Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Thị xã Sơn Tây: Phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ Đoài

Trung Kiên 23/06/2024 20:10

Là trung tâm của văn hóa xứ Đoài và có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thị xã Sơn Tây (Thành phố Hà Nội) đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Phát huy kết quả nổi bật đã đạt được, Thị xã Sơn Tây đặt ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội.

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội là định hướng chiến lược

Theo ông Nguyễn Hải Anh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Sơn Tây, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển kinh tế, Thị xã Sơn Tây luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa tại Thị xã Sơn Tây đã có sự chuyển biến, phát triển rõ rệt.

trung-thu-thanh-co.jpg
Các em thiếu nhi biểu diễn tại chương trình “Trung thu Thành cổ Sơn Tây - Xứ Đoài” 2023 (Ảnh tư liệu).

Tiêu biểu như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian được quan tâm chú trọng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa biểu diễn tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Các nghi lễ, phong tục, lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống (Lễ hội đả Ngư, chùa Ón...) được thị xã kế thừa, nâng cấp, khôi phục. Các mô hình, loại hình ẩm thực kinh tế đêm khu vực chợ Nghệ, cỗ sen bếp làng, bánh tẻ, bánh gai được chú trọng phát triển. Công tác bảo tồn tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử, quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích được Thị xã Sơn Tây quan tâm.

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 78 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 65 lễ hội truyền thống, hàng năm, thị xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, quản lý lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội vùng Đền Và, lễ giỗ đức vua Phùng Hưng, Ngô Quyền.... thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham dự. Ngoài ra, Thị xã đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng các phóng sự, phim tư liệu nhằm lưu lại những tri thức trong thực hành di sản bảo tồn, di sản văn hóa làng nghề.

Thị xã Sơn Tây cũng đẩy mạnh phát triển các loại du lịch, phát triển thị trường thiết kế, thời trang, phần mềm và trò chơi giải trí, truyền hình, phát thanh, quảng cáo, xuất bản; tăng cường hội nhập trên lĩnh vực văn hóa; xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện hai Bộ Quy tắc ứng xử của UBND Thành phố Hà Nội.

“Đối với thị xã Sơn Tây - Trung tâm văn hóa Xứ Đoài, tài nguyên văn hóa rất dồi dào, cần có những giải pháp hữu hiệu để phục dựng và phát huy nguồn tài nguyên cho phát triển cần quy hoạch tổng thể để quản lý, tôn tạo và phát huy tiềm năng văn hóa gắn với phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội là định hướng chiến lược cho việc tổ chức thực hiện” – ông Nguyễn Hải Anh, nhấn mạnh.

Thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm

Trong thời gian tới, Thị xã Sơn Tây sẽ tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó, Thị xã sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và đề nghị quan tâm cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực cho Thị xã để công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các dự án đã đề xuất được triển khai đúng tiến độ theo kế hoạch. Thị xã Sơn Tây cũng sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiềm năng thế mạnh của thị xã.

Bên cạnh đó, Thị xã Sơn Tây phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa; ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín của Thủ đô, đất nước, quốc tế. Tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, chương trình, kế hoạch của thành phố, thị xã về phát triển, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch - dịch vụ để cán bộ đảng viên và Nhân dân thống nhất nhận thức, đồng tình hưởng ứng thực hiện. Song song đó, Thị xã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch; trọng tâm là phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch của thị xã.

quoc-te-duong-lam.jpg
Du khách quốc tế tham quan Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây).

Tập trung chỉ đạo bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp với tổ chức không gian tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Triển khai thực hiện xây dựng Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa làng cổ Đường Lâm và một số di tích khác trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ để làm sống lại làng cổ Đường Lâm.

Phục dựng lại khu di tích Thành cổ Sơn Tây với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 219 tỷ đồng). Dự án Bảo tồn, tôn tạo mở rộng khu di tích Đền Và với diện tích sau khi mở rộng khoảng 30,5ha với tổng mức đầu tư 533 tỷ đồng (trong giai đoạn 1 là 180 tỷ đồng); mở rộng lăng Ngô Quyền - Phùng Hưng khoảng 100 ha, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, để Khu di tích lịch sử văn hóa đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền xứng tầm với công lao của đức Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền.

Thị xã Sơn Tây xây dựng khu Trung tâm Hành chính mới của Thị xã với điện tích 6,5ha (tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng) nhằm mở rộng không gian phát triển văn hóa tuyến phố đi bộ gắn với Thành cổ Sơn Tây; lập quy hoạch tổ chức xây dựng Trung tâm văn hóa Xứ Đoài để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Xứ Đoài xưa... Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; các di sản, tài liệu quý hiếm và các lễ hội truyền thống. Phối hợp đẩy nhanh công tác đầu tư công viên Sông Tích phục vụ hạ tầng phát triển du lịch ở địa phương.

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thị xã Sơn Tây Nguyễn Hải Anh, cho biết thêm, Thị xã sẽ quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch với mô hình mới như mô hình Thực tế ảo (VR), diễn tả thực cảnh...tái diễn, tạo cảnh, phục dựng hoạt cảnh thực tế ảo như: Phùng Hưng đánh Hổ trên đồi Hổ Gầm; tái hiện chiến công :Võ công cao cả vang dội đến ngàn thu” của Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng; Sự tích Sơn Tinh Thủy – Tinh… cũng như không ngừng chú trọng cho đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa biểu diễn tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Trong phát triển văn hóa, Sơn Tây sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các clip, phim ảnh, phóng sự, sách, báo để giới thiệu về di sản văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, thị xã phát triển các mô hình phục vụ quay phim, điện ảnh tại Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu, Cổng làng Mông Phụ, các nhà cổ, điểm trồng hoa… Tăng cường hội nhập trên lĩnh vực văn hóa thông qua việc tham gia các lễ hội, triển lãm về kích cầu du lịch. Xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh nhằm khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức trong quan hệ ứng xử, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới./.

Trung Kiên