Lý luận - phê bình

Làm báo nơi vùng giải phóng

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình 07:36 22/06/2024

Tôi học và bắt đầu viết báo từ năm 1974, tại một vùng đất mới giải phóng - đó là Quảng Trị. Nơi ấy lúc bấy giờ là miền đất đói nghèo, đau thương nhưng cũng biết mấy can trường, biết bao thương nhớ… Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, ấy là vùng quê: “Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/ Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng…”.

Nhưng, cũng vùng đất ấy, với tôi suốt đời nặng nợ: “Một tên làng Quảng Trị/ Suốt đời đâu dám quên”, nói như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.

nha-van-ngo-vinh-binh-thu-hai-tu-phai-sang-cung-dong-doi-nhap-ngu-nam-1979.jpg
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội nhập ngũ năm 1979

Tố Hữu, nhà thơ sinh ra tại Huế, nhưng lại có duyên nợ với Quảng Trị cũng sáng tác những câu thơ, bài thơ đầy da diết viết về miền thương nhớ này. Khi tóc đã ngả màu sương, ông mới có dịp “tìm đường thăm quê”. Đứng trước dòng sông một thời là ranh giới cắt chia đất nước, lòng nhà thơ xao xuyến bồi hồi: “Sông Bến Hải bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/ Cách ngăn mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra?/ Bây giờ cầu lại bắc qua/ Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình”… Tuy thế, nhưng khi chúng tôi từ Hà Nội qua Vinh vào thì Quảng Trị vẫn là miền đất:

Anh về Quảng Trị... Gio Linh
Trèo lên dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
Bời bời cỏ lút đồng hoang
Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn
Tả tơi mấy ấp khu dồn
Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!...

Khi ấy, chúng tôi còn là sinh viên năm thứ tư khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh em chúng tôi vượt qua cầu Hiền Lương vào Thành cổ Quảng Trị, lên mãi miền Tây mới giải phóng làm công tác dân vận, địch vận, hỏi chuyện bộ đội, xâm nhập thức tế lấy tài liệu viết luận văn tốt nghiệp và đi… cắm cờ Giải phóng (cờ nửa xanh nửa đỏ) ở những vùng đất vừa giải phóng! Tôi nhớ lúc ấy, các bạn ở ban Sử cận hiện đại thì làm luận văn về lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh của quân dân các xã Trung Giang, Trung Hải (thuộc huyện Gio Linh), viết về các gương anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những đơn vị anh hùng. Chúng tôi học chuyên ban Dân tộc học thì đi điền dã viết về các tộc người ở miền Tây như Pacô, Vân Kiều cùng những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của họ. Những anh em sinh viên chuyên ngành Lịch sử Thế giới khác hẳn với các năm trước chỉ được thực tập nghiên cứu qua kho sách của các thư viện thì lần này được đến các xã Triệu Phong, Triệu Trạch, ra chợ vào phố Đông Hà để thực hiện công trình “Khảo sát nghiên cứu tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới tại Quảng Trị”… Vui và cảm động nhất là các cuộc hội ngộ: hội ngộ Nam - Bắc, hội ngộ quân - dân, hội ngộ bạn bè thời phổ thông, thời đại học…

bao-quang-tri-giai-phong.jpg
Báo Quảng Trị giải phóng

Năm ấy, tôi nhớ là năm đầu tiên hai miền Nam Bắc được tự do đi lại qua sông tuyến, qua cầu Hiền Lương. Những người thầy hướng dẫn chúng tôi đi thực tập như GS. Phan Hữu Dật (tổ bộ môn Dân tộc học), GS. Lê Mậu Hãn (tổ bộ môn Lịch sử Đảng)... cũng là những cán bộ miền Nam tập kết đã sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” mấy chục năm trường. Lần ấy, cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp lại những người bạn cùng khoa, cùng trường mà hôm nào chúng tôi còn “ngồi chung một lớp” nay đã thành những người lính dạn dày. Chúng tôi bùi ngùi khi ngồi thuyền máy, đò máy từ Cửa Việt, Cửa Tùng ngược dòng Thạch Hãn về phố Đông Hà, lên Cam Lộ, lên miền Tây Đakrông, Hướng Hóa… và không ai giấu nổi được những giọt nước mắt khi nghe đâu đó giọng hò:

Hò…ơ…
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm!

