Sự kiện & Bình luận

Ta để lại gì trong tâm khảm nhân dân

Khúc Hồng Thiện 21/06/2024 10:18

Nhà báo, nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung (1930 - 2016) trong cuốn “Văn nghệ sĩ Liên khu 5 - Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo” khi viết về chân dung những người làm báo, viết văn, quay phim, chụp ảnh nơi chiến trường dằng dặc đạn bom từng chia sẻ: “Trong chiến tranh, người chụp ảnh và người quay phim có khát khao như lửa táp, ấy là chụp được, quay được chính diện gương mặt của người chiến sĩ cầm súng đang xung phong”, nhưng họ “mãi mãi không bao giờ đạt được khát khao đó”…

1anh-1-1-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh tư liệu của TTXVN

1. Nhà báo, nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung (1930 - 2016) trong cuốn “Văn nghệ sĩ Liên khu 5 - Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo” khi viết về chân dung những người làm báo, viết văn, quay phim, chụp ảnh nơi chiến trường dằng dặc đạn bom từng chia sẻ: “Trong chiến tranh, người chụp ảnh và người quay phim có khát khao như lửa táp, ấy là chụp được, quay được chính diện gương mặt của người chiến sĩ cầm súng đang xung phong”, nhưng họ “mãi mãi không bao giờ đạt được khát khao đó”…

Vì sao ư? Vì “mặt đối mặt với người cầm súng là kẻ thù”. Ống kính của họ chỉ có thể hướng theo những người anh hùng ấy từ phía sau, nếu ráng hết sức thì cũng hướng chếch từ một bên. Làm sao phóng viên quay phim có thể đứng giữa những người cầm súng và kẻ thù của họ, để trong một khoảnh khắc cực ngắn khó tưởng tượng nổi, ghi lại chân thực gương mặt điềm nhiên và sắc lạnh của người cầm súng.

Bù đắp lại, những người quay phim chiến trường cố bám gần, bám sát nhất có thể để chụp các bức ảnh, quay những thước phim nhiều khi chỉ có một lần trong đời. Việc làm ấy đòi hỏi sự gan góc, cũng phi thường như bao người lính giương lê vọt khỏi công sự, xung phong vượt qua cửa mở.

“Những người quay phim chiến trường ở Liên khu 5 đã có sự gan góc đó. Họ đã làm ra những thước phim để lại cho đời. Trong những thước phim ấy không có hình ảnh họ. Hình ảnh họ ẩn sau những thước phim ấy mà thôi”.

Tôi may mắn được trực tiếp chứng kiến ngày ông viết những dòng này, cách đây mười mấy năm, lúc đó, mắt Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung ngấn lệ. Hẳn ông nhớ, nhớ biết bao đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử, nhớ ký ức những năm tháng khắc nghiệt mà hào hùng ấy.

Lăn lộn nơi chiến trường, giữa lằn ranh sinh tử, các nhà báo, phóng viên ngày ấy ôm máy ảnh, cố bám sát những người cầm súng, bất chấp mọi hiểm nguy. Nhờ thế, mà họ để lại cho chúng ta và cả nhiều thế hệ sau này, hàng nghìn bức ảnh, thước phim tư liệu quý giá như: “Những người dân quê tôi” - đạo diễn, quay phim Trần Văn Thủy; “Người săn thú trên núi Đắk Sao” của Trần Thế Dân và Ivang năm 1971; “Làng nhỏ bên sông Trà” của Nghiêm Phú Mỹ; “Chúng tôi buộc phải cầm súng” của đồng tác giả Trần Đống, Trần Thế Dân, Trần Văn Thủy… Danh sách này đương nhiên sẽ còn nối dài hơn, cả trước và sau, tên những nhà báo - chiến sĩ, vừa cầm bút, cầm máy quay, máy ảnh vừa cầm súng.

2. Lịch sử là sự kế thừa. Lịch sử nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng vậy. Ngọn lửa nhiệt huyết luôn được giương cao, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nếu thế hệ cha anh phải sống, chiến đấu và băng qua nơi chiến trường lửa đạn, thì với những “nhà báo chiến trường” hôm nay, có thể thấy là đang tác nghiệp trên mặt trận không tiếng súng. Đó là những phóng viên lĩnh vực báo chí điều tra, phòng chống tham nhũng tiêu cực; những nhà báo nơi tuyến đầu điểm nóng xã hội - các phóng viên hiện trường. Ngay cả những cây bút lĩnh vực tuyên truyền - lý luận, đấu tranh, phê phán các luận điệu sai trái, thù địch - góp phần định hướng xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, tựu trung vẫn mang phẩm chất của nhà báo chiến trường thời hiện đại.
Còn nhớ, dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trong bài viết với nhan đề: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà báo luôn bám sát thực tiễn sinh động, xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Báo chí còn tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Tại Hội nghị toàn quốc năm 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định: “Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận”.

3. Đất nước đang trên đà đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi thì những khó khăn, thách thức cũng đang đặt ra nhiệm vụ hết sức quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như đội ngũ những người làm báo. Trên mặt trận không tiếng súng, báo chí cách mạng phải giữ vững quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước; tích cực tuyên truyền các chủ trưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và cộng đồng quốc tế; không ngừng đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong xã hội; đồng thời phải là diễn đàn của nhân dân, góp phần cổ vũ những nhân tố mới, khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

image111.jpg

Để làm được điều đó, những người cầm bút hôm nay cần lắm mang trong mình một bầu nhiệt huyết, trách nhiệm và chính trực. Mỗi người cầm bút, phóng viên, biên tập viên thời hiện đại càng phải vững vàng trước bề bộn thông tin thật giả lẫn lộn, càng cần phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời nhắc nhớ của nhà báo lão thành Hữu Thọ (1932-2015). Đó là đạo đức nghề nghiệp, là phẩm cách người cầm bút, là phẩm chất nhà báo Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn xuất thân là một nhà báo cũng lưu ý: “Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà báo cách mạng lại càng phải có bản lĩnh cách mạng, giữ vững vai trò định hướng thông tin, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình”.

Chẳng cứ riêng nghề báo, công việc nào, xã hội nào, thời đại nào chăng nữa, muốn phát triển đều phải biết cách trui rèn đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp. Khi đã xác định mục tiêu đúng đắn thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp phù hợp. Và, cách tốt nhất để chiến thắng cái ác là nhân lên mầm thiện. Trong mỗi lời nói, việc làm tốt đẹp của từng người, được tích lũy hằng ngày sẽ tôn bồi, nuôi dưỡng sự cảm thông, lòng trắc ẩn, tính trung thực, tự trọng ở mỗi chúng ta. Nhất là thế hệ trẻ, những người viết trẻ.

Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà và cũng là một nhà báo lớn thì “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “bài báo là tờ hịch cách mạng”.

Trong bối cảnh hôm nay, giai đoạn cách mạng mới của đất nước ta, mỗi nhà báo, mỗi người cầm bút với khát khao cháy bỏng là sáng tạo nên những tác phẩm báo chí, văn học - nghệ thuật có chất lượng, lay động cảm xúc thẩm mỹ và lương tri con người, đóng góp thêm tiếng nói phản ánh, phản biện trên tinh thần xây dựng vì sự nghiệp chung.

Điều sâu thẳm mỗi khi đối diện với trang giấy, màn hình máy tính, máy ảnh và máy quay phim, là sự trăn trở, là tự vấn: Ta sẽ để lại gì trong tâm khảm nhân dân? Có như vậy các nhà báo mới thực sự làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận không tiếng súng./.

Khúc Hồng Thiện