành phố tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân bồi đắp thêm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để mối tình keo sơn thêm bền chặt, thực sự “là cây một cội, là con một nhà”.
“Đây cũng là nền tảng để ba thành phố vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc tọa đàm |
|
Dấu ấn sâu đậm của tình đoàn kết
Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, ba địa danh Thăng Long, Thuận Hóa, Gia Định hay Hà Nội, Huế, Sài Gòn là ba cột mốc quan trọng. Mối quan hệ lâu đời giữa ba địa phương Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng tạo nên sự phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ cũng như trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Mối tình kết nghĩa giữa ba thành phố thể hiện tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Đồng hành với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn hướng về Hà Nội nghìn năm văn hiến và tự hào về thành phố Hồ Chí Minh “Thành đồng Tổ quốc”. Chúng tôi đánh giá cao và chúc mừng những thành quả to lớn của công cuộc xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu, 60 năm qua, mỗi bước phát triển của Thừa Thiên Huế bên cạnh nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, còn mang đậm dấu ấn nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu |
|
Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị ba thành phố tập trung tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đồng chí Lê Trường Lưu cũng đề nghị tăng cường trao đổi về cách làm hay trong giải quyết các vấn đề ở cơ sở; đẩy mạnh hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, phát triển đô thị, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch, thương mại; văn hóa, xã hội; an ninh quốc phòng...
“Khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất tổ quốc của dân tộc Việt Nam”
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhắc lại, cách đây 60 năm, ngày 8/10/1960 tại Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, đã diễn ra một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử: Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Sự kiện mang biểu tượng khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất tổ quốc của dân tộc Việt Nam: Hà Nội, Huế, Sài Gòn “là cây một cội, là con một nhà”.
Mối tình thắm thiết keo sơn ấy đã ghi vào những trang sử vẻ vang của 3 tỉnh, thành và mãi khắc sâu trong lòng Nhân dân cả nước; động viên Nhân dân Hà Nội nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, cổ vũ Nhân dân Huế, Sài Gòn và miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Tình nghĩa keo sơn gắn bó đó là một trong những nền tảng tạo nên sức mạnh to lớn trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Mỗi chiến công vang dội, là sự hòa quyện của lòng căm thù mãnh liệt, của ý chí quyết tâm, của mối tình keo sơn chia ngọt sẻ bùi của quân và dân ba Thành phố; là tinh thần một lòng cùng động viên nhau trong chiến đấu, lao động và sản xuất, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; là niềm tin mãnh liệt cùng nhân dân cả nước sát cánh bên nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục kinh tế.
Việc kết nghĩa của ba Thành phố đã góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối và cùng vun đắp phát huy truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Tọa đàm |
|
Sau ngày đất nước thống nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đặt đổi một số tển đường như đường Hà Nội, đường Bến Nghé. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên Xa lộ Biên Hòa thành Xa lộ Hà Nội.
Nối tiếp truyền thống quý báu đó, Hà Nội, Huế, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chương trình hợp tác giữa ba Thành phố được ký kết, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau ừên các mặt kinh tế xã hội, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu phát triển và hội nhập.
“Mối tình sắt son đó sẽ mãi mãi thắm tươi trên những công trình mang dấu ấn chung trong quy hoạch và phát triển, trong từng chương trình kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch; thương mại; văn hóa - xã hội; y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội của ba Thành phố”, ông Dương Anh Đức bày tỏ.
Góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc
Tham luận tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với đồng bào miền Nam ruột thịt thể hiện bằng phong trào kết nghĩa Hà Nội với hai thành phố lớn nhất ở miền Nam: Huế và Sài Gòn. Một Ban Vận động đã được thành lập do bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội làm Trưởng ban. Tối ngày 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình, Ban Vận động đã tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa giữa ba thành phố. Hội nghị đã ra lời kêu gọi toàn thể dồng bào Thủ đô hãy mang hết tình ruột thịt Bắc Nam và ý chí đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia vào mọi phong trào kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn.
Được tấm gương kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn khích lệ, nhiều địa phương trong cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào kết nghĩa giữa các địa phương ở hai miền đất nước, như Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng, Vĩnh Phúc kết nghĩa với Bến Tre, Ninh Bình kết nghĩa với Cà Mau, Thanh Hóa với Quảng Nam, Nghệ An với Quảng Ngãi...
Sự gắn bó giữa miền Bắc với miền Nam, giữa các địa phương hai miền với nhau đã là nền tảng vững chắc tạo nên sức mạnh Việt Nam, được biểu hiện qua các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “Thanh niên sẵn sàng đi bất cứ đâu khi tổ quốc cần” và khí thế ra quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
|
Mùa Xuân năm 1975, sau hơn 20 năm chiến đấu, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Nhân dân Hà Nội lại sát cánh cùng với nhân dân Huế, Sài Gòn (từ năm 1976 đã được chính thức mang tên là thành phố Hồ Chí Minh) khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và khoa học đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có vị trí xứng đáng về chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của cả nước trong công cuộc đổi mới hiện nay.
60 năm nhìn lại phong trào kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn là dịp để thấy rõ mối tình đoàn kết keo sơn của quân và dân ba thành phố, của các tỉnh trong cả nước, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc, đưa nước ta ngày càng phát triển vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh...
Tham luận với chủ đề “Huế trong lịch sử dân tộc và mối quan tương quan Huế - Hà Nội - Sài Gòn”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, “Hà Nội-Huế-Sài Gòn, là cây một cội, là con một nhà” không chỉ là một khẩu hiệu chính trị, mà là một thực tế lịch sử. Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn - Gia Định.
Về mối tương quan giữa ba thành phố, tham luận của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, Hà Nội, Huế, Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Một điểm chung của ba thành phố này là đều đã từng là kinh đô hoặc thủ đô, thủ phủ của mỗi miền trong tiến trình lịch sử đất nước. Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng, trong tiến trình lịch sử Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất, đất nước, thống nhất quốc gia dân tộc. Tình cảm nghĩa tình giữa ba thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã đi vào lịch sử, khiến những người may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử đấu tranh gian khổ vẫn bồi hồi xúc động mỗi khi hồi tưởng lại.
Tình nghĩa không gì có thể lay chuyển được
Buổi tọa đàm cũng giao lưu với các nhân chứng lịch sử: GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; GS.TS Trình Quang Phú – Viện trưởng viện Phương Đông, TP Hồ Chí Minh; ông Lê Thành Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) giai đoạn từ tháng 1/1970 -2/1972 và từ 2/1983 - 3/1987; Chủ tịch ƯBND xã từ 2/1968 - 5/1970 và 5/1987 -11/1989; bà Trần Thị Hằng, nguyên Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp Định Công.
Các đại biểu giao lưu, trò chuyện tại buổi Tọa đàm |
|
Đáng chú ý, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Đông Phương thành phố Hồ Chí Minh (cán bộ Ban Thống nhất Trung ương trong thời kỳ chống Mỹ) kể lại kỷ niệm: Đó là trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đưa dũng sĩ Phan Văn Gừng (Sài Gòn) đi thăm trận địa pháo cao xạ trên đê sông Hồng. Đó là thời kỳ ở Hà Nội và miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam. Khi đoàn cán bộ Sài Gòn vừa đến nơi thì máy bay Mỹ tấn công; đúng lúc ấy cô tiểu đội trưởng ở đó hô to: “Vì Sài Gòn, Huế, nhằm thẳng quân thù, bắn!”.
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú nhấn mạnh: “Đó là những hình ảnh đã ngấm vào máu, vào con tim khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Tình nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn nói riêng và hai miền Nam Bắc nói chung được xây nên bằng máu, bằng xương nên không gì có thể lay chuyển được”. Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đại diện tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh tham gia buổi toạ đàm.
KTĐT