Nhà báo Đỗ Quảng - xa và gần…
Nhà báo Đỗ Quảng sinh năm 1938, hơn tôi một giáp. Mới diện kiến lần đầu và thời gian cũng không nhiều bởi các cuộc họp cộng tác viên báo chí thì vui là chính, nhưng trực giác vén mở tôi biết nhà báo Đỗ Quảng trong đời, trong nghề là con người tiết tháo, khôn ngoan, thâm thúy, chịu chơi, hiện sinh, thực tế. Như thế đã đủ hiểu một con người từ xa đến mà ta mới gặp?! Đây có thể là một trường hợp thú vị nếu chịu khó quan sát tiếp. Rồi phải chờ đến “thì tương lai” mới rõ.
Xa…
Nói xa là bởi mãi đến đầu năm 2020, tôi mới gặp nhà báo Đỗ Quảng lần đầu tiên nhân một cuộc họp cộng tác viên của Tạp chí Người Hà Nội. Đối diện tôi là một ông già áng chừng hơn tuổi 80, người nhỏ thó, mái tóc bạc cước được điểm xuyết bằng một chiếc mũ phớt đẹp. Phải thừa nhận, nếu thiếu cái mũ phớt thì dung nhan nhà báo Đỗ Quảng sẽ rất khác. Lại nữa, tôi cũng hay đọc sách về tử vi, nhân tướng học nên thấy người này “ăn ảnh”, vậy thì sẽ rất chi là khổ như thiên hạ thường nói. Mà sau này mới rõ ông khổ thật. Tất nhiên chuyện “sướng”, “khổ” cũng chẳng thể cân đo đong đếm như dùng cân tiểu ly tính vàng bạc châu báu xưa nay.
Nhà báo Đỗ Quảng sinh năm 1938, hơn tôi một giáp. Mới diện kiến lần đầu và thời gian cũng không nhiều bởi các cuộc họp cộng tác viên báo chí thì vui là chính, nhưng trực giác vén mở tôi biết nhà báo Đỗ Quảng trong đời, trong nghề là con người tiết tháo, khôn ngoan, thâm thúy, chịu chơi, hiện sinh, thực tế. Như thế đã đủ hiểu một con người từ xa đến mà ta mới gặp?! Đây có thể là một trường hợp thú vị nếu chịu khó quan sát tiếp. Rồi phải chờ đến “thì tương lai” mới rõ.
Gần…
Nói gần không phải để đối lập với xa, dẫu cho những cặp phạm trù này đều có tính biện chứng. Cơ hội gần nhà báo Đỗ Quảng, như ai đó nói vui, là khi có cái gọi là Câu lạc bộ Thời báo Văn học Nghệ thuật. Một cái tên hoàn toàn ngẫu nhiên, ngẫu hứng, nhưng cực kỳ thú vị. Số là, sau khi Thời báo Văn học Nghệ thuật ra số đầu tiên (30/7/2020), thì một nhóm cộng tác viên thường xuyên đến tòa soạn vào sáng thứ 5 hàng tuần khi báo ra. Khi chén trà Thái ngon, khi điếu thuốc ngoại thơm lừng, xuân thu nhị kỳ có chén rượu nhạt nhưng nồng, ai ai cũng hỉ hả vì sự cố kết với tờ báo mới.
Phải nói là nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật có cái duyên gắn kết, châu tuần các nhà văn làm báo cùng các nhà báo làm văn, với những tên tuổi quen biết trên văn đàn và mặt trận báo chí (xin kể vài ba văn nhân -Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khắc Phê, Tô Hoàng, Thanh Thảo, Lê Bá Thự, Trần Đăng Suyền, Phạm Đình Ân, Nguyễn Thanh Kim, Nguyễn Đắc Như, Nguyễn Tiến Thanh, cùng các họa sĩ Lê Huy Quang, Đinh Quang Tỉnh, các nhiếp ảnh gia như Hoàng Kim Đáng, Trần Mạnh Thường...).
Nhà báo Đỗ Quảng được tín nhiệm của tòa báo mời làm Cố vấn Tổng biên tập, sau đó là Ủy viên Ban Biên tập. Từ khi nhà báo Đỗ Quảng xắn tay giúp thì Tổng biên tập Hoàng Dự lúc nào trông cũng hồ hởi, tươi rói vì nói và làm đi đôi, vì trên thông dưới tỏ, vì có các mạnh thường quân bao bọc, nâng đỡ. Tỷ như, Tập đoàn Hòa Bình của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường đã mua hàng ngàn tờ báo Thời báo Văn học Nghệ thuật và hỗ trợ nhiều sự kiện văn học nghệ thuật của báo. Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu sự khởi sắc của tờ báo diện em út là nhờ sáng kiến, hiến kế của nhà báo Đỗ Quảng cùng nhiều người tâm huyết khác.
Dấu ấn của nhà báo Đỗ Quảng hằn nét trên Thời báo Văn học Nghệ thuật là hiện thực, như dưới thanh thiên bạch nhật, không cần phóng đại, tô màu và cũng chẳng thể phản biện được. Trong chuyến hành hương “Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức (từ 15-21/4/2024), nhà báo Đỗ Quảng là khách mời cùng nhà thơ Vũ Quần Phương - hai trưởng lão của đoàn (đều tuổi 85). Trong một sự kiện tặng quà cho Trường Tiểu học Him Lam (TP. Điện Biên Phủ), nhà báo Đỗ Quảng chia sẻ “Sau chuyến đi này nếu có chết cũng cam lòng”.
Không phải giai thoại
Mổ ung thư cắt hết bao tử nhưng nhà báo Đỗ Quảng vẫn sống khỏe làm việc khỏe, và là người có sức khỏe tinh thần mạnh mẽ. Phẫu thuật hai khối u một lúc mà nay vào Nam, mai ra Bắc cứ như con thoi, làm việc không hề thua em kém chị. Con người thể chất nhỏ bé Đỗ Quảng lại gánh trên vai một núi công việc, một Hỏa Diệm Sơn. Như thế là tự tại, tự tin, tự hào.
Gần nhà báo Đỗ Quảng, tôi chợt nhận ra khi con người ta đối diện với cái chết một cách bình tĩnh cũng có nghĩa là người đó ngộ ra lý lẽ của đời sống, vốn theo quy luật không chừa ai “sinh lão bệnh tử”.
Không những thế, Đỗ Quảng còn đứng lớp giảng dạy về chuyên môn nghiệp vụ viết phóng sự cho sinh viên ngành Báo chí - Truyền thông ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Báo chí và tuyên truyền. Có lẽ người tài hay vượt khuôn khổ, khắc chế vô lý như thứ vòng kim cô. Nghe nói, sinh viên cứ mắt tròn mắt dẹt khi nghe thầy giảng bài.
Hai tay hai súng - báo và thơ
Chân dung nhà báo Đỗ Quảng sẽ khuyết nếu không nói về tư cách “2 trong 1” - viết báo làm thơ, hai tay hai súng thiện xạ như lính đặc nhiệm.
Chuyện tay báo thì đã rõ như dưới thanh thiên bạch nhật. Đỗ Quảng đã viết cả trăm thiên phóng sự dài ngắn khác nhau về các trạng huống đời sống với đủ cung bậc tham sân si/ái ố hỉ nộ. Những thăng trầm, những vui buồn, những bất công phi lý trong cuộc sống xã hội hiện đại, dưới cái nhìn và cách viết của tác giả đều tuân thủ nguyên tắc “sức mạnh của cái đúng”. Nghĩa là phóng sự của Đỗ Quảng đều nhằm vào các tâm bão đời sống, viết trúng và đúng nên có sức hấp dẫn độc giả. Ai đó nói chí lý, Đỗ Quảng là một “cây phóng sự” có hạng hiện nay trong báo giới. Ông đã nhận một số giải thưởng báo chí có tiếng như: Giải Nhất Giải báo chí Quốc gia (năm 1983) ở thể loại phóng sự; Giải đặc biệt Giải báo chí Vì an ninh Tổ quốc, Bộ Công an (năm 1983). Nói một cách văn vẻ thì, nghề báo chảy trong máu huyết của nhà báo Đỗ Quảng.
Tám mươi lăm tuổi, nhưng niềm say mê nghề báo đã khiến Đỗ Quảng luôn tràn trề năng lượng và nhạy cảm nghề nghiệp. Trong chuyến hành hương “Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên”, tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà báo lão thành Đỗ Quảng đã chớp được khoảnh khắc hai người đàn ông Pháp trầm tư trước các hiện vật chiến tranh và ngay sau đó viết bài báo nóng sực thời sự Chuyện của hai con trai người lính dù Pháp (in trên báo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 18 ra ngày 2/5/2024). Một ví dụ như thế để thấy làm nghề bất kỳ, muốn có danh có tiếng thì phải đam mê trước hết, sau nữa là có đủ cam đảm sống chết với nghề. Nhà báo Đỗ Quảng là thế.
Chuyện tay thơ thì có hơi khác. Nhà báo Đỗ Quảng về già lại đâm ra mê mẩn nàng thơ. Âu cũng là cái duyên thơ như thi sĩ Xuân Diệu đã viết “Thơ duyên”, một thời nam thanh nữ tú đứng ngồi không yên sau khi đọc. Riêng tôi thì thấy vui, bởi lẽ giản dị, còn có người yêu thơ, làm thơ là còn có người tử tế. Hai tập thơ “Thương lắm Sài Gòn ơi” (2022) và “Vui buồn tháng tư” (2023) của nhà báo Đỗ Quảng cho người đọc một niềm tin vào sức sống, sức bền của thơ ca chân chính và hay. Để biết và tin văn chương/ thơ ca không lâm nguy như một thứ báo động giả đang phát tán trên không gian mạng hiện nay. Gần hơn cả, nhân chuyến hành hương “Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên” nhà báo Đỗ Quảng có bài thơ “Tiếng đàn Đại tướng” (đăng trên báo Thời báo Văn học Nghệ thuật, số 17, ra ngày 25/4/2024). Một bài thơ ngắn nhưng có sức chứa về giá trị, ý nghĩa “cái đẹp chính là đời sống”, “tận cùng văn hóa là con người”. Cả hai phương diện này hài hòa trong hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước cây đàn dương cầm với nhạc phẩm trữ tình Thư gửi Elise (“Fur Elise”) của nhạc sĩ thiên tài người Đức L. Beethoven (1770 - 1827).
Vĩ thanh...
Từ xa đến gần rút ngắn dần khoảng cách giữa tôi và nhà báo Đỗ Quảng diễn ra trong gần 2000 ngày qua từ buổi đầu sơ kiến đến nay đã có thể thưởng rượu với nhau. Cũng là một cơ duyên hạnh ngộ. Bởi tuổi càng cao người ta càng có xu hướng thu hẹp quan hệ vào mức tối thiểu chứ không tối đa. Tôi cứ nghĩ, nhà báo Đỗ Quảng thuộc kiểu người cháy đến giọt cuối cùng và mỗi ngày sống là một ngày áp chót. Và nghĩ, hình như mình cũng thế nên mới thấu hiểu và thấu cảm đối tượng được viết?!