Lý luận - phê bình

Độc đáo thơ đố của Phạm Đình Ân

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ 06:46 28/06/2024

Nhà thơ Phạm Đình Ân là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi... lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua, đạt nhiều thành tựu. “Vui cùng thơ đố” (NXB Phụ nữ, 2023) là tập thơ thứ hai của Phạm Đình Ân về thơ đố, cũng là đầu sách thứ hai mươi của tác giả này dành cho thiếu nhi - không kể 20 tập sách hợp thành ba đầu sách biên soạn.

download.jpg
Nhà thơ Phạm Đình Ân.

Nhận được tập sách mới ông tặng, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm đẹp, đó là mối tương giao văn chương - báo chí giữa hai anh em. Những năm tôi phụ trách báo Người Hà Nội, ông lui tới thường xuyên, cộng tác tích cực. Tôi lưu tâm đến văn học thiếu nhi nên đã nhiệt tình mời ông góp bài. Hơn thế, còn đề nghị nhà thơ tham gia chủ biên chuyên trang hằng tuần “Dành cho trẻ em” của báo. Chuyên trang này mở đầu từ năm 2010 và kết thúc năm 2016. Đó là một sản phẩm báo chí định kỳ lạ và hiếm, đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác thơ văn cho trẻ em, vì trẻ em.

pda.jpg

Thơ đố đã có từ dân gian cổ truyền. Cũng có thơ đố hiện đại nhưng thường tồn tại bằng câu, cụm câu. Trên sách báo lâu nay cũng có thơ đố viết thành từng bài.Tác giả Phạm Đình Ân làm khác, độc đáo. Ông tổ chức những nhóm bài được liên kết hệ thống thành một cuốn sách có bố cục chặt chẽ. Lời giải đặt ngược ở cuối sách, cũng là việc lạ, xưa nay chưa ai làm, hóm hỉnh, bất ngờ. Ông có ý nói rằng các bạn nhỏ hãy kiên nhẫn giải đố, thấy khó thì nhờ người lớn giúp đỡ, đừng láu táu mở lời giải ra. Đấy là một chi tiết giáo dục thẩm mỹ về kỹ năng sống cho trẻ em đầy khéo léo, thâm thúy.

Sách có 32 bài đố bằng thơ lục bát, kèm 32 cụm văn xuôi là lời giải. Phần I: Từ đầu qua bụng xuống chân gồm 17 bài đố về các bộ phận thân thể con người (nhìn phía ngoài) lần lượt từ trên xuống dưới: đầu, tóc, mặt, mắt, tai, mũi, răng, miệng, lưỡi, cổ, vai, da, tay, bụng, lưng, ruột, chân. Phần II: Miên man cái biết mọc mầm, trổ hoa, gồm 15 bài đề cập các sự việc thông thường: nói, cười, hát, đi, đứng, ngồi, chạy, nằm, trông, nghe, hỏi, học, làm, ăn, chơi.

Điều đáng chú ý là hầu hết các bài thơ, câu đố, tác giả không dừng lại ở việc nêu đơn giản nguyên gốc sự vật - hình ảnh (ở phần I), sự việc - hoạt động (ở phần II) mà dùng các biện pháp ẩn dụ, hoán dụ... để liên tưởng nhằm mở rộng nội dung. Sự vật, sự việc đưa ra ở nhan đề bài thơ chỉ là cái cớ để sáng tạo thơ, đó là tứ thơ được hình ảnh hóa. Thí dụ nói về cái đầu thì tác giả ngầm hướng người đọc đáp lại là: “đầu tiên, đầu bạc răng long, đầu tàu, đầu đàn, đầu sóng ngọn gió, đầu mối, đầu gối, đầu tắt mặt tối, đầu cua tai nheo, đầu trộm đuôi cướp, đầu thú, đầu trâu mặt ngựa, đầu têu”. Xin dẫn ra 2 câu:

Đầu gì từ ấy tỏa đi?
Đầu gì đã mỏi là khi muốn ngồi?
(Đáp: đầu mối, đầu gối)

Hoặc hỏi Nói gì?, bài thơ đố gợi ý trả lời là: “Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay, nói có sách mách có chứng, nói như đinh đóng cột, nói một đằng làm một nẻo, nói ngọt, nói lái, nói vuốt đuôi, nói ngang, nói hươu nói vượn, nói toạc móng heo, nói đãi bôi, nói cứng, nói khích, nói kháy, nói mát, nói kiến trong lỗ bò ra”. Xin dẫn ra 2 câu:

Nói gì không dọc không xuôi?
Nói gì khoác lác thú nơi rừng già?
(Đáp: nói ngang, nói hươu nói vượn)

Thơ lục bát của Phạm Đình Ân rất trau chuốt, hoàn toàn khớp vần. Từ trước đến nay ông đã làm đến nghìn câu lục bát dành cho trẻ nhỏ. Thơ đố bằng lục bát dễ phạm nhược điểm là trúc trắc, gượng gạo (do vướng vào việc gợi câu trả lời). Đối với Phạm Đình Ân, ông viết thanh thoát, uyển chuyển, bổng trầm, ngân nga như chơi, như giỡn đùa với cây lá gió trăng vậy. Hỏi Mũi gì?, có thơ: Đầu đứng dưới, lưỡi nằm trên/ đã không biết liếm sao bền nắng mưa? (Đáp: Lưỡi trai, mũ lưỡi trai). Hỏi Hát gì?, có thơ: Hát gì cái ngủ lơ mơ/ Trăng sương dời dợi bãi bồi ca dao? (Đáp: Hát ru, hát ru con). Hỏi Học gì?, có thơ: Học chi chân bước xa gần/ miên man cái biết mọc mầm trổ hoa? (Đáp: Đi một bước đàng, học một sàng khôn).

Tập thơ đố đã gợi ý cho bạn đọc sử dụng gần trăm câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, cùng lời nói hàng ngày thú vị, đậm chất văn chương để giải đố. Thống kê cho thấy khi hỏi về cái đầu, tác giả đã gợi ý sáu thành ngữ; bài Tay gì? có năm thành ngữ, một tục ngữ; bài Nói gì? có sáu thành ngữ, một tục ngữ; bài Trông gì? có hai thành ngữ, một tục ngữ, một lời ca dao; bài Ăn gì? có năm thành ngữ, ba tục ngữ, một lời ca dao. Cụ thể, bài Ăn gì? ẩn giấu thành ngữ, tục ngữ và ca dao như sau: Ăn nhờ ở đợ (thành ngữ), Ăn sóng nói gió (thành ngữ), ăn ốc nói mò (thành ngữ); Ăn trông nồi, ngồi trông hướng (tục ngữ), Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối (tục ngữ); Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (ca dao).

cau-do-meo.jpg

Có thể nói “Vui cùng thơ đố” đạt được hiệu quả nghệ thuật cao, góp phần đẩy thơ đố và tập thơ lên một bước phát triển mới. Ngoài ra, thơ đố của Phạm Đình Ân còn kích thích sự ham hiểu biết về thơ của trẻ; giúp trẻ trau dồi ngôn ngữ văn chương, hiểu thêm văn hóa dân gian thông qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao… cũng như biết yêu quý, trân trọng thể thơ lục bát dân tộc. Bên cạnh đó, tập thơ còn giúp trẻ nâng cao kiến thức về đời sống và ý thức về tình yêu gia đình, cộng đồng./.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