Tác giả - tác phẩm

Cháy đến giọt cuối cùng

Bùi Tùng Ảnh 05:55 21/06/2024

Nhà thơ Lệ Thu (tên khai sinh là Trần Lệ Thu, bút danh khác Trần Thị Lưu Phương) sinh ngày 15/8/1940; quê quán tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1955, Lệ Thu học phổ thông ở các trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng, đến năm 1961 thì học khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ mái trường đến chiến trường

Nhà thơ Lệ Thu (tên khai sinh là Trần Lệ Thu, bút danh khác Trần Thị Lưu Phương) sinh ngày 15/8/1940; quê quán tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1955, Lệ Thu học phổ thông ở các trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng, đến năm 1961 thì học khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1964, Lệ Thu công tác với vai trò phóng viên, biên tập viên tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như: phóng viên và biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, phóng viên thường trú Đài phát thanh Giải phóng tại Trung Trung Bộ (thuộc Khu ủy Liên khu V). Sau 1975, Lệ Thu chuyển sang hoạt động văn học nghệ thuật, từng giữ chức Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ I (1992 - 1997), đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa IX (1992 - 1997). Nhà thơ Lệ Thu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.

2.jpg

Một người phụ nữ ở tuổi “tam thập nhi lập” như Lệ Thu, đã “dám từ bỏ trái hạnh phúc ửng hồng trong vườn nhà mình” (theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết “Dấu chân người lính”), từ bỏ ngọn lửa hồng êm ấm trong “hang ổ” (gia đình bé mọn) của mình ra đi vào chốn đạn bom, vì cái gì nếu không phải là tinh thần dấn thân, nhập cuộc!?

Nhà báo - nhà thơ Lệ Thu trở về hoạt động trên quê hương Bình Định yêu dấu tựa như thi sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (1941 - 1968) trở về chiến trường, trở về quê hương Bến Tre. Ai đi xa dẫu vì bất cứ lý do gì đều có cái rưng rưng cảm xúc cố hương ngay khi đặt chân trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Thời gian đó bà sống trong tâm trạng “ngày Nam đêm Bắc” với nỗi nhớ nhung cồn cào về con cái ở phương xa: “Đêm cuối cùng được ở bên con/ Mẹ thao thức lắng nghe từng hơi thở/ Nhịp thở bình yên/ Môi con hé mở/ Con thấy gì mà cười trong giấc mơ/ Bồi hồi mẹ viết bài thơ/ Bao thương nhớ dành cho con tất cả/ Mai mẹ lên đường/ Nhiều gian lao vất vả/ Suốt chặng đường dài mẹ sẽ nhớ về con/ Cái miệng hay cười/ Cái dáng lon ton/ Cái đầu “bẹp cá trê” vì ít khi được bế” (Viết cho con).

“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” như một căn cước nhân cách văn hóa

“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của nhà thơ - nhà báo Lệ Thu được Nxb Quân đội nhân dân ấn hành năm 2015. Tác phẩm là những ghi chép theo nhật trình từ 10/8/1973 - ngày nữ phóng viên Lệ Thu đi chiến trường không hề mang tâm thế “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (“Đất nước” - Nguyễn Đình Thi), vì chị còn có một gia đình hạnh phúc, một tổ ấm, còn đứa con yêu dấu tuổi nhỏ non nớt cần nhiều sự chở che của người mẹ. Còn vì, ra đi nhưng vẫn có biết bao nhiêu níu kéo riêng tây. “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” khép lại trang cuối cùng ngày 1/5/1975 khi nhà báo Lệ Thu từ miền lửa đạn ngút trời hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội trong cờ hoa và nước mắt cùng với niềm vui hân hoan đoàn tụ trong hòa bình của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Một điều kỳ lạ, cuốn nhật ký được bà cất giữ như một báu vật trong suốt bốn mươi năm (1975 - 2015), tưởng chừng như đã “ngủ yên”, “hóa thạch” vì tác giả của nó quan niệm đó chỉ là những kỷ niệm, bí mật riêng tư, những buồn vui thăng trầm của đời mình một thời binh lửa bi hùng. “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của Lệ Thu là một tác phẩm tràn trề chữ tình, hay nói cách khác là “duy tình”. Đã là nhật ký, theo quy ước thể loại văn học, thì không gì khác ngoài ghi chép sự việc theo nhật trình, theo trật tự tuyến tính thời gian một cách trung thực, chính xác. Thông thường nhật ký là bí mật cá nhân chỉ dành cho một người duy nhất - chủ thể. Nhưng trong lĩnh vực sáng tác văn chương thì nhật ký đã tự giác biến cái riêng thành cái chung, cái tôi thành cái ta. Trong văn học Việt Nam hiện đại, “Ở rừng” (Nhật ký, 1947 - 1948) của Nam Cao là điển hình nhất thời kháng chiến chống Pháp. Thời kháng chiến chống Mỹ, cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm đã trở thành bất hủ nhờ tính chân thực, độ nóng sự kiện và triết lý sống cao đẹp.

nha-bao-le-thu-va-cuon-nhat-ky-nu-nha-bao-chien-truong.jpg
Nhà thơ, nhà báo Lệ Thu

“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” đan dày bởi ba lớp chữ nghĩa dung chứa tình cảm đầy đặn và sâu sắc: Tình mẫu tử khi người phụ nữ quyết tâm đi vào chiến trường miền Nam; nhân cách văn hóa của một người cầm bút (viết văn, làm báo trong thời chiến), từ đó thể hiện quan hệ riêng - chung làm sao trọng và trọn cả hai bề. Lớp tình cảm thứ ba trong “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” là tinh thần lạc quan yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Đó là chủ nghĩa lạc quan dựa trên chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Cũng như những người trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa sâu sắc, với cái nhìn thấu thị đời sống, nhà báo - nhà thơ Lệ Thu thấm nhuần sự thật/ chân lý: Chiến tranh không phải là một ngày hội, cũng không phải là một trò đùa của tạo hóa, bởi máu người không phải là nước lã. Nhưng đồng thời tác giả của “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” cũng hơn ai hết với tâm hồn nghệ sĩ đã xác tín không có chuyện “Đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”. “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của nhà báo - nhà văn Lệ Thu đến tay độc giả vì cơ duyên, sự mong muốn của công chúng nghệ thuật được “chạm” vào ký ức lương thiện của một thế hệ đã xả thân vì nghĩa lớn. Khi cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” đến tay độc giả thì tình thần “ôn cố tri tân” tràn đầy nhằm mục đích viết để “chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”, để cho không một người nào, không một việc gì bị lãng quên. Có thể coi “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của nhà báo - nhà văn Lệ Thu là một cách thức trình diện ký ức lương thiện tối ưu, có tác dụng “thanh lọc tâm hồn” con người, bởi tính chất “tâm lý xuyên văn hóa” của nó.
Nhà báo và nhà thơ

Trở về sau chiến tranh, lúc này nhà báo Lệ Thu mới có thời gian và điều kiện lắng đọng tâm hồn, sống chậm trong mạch suy nghiệm dòng đời và lẽ đời, cầm bút làm thơ. Không thể không viết thơ như một thôi thúc nội tâm khó bề thoái thác. Từ tác phẩm thơ đầu tay: “Xứ sở loài chim yến” (1980) và các tập tiếp theo “Hương gửi lại”, “Nguyện cầu thơ”, “Chân dung tình yêu”, “Khoảng trời thương nhớ” (Thơ và trường ca), “Tri kỷ”, “Mây trắng”, “Tri âm của đất”, “Điềm đạm Việt Nam” (Thơ tuyển), “Khói mỏng nhẹ bay” mới thấy rõ chân tủy nghệ sĩ của nhà báo. Không phải chỉ chờ hòa bình, yên bình mới “nhả” chữ thơ. Tất cả được thai nghén từ trong chiến tranh, từ trong máu và hoa. Đến một ngày có cơ hội thăng hoa.

Thơ Lệ Thu giàu chất trữ tình nhưng không thiếu chất trí tuệ, như nhan đề tập thơ “Điềm đạm Việt Nam”. Nếu cần viết một câu ngắn về thơ Lệ Thu, thì tôi sẽ nắn nót “Thơ Lệ thu đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Riêng tôi thích câu nói “Mỗi ngày sống như một ngày áp chót” của nữ nhà báo chiến trường Lệ Thu. Đó là cách sống “cháy đến giọt cuối cùng” của một thế hệ dám xả thân vì đại nghĩa.

Bùi Tùng Ảnh