Tôi lại nhớ, trong một hồi ức, cô bạn tôi cũng trong đoàn sinh viên thực tập năm ấy từng chia sẻ:… Bạn ấy có hai người bạn cùng học cấp ba sau là sinh viên nhập ngũ, đang đóng quân tại Quảng Trị. Nhớ bạn, bạn ấy đã mượn xe đạp một mình tìm đến đơn vị bạn đang đóng quân ở gần sân bay Ái Tử. Lần đầu tiên đạp xe vun vút trên quốc lộ (còn được gọi là đường “Việt Nam hóa chiến tranh”) bạn ấy đã làm bài thơ “Thăm bạn cũ” được đăng báo tỉnh. Và bạn ấy không ngờ đó là bài thơ cuối cùng bạn trai của mình được đọc. Bởi chỉ ít tháng sau đó người bạn đã hy sinh trên đường cùng đơn vị tiến vào giải phóng thành phố Huế để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình bè bạn cùng ước mơ trở lại giảng đường đại học và trở thành nhà báo, nhà văn còn dang dở.

tac-pham-_may-cay-ve-a-xoc_-cua-nha-van-nha-bao-ngo-vinh-binh-dang-tren-bao-quang-tri-giai-phong.jpg
Tác phẩm “Máy cày về A xóc” của nhà văn nhà báo Ngô Vĩnh Bình đăng trên báo Quảng Trị giải phóng

Với riêng tôi, vào vùng giải phóng Quảng Trị năm ấy, tôi rất muốn tìm lại dấu chân của một người bạn đồng niên, đồng môn - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh học khoa Văn, còn tôi khoa Sử, nhưng anh luôn là thần tượng của tôi.

Tôi biết Cầm và đọc thơ Cầm từ những năm đầu của thập kỷ 70, khi anh còn là một thiếu niên Hà Nội. Thơ anh được ký dưới các bút danh rất mùi mẫn như Hoài Thương, Ánh Biếc… Cầm vào đại học, học ngành Văn, đi bộ đội, được giải thơ báo Văn Nghệ và gắn bó tuổi trẻ với mảnh đất Quảng Trị.

tac-pham-xuong-voi-dakrong-dang-tren-bao-quang-tri-giai-phong-cua-tac-gia-ngo-vinh-binh.jpg

Tôi đọc thơ Cầm và cảm thấy Cầm luôn là Hoàng Nhuận Cầm, chẳng lẫn vào với ai được. Một giọng thơ của một người Hà Nội “gốc”, một quân nhân, một con người đã trải qua thời trận mạc. Vào Quảng Trị mùa hè đỏ lửa ấy, tôi tiếc đã không gặp được những người bạn K14, K15 Đại học Tổng hợp Hà Nội, những người lính sinh viên năm ấy, vì các anh còn phải cùng đơn vị đi truy kích địch, chống lấn chiếm, xây dựng và ổn định cuộc sống của nhân dân vùng mới giải phóng. Nhưng thú thật các anh đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa yêu đời, yêu nghề mà chúng ta đã mơ ước và đang chập chững bước vào - nghề cầm bút. Và có thể nói, những điều được thấy, được biết và cảm nhận được ở vùng đất này đã nuôi dưỡng chúng tôi đến với nghề báo. Tôi nhớ những lần gặp các anh ở Thông tấn xã Giải phóng, ở báo Quảng Trị giải phóng đóng trụ sở tại thị xã Đông Hà tôi có nêu băn khoăn về cái sự khó của nghề báo. Anh Phân xã trưởng ân cần: “Khó mới phải học, học trong sách vở, học ngoài cuộc đời, học bạn bè anh em. Viết mãi rồi khắc được như người miền núi nói “khắc đi, khắc đến”. Các anh ngày trước cũng thế!”. Nghe theo các anh, về nhà tôi mày mò viết, viết đủ các loại: tin, bài, ghi chép, bút ký, thơ, truyện. Viết cho đài truyền thanh, cho báo huyện, báo tỉnh ở Quảng Trị, viết gửi ra Hà Nội. Nhớ nhất là cái “mũ” của những bài gửi ra Hà Nội với dòng “Từ miền Nam gửi ra” và cái hòm thư ghi địa chỉ người viết rặt những con số cùng những ký tự. Không biết có sự chiếu cố, ưu tiên nào không, các tin bài tôi gửi ra đều được dùng. Tôi nhớ những bài báo viết tại vùng giải phóng Quảng Trị: “Lòng dân các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ qua thơ ca dân gian” (báo Cứu Quốc), “Chà chấp, tiếng hát của người Bru Vân Kiều” (báo Thống Nhất), “Máy cày về A xóc”, “Xuống với Đakrông” (báo Quảng Trị giải phóng)… Những bài báo này tôi còn giữ được và xem như “tác phẩm đầu tay” của mình trong cuộc đời 50 năm viết báo, làm báo…

image.daidoanket.jpg
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình

Mới đây, trong một lần về lại Quảng Trị, gặp lại anh bạn đồng nghiệp từ thời mới tập tọe viết báo làm báo, nghe tôi “hồi ức” lại những ngày xưa thương mến, bạn bảo: “Quê tôi nghèo khó, xa xôi vậy, nhưng là mảnh đất nuôi ông thành nhà báo”. Tôi định “đính chính” gì đó, đại loại như “nhà báo gì, lều báo gì có” hay “nhà báo già rồi” lạc hậu rồi, nhưng không hiểu sao lại ôm ghì lấy bạn và nước mắt như chực ứa ra!

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình